Du lịch Việt Nam liệu đã sẵn sàng nhập làn "cao tốc" kinh tế số?

30/11/2021 10:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Áp dụng chiến lược phát triển “kinh tế số” đang bao phủ toàn bộ mục tiêu của các ngành kinh tế tại Việt Nam và tất nhiên du lịch cũng sẽ là một trong những ngành đi đầu trong trào lưu mang tính sống còn này. Đây được xem là một xu hướng tất yếu để ngành có thể bứt phá, đuổi kịp và vượt xa các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, lộ trình để có thể nhập được vào làn “cao tốc” kinh tế số vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều “rào cản” đòi hỏi tất cả người tham gia phải có góc nhìn toàn diện để có thể điều chỉnh “động cơ” và “tốc độ” sao cho thật an toàn. 

Nền kinh tế số là gì và đâu là sự khác biệt với nền kinh tế truyền thống? 

Trên thực tế đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính thống về “kinh tế số” bởi nó là một khái niệm khó đo lường cụ thể. Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia thì xét theo nghĩa rộng của OECD (2019) và UNDP (2018), “kinh tế số bao gồm toàn bộ các lĩnh vực hoạt động sử dụng nền tảng công nghệ thông tin - truyền thông như Internet, mạng di động và mạng cảm biến”. Theo đó, “kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động của các chủ thể kinh tế như Chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng… và nó liên quan đến việc sử dụng các đầu vào số như công nghệ số, cơ sở hạ tầng số, dịch vụ số và dữ liệu số”. Tiến sỹ Lực khẳng định sự phát triển kinh tế số phải gắn liền với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin - truyền thông và các mô hình kinh tế mới như kinh doanh nền tảng, kinh tế chia sẻ, kinh tế gắn kết linh hoạt hay kinh tế việc làm tự do, kinh tế thuật toán…

Còn theo định nghĩa được trích dẫn từ báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO) năm 2019 về Tương lai nền Kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 - 2045 thì “Nền kinh tế số bao gồm tất cả các doanh nghiệp, dịch vụ có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên việc mua bán hoặc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số hoặc các thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ".

Báo cáo này cũng chỉ ra rằng so với nền kinh tế truyền thống, nền kinh tế số có những đặc điểm khác biệt rõ rệt. Thứ nhất, dữ liệu chính là nguồn tài nguyên giá trị trong nền kinh tế số, bởi sự phát triển của các công nghệ số cho phép việc thu thập dữ liệu từ rất nhiều nguồn khác nhau, từ điện thoại thông minh cho đến hàng triệu thiết bị cảm biến trong các nhà máy, phương tiện giao thông và ngay trong mỗi cá nhân. Những luồng dữ liệu lớn này, cùng với khả năng phân tích dữ liệu lớn, có thể tạo ra giá trị trong tất cả các hoạt động của cá nhân và cộng đồng. Thứ hai, nền kinh tế số là kết quả của sự phát triển vượt bậc các công nghệ số mới có tác động chuyển đổi vượt ra ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và tác động tới tất cả các lĩnh vực khác.

Thứ ba, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số cho phép nhiều nhóm người tương tác với nhau, qua đó tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho cả mạng lưới và nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ giảm chi phí giao dịch. Cuối cùng đó là sự khác biệt trong vai trò của người tiêu dùng, họ được đặt vào vị trí trung tâm. Khả năng truyền thông và chia sẻ ý kiến, đánh giá với những người khác không chỉ làm thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng mà đồng thời cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới uy tín doanh nghiệp. Internet khiến người tiêu dùng trở nên quyền năng hơn bởi họ có thể tự do đưa ra ý kiến và chia sẻ những ý kiến này cho nhiều người khác.

Du lịch Việt Nam liệu đã sẵn sàng nhập làn

(Hình minh họa)

Ngành du lịch liệu đã tạo dựng được một môi trường tương thích để phát triển “kinh tế số”? 

Hàng ngày chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp các ứng dụng công nghệ số trong ngành du lịch như các app đặt phòng khách sạn, đặt xe, đặt ăn, đặt tour trọn gói, hay các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội, các hình thức quảng cáo trực tuyến bán các sản phẩm dịch vụ du lịch... Liệu như vậy phải chăng ngành du lịch đã thực sự xây dựng được một nền tảng vững vàng để phát triển kinh tế số?

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, thì để phát triển được nền kinh tế số, cần tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực du dịch. Hoạt động này đòi hỏi ngành du lịch phải xây dựng được một hệ sinh thái số, nơi mà những người tham gia gồm: các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư công nghệ số, các doanh nghiệp du lịch, nhân sự làm việc trong ngành, lực lượng lao động trong lĩnh vực này và đặc biệt là các du khách đều đồng loạt nhận thức được vai trò và tầm quan trọng và xu hướng tất yếu của phát triển kinh tế số trong lĩnh vực du lịch. 

Bà Huyền khẳng định: “Chuyển đổi số là điều kiện cần để có thể chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, bước tiếp theo điều kiện đủ đó chính là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Chỉ khi chúng ta có được một môi trường số, bao gồm chiến lược số, nhận thức của con người và sự sẵn sàng ứng dụng công nghệ số, và hành vi tiêu dùng số thì khi đó chúng ta mới thực sự hòa nhịp vào dòng chảy kinh tế số”.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Đức Tài, Trưởng khoa Thương mại Điện tử và Kinh tế số thuộc Trường Đại học Đại Nam cũng có cùng quan điểm. Ông khẳng định: “Trong chuyển đổi số, số hóa chỉ là một phần và hiện phần đó đối với ngành du lịch cũng mới đang chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin là chính”. Theo ông Tài, để có được một nền “kinh tế số” đúng nghĩa thì ngay từ điểm xuất phát vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng và tất cả các đối tượng tham gia vào nền kinh tế “phải có tiếng nói chung và mọi hoạt động phải được tiến hành đồng bộ từ Chính phủ tới địa phương, từ cộng đồng doanh nghiệp tới khách hàng”.

Du lịch Việt Nam liệu đã sẵn sàng nhập làn

Ứng dụng “Du Lịch Việt Nam” kết hợp thanh toán điện tử và theo dõi sức khỏe y tế chỉ bằng một thẻ, một ứng dụng.

Rào cản nào tác động đến lộ trình "Kinh tế số" của ngành du lịch? 

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho hay hiện có 5 “rào cản” ảnh hưởng trực tiếp tới lộ trình kinh tế số của ngành du lịch. Đầu tiên phải kể đến đó là khung pháp lý chưa theo kịp yêu cầu số hóa nhanh chóng của thị trường. Thứ hai, người đứng đầu của ngành, của địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm quyết liệt đến hoạt động chuyển đổi số. Thứ ba, nhân sự trong ngành du lịch chưa tạo dựng được văn hóa, thói quen và đặc biệt là kỹ năng số. Tiếp đến ông Lực khẳng định: “Hạ tầng số và cơ sở dữ liệu chưa được quan tâm đầu tư thích đáng và cuối cùng hiểu biết cũng như thói quen của người tiêu dùng (khách du lịch) chưa theo kịp với xu hướng này”. 

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thì thực tế ngành du lịch đang có “nhiều thuận lợi hơn là rào cản” bởi Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, trong đó khoảng 70% người dân đã tiếp cận Internet và hiện Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet cao trong khu vực. Tuy nhiên, bà Huyền cũng chỉ ra rào cản lớn nhất ở đây chính là “nhận thức đúng đắn của người tham gia”, đặc biệt là cần quyết tâm và chiến lược chuyển đổi số của các CEO. Hầu hết chủ các doanh nghiệp biết chuyển đổi số là quan trọng nhưng không phải ai cũng “định vị được sản phẩm” và tư duy chiến lược đường dài trong tiến trình chuyển đổi số và hội nhập vào nền kinh tế số. Du lịch là một ngành liên quan tới việc tạo cảm xúc cho con người, nó tác động trực tiếp đến các giác quan của du khách. “Nên nếu không hiểu ngành, không hiểu nghề, chạy theo xu hướng áp dụng công nghệ tràn lan và số hóa cả cảm xúc thì chắc chắn sẽ không mang lại thành công", bà Huyền chia sẻ thêm.

Khi lý giải về tiến độ bước vào nền kinh tế số của ngành du lịch còn “rất chậm và gần như chưa có gì đáng kể”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Tài, Trưởng khoa Thương mại Điện tử và Kinh tế số thuộc Trường Đại học Đại Nam khẳng định: “Người làm nghề thực sự chưa nhận thức hết về chuyển đổi số để có một quan niệm chung dễ hiểu nhất. Hơn nữa, sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng cũng là một rào cản quan trọng. Hiện ngành chưa có được một hệ sinh thái cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chưa có những chính sách cụ thể khuyến khích các bạn trẻ có tư duy khởi nghiệp”.

Bổ sung thêm ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Nghĩa Vượng - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Công nghệ 4.0 KTS Hà Nội (KTS) - một trong những công ty công nghệ đang đầu tư mạnh vào việc xây dựng một sàn giao dịch thương mại điện tử cho ngành du lịch - nhấn mạnh tới ba rào cản: “Thứ nhất đó là niềm tin cũ của đại đa số các doanh nghiệp lữ hành cho rằng sản phẩm du lịch khó bán trực tuyến, và họ luôn duy trì tâm lý “bầy đàn” khi chưa thấy doanh nghiệp khác thay đổi thì mình cũng sẽ không thay đổi. Thứ hai, đại dịch COVID đã đẩy nhiều doanh nghiệp đi đến chỗ phá sản, không lối thoát nên việc chuyển đổi số đối với họ đã khó nay lại còn khó hơn. Thứ ba, thiếu vốn, thiếu thông tin và thiếu cả năng lực cũng là một rào cản khiến nhiều doanh nghiệp lo sợ và vô cùng hoang mang. Họ có thể có tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của nền kinh tế số, song vẫn không dám hành động và đại đa số là vẫn chờ bởi các lợi ích kinh tế chưa rõ ràng và tác động không chắc chắn của việc áp dụng công nghệ cũng như lo lắng chi phí đầu tư quá cao là những thách thức lớn nhất đối với việc số hóa ở ngành du lịch, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ".

Trên đây là một số những “rào cản” mà ngành du lịch cần phải vượt qua để có thể xây dựng được nền kinh tế số một cách an toàn và hiệu quả. Phát triển kinh tế số là xu hướng chung của toàn nền kinh tế, do vậy những nhà hoạch định chính sách hay các tổ chức có tầm ảnh hưởng đến chính sách của ngành phải là những “người dẫn dắt” điều tiết quá trình chuyển đổi số đi đúng hướng, đúng mục tiêu và đúng với tiềm lực của toàn ngành. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch hay các nhà đầu tư cũng phải mạnh dạn thay đổi tư duy, áp dụng các mô hình kinh doanh mới có ứng dụng các sản phẩm và dịch vụ số. Đối với các trường đại học, các cơ sở đào tạo phải luôn chú trọng tới việc bồi dưỡng nhân tài, phát triển các kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện để các bạn trẻ được thỏa sức phát triển tư duy số và khởi nghiệp bằng việc triển khai áp dụng các nền tảng kỹ thuật số đổi mới. Ngoài ra, người tiêu dùng hay nhân sự trong ngành cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chủ động thay đổi hành vi tiêu dùng cũng như nâng cao trình độ về công nghệ thông tin để sớm nâng cao năng suất lao động./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11/tháng 11/2021)

Bài liên quan
  • Khát vọng về Đại học số 1 về công nghệ số
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo và định hướng quan trọng về hướng phát triển của Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) trong thời gian tới tại buổi thăm và làm việc với Học viện ngày 19/3.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Việt Nam liệu đã sẵn sàng nhập làn "cao tốc" kinh tế số?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO