Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp phép, chứng nhận dịch vụ chứng thực Chữ ký số

Lan Phương| 21/09/2017 06:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số (CKS) và dịch vụ chứng thực CKS nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp phép, cấp giấy công nhận, giấy chứng nhận đối với dịch vụ chứng thực CKS để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN).

Nghị định số 26/2007/NĐ-CP đã phát huy tốt vai trò

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ TTTT để xin ý kiến của người dân.

Ngày 15/02/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS. Sau 10 năm thi hành (2007 - 2017), Nghị định 26/2007/NĐ-CP đã thực sự phát huy vai trò là cơ sở pháp lý quan trọng và là nền tảng cho sự hình thành, phát triển thị trường dịch vụ chứng thực CKS và các ứng dụng CKS, góp phần đảm bảo an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử và thương mại điện tử ở Việt Nam.

Hiện nay, thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực CKS hoạt động ổn định với 08 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng. Đến hết năm 2016, trên cả nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng đã cấp hơn 1,7 triệu chứng thư số, trong đó, số lượng đang hoạt động là khoảng 850.000 chứng thư số (chiếm gần 50%).

Về ứng dụng sử dụng CKS, hiện nay, CKS được sử dụng chủ yếu cho việc kê khai và nộp thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử và kê khai bảo hiểm xã hội điện tử. Theo số liệu từ các đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong năm 2016, hơn 600.000 tổ chức, DN sử dụng CKS để kê khai thuế điện tử; hơn 100.000 DN sử dụng CKS để khai báo hải quan điện tử và hơn 200.000 DN sử dụng CKS để kê khai bảo hiểm xã hội điện tử.

Việc sử dụng CKS trong cơ quan nhà nước (CQNN) cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Đến nay, tất cả các Bộ ngành, địa phương trên cả nước đã sử dụng CKS chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử. Đến hết năm 2016, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp hơn 64.000 chứng thư số cho các Bộ ngành, địa phương, trong đó, khoảng 31.600 chứng thư số cho 32 Bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và khoảng 32.400 chứng thư số cho 63 địa phương trên cả nước.

Các CQNN không chỉ ứng dụng CKS trong các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ mà còn sử dụng trong các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN. Đến nay, có 10 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ sử dụng CKS trong việc cung cấp hơn 140 dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN.

Bên cạnh việc sử dụng CKS công cộng, các cơ quan, tổ chức, DN còn xây dựng và sử dụng CKS chuyên dùng của cơ quan, tổ chức. Đến nay, có 04 cơ quan, DN được cấp giấy chứng nhận hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng với tổng số hơn 50.000 chứng thư số chuyên dùng đang được sử dụng.

Thay đổi để phù hợp với bước phát triển mới của đất nước

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định 26/2007/NĐ-CP đã hoàn thành vai trò và sứ mệnh của mình. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước với nhiều thay đổi, một số quy định của Nghị định này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập không phù hợp với tình hình thực tế, nhiều chính sách quản lý mới được ban hành nhưng chưa được quy định trong Nghị định 26/2007/NĐ-CP. Một số hạn chế, bất cập chủ yếu như: Tháng 11/2015, Quốc hội ban hành Luật phí và lệ phí, trong đó quy định phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số. Tuy nhiên, loại phí này chưa được quy định trong Nghị định 26/2007/NĐ-CP; Quy định về giá trị pháp lý của CKS trong Nghị định 26/2007/NĐ-CP tuy phù hợp với việc sử dụng CKS cho văn bản hành chính trong CQNN nhưng chưa hoàn toàn phù hợp với quy định tại Luật Giao dịch điện tử và việc sử dụng CKS trong DN; Các điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng trong Nghị định 26/2007/NĐ-CP sau 10 năm thực hiện đã trở nên khá đơn giản, dễ dàng đáp ứng, từ đó dẫn đến có những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng; Nghị định 26/2007/NĐ-CP chưa quy định về việc quản lý các đại lý dịch vụ chứng thực CKS công cộng nên thường xuyên xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng và giữa các đại lý; Hoạt động cung cấp dịch vụ và quyền, nghĩa vụ của các DN cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng còn chưa rõ ràng, cụ thể là trách nhiệm của DN trong trường hợp bị tạm đình chỉ giấy phép, tạm dừng chứng thư số, nghĩa vụ công khai thông tin của người sử dụng CKS còn khá chung chung..

Từ những lý do trên, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS để thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP là hết sức cần thiết, bảo đảm hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực CKS, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CKS trong các hoạt động kinh tế - xã hội và trong CQNN, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử.

Những điểm mới trong Dự thảo Nghị định thay thế

Dự thảo Nghị định tuân thủ các quy định tại Luật Giao dịch điện tử, đồng thời, kế thừa tối đa các nội dung của Nghị định 26/2007/NĐ-CP còn phù hợp với thực tiễn. Cụ thể là, các khái niệm liên quan đến CKS, chứng thư số, dịch vụ chứng thực CKS, cách phân loại các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS và các điều kiện, thủ tục cấp phép cơ bản giữ nguyên như trong Nghị định 26/2007/NĐ-CP.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TTTT, Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP đã cho biết, từ việc đánh giá, phân tích các điểm hạn chế của Nghị định 26/2007/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đã bổ sung các nội dung để đáp ứng thực tiễn quản lý, phát triển và sử dụng CKS.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS bao gồm 09 Chương với 83 Điều.

Cụ thể, ông Trung cho biết một số điểm mới của Dự thảo Nghị định:

(1) Bổ sung quy định về phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số, theo đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS sử dụng chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS quốc gia cấp có trách nhiệm nộp phí này theo quy định tại Luật phí và lệ phí.

(2) Bổ sung quy định về điều kiện, quyền và trách nhiệm của đại lý dịch vụ chứng thực CKS công cộng.

(3) Bổ sung, làm rõ nội dung hoạt động cung cấp dịch vụ và quyền, nghĩa vụ của các DN cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng, đặc biệt là trong trường hợp bị tạm đình chỉ giấy phép, tạm dừng chứng thư số.

(4) Bổ sung quy định về quy trình xử lý trong trường hợp DN gặp sự cố, không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ.

(5) Bổ sung quy định chi tiết về quy trình, thủ tục cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ thực hiện.

(6) Bổ sung quy định về trách nhiệm của các bên tham gia sử dụng CKS bao gồm: người ký, người nhận, các tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng sử dụng CKS để đảm bảo việc ứng dụng CKS thông suốt và an toàn.

Từ thực tiễn triển khai các quy định tại Nghị định 26/2007/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đã điều chỉnh các nội dung liên quan đến cấp phép, quản lý dịch vụ chứng thực CKS để công tác quản lý dịch vụ chứng thực CKS chặt chẽ và hiệu quả hơn, cụ thể như sau:

(7) Điều chỉnh quy định về về giá trị pháp lý của CKS trong Nghị định 26/2007/NĐ-CP để tuân thủ quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử tại Luật Giao dịch điện tử, đồng thời phù hợp với việc sử dụng CKS cho văn bản điện tử trong CQNN và hiện trạng sử dụng CKS trong DN.

(8) Điều chỉnh quy định về điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng theo hướng nâng cao điều kiện cấp phép so với giai đoạn trước.

Ông Trung cũng cho biết thêm cùng với các nội dung bổ sung, điều chỉnh trong dự thảo Nghị định, tư tưởng xuyên suốt dự thảo Nghị định là đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp phép, cấp giấy công nhận, giấy chứng nhận đối với dịch vụ chứng thực CKS để tạo thuận lợi tối đa cho DN.

Dự thảo Nghị định đã đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính, gộp nhiều điều, khoản liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ, quyền và nghĩa vụ của các DN cung cấp dịch vụ; bỏ yêu cầu một số giấy tờ trong hồ sơ xin cấp phép, cấp giấy chứng nhận hoạt động, giấy phép sử dụng.

Như vậy, có thể khẳng định, với những điều chỉnh, bổ sung chủ yếu như trên, dự thảo Nghị định đã tuân thủ chặt chẽ các quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định, đồng thời, cơ bản khắc phục được các hạn chế của Nghị định 26/2007/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 26/2007/NĐ-CP.

Được biết Dự thảo sẽ được lấy ý kiến hết ngày 06/10/2017.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp phép, chứng nhận dịch vụ chứng thực Chữ ký số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO