Đưa hệ thống giao thông thông minh sớm đi vào ứng dụng

03/11/2015 21:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Bài toán về giao thông của các thành phố thường xuyên có sự tắc nghẽn, quá tải như Hà Nội sẽ có thể được giải quyết triệt để nếu toàn bộ hệ thống tham gia giao thông được quản lý bởi các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

GIỚI THIỆU

Giao thông quá tải, tắc nghẽn và thiếu hiệu quả là những vấn đề chung của mọi đô thị trên thế giới, kể cả với những thành phố được quy hoạch tốt và hạ tầng mạnh. Với các thành phố ở Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, những vấn đề này nhức nhối hơn nhiều lần do quy hoạch và hạ tầng không thể đáp ứng nhu cầu của người dân khi tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh và dòng người liên tục đổ vào các đô thị từ các vùng nông thôn.

Bên cạnh các giải pháp về quy hoạch và xây dựng hạ tầng, một hệ thống giao thông thông minh, với việc áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin nhằm tăng tối đa hiệu suất của hệ thống giao thông từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các thành phố lớn. Tại các quốc gia lớn trên thế giới, giao thông thông minh đã ra đời và đưa vào ứng dụng thực tế từ lâu, là một cấu phần xây dựng thành phố thông minh - nơi người dân luôn có cơ hội được đáp ứng nhu cầu của mình một cách dễ dàng nhất. Đối với Việt Nam, khái niệm này cũng đã dần trở nên quen thuộc không chỉ trong các hội thảo về công nghệ thông tin mà còn là mục tiêu trong kế hoạch phát triển chi tiết của nhiều địa phương. Hệ thống giao thông thông minh đã được triển khai tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh, tuy nhiên, chủ yếu áp dụng cho các tuyến đường cao tốc còn việc vận hành trong nội đô hay các tuyến đường đông đúc vẫn chưa phổ biến.

CÁC GIẢI PHÁP GIAO THÔNG THÔNG MINH ĐÃ SẴN SÀNG

Tập đoàn FPT đã đầu tư nghiên cứu các giải pháp ITS phù hợp, sẵn sàng đưa vào ứng dụng tại Việt Nam. Các giải pháp của các hãng công nghệ từ Nhật Bản là một trong những hướng tiếp cận đầu tiên của FPT. Theo ông Lê Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Ứng dụng công nghệ ITS thuộc FPT: "Nhật Bản là một trong những nước đi đầu về ITS trên thế giới. ITS đã giúp Nhật Bản giảm thiểu tai nạn, ách tắc và ô nhiễm giao thông, nâng cao an toàn và tính tiện nghi của hệ thống giao thông vận tải. Các giải pháp ITS của các hãng công nghệ Nhật Bản hoàn toàn có thể ứng dụng tại Việt Nam“.

Đơn vị hiện đang có sự hợp tác chặt chẽ với FPT trong lĩnh vực này là Hitachi -tập đoàn này hiện đang chiếm giữ thị phần đáng kể trên thị trường giải pháp bảo đảm an toàn giao thông và các dịch vụ liên quan tại Nhật Bản.

Từ năm 2011, FPT và Tập đoàn Hitachi đã thiết lập các nhóm làm việc để cùng nhau nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp tính toán hiện trạng giao thông cho thành phố Hà Nội. Năm 2012, FPT và Hitachi đã tiến hành đợt thử nghiệm đầu tiên với số lượng 500 xe ô tô lắp thiết bị hộp đen. Kết quả thu được là độ bao phủ khoảng 25% trên tổng số đường tại Hà Nội. Đối chiếu giữa dữ liệu tính toán với hình ảnh tại 6 điểm mốc giao thông Hà Nội cho thấy độ chính xác của tính toán lên đến 80%.

Giải pháp được sử dụng trong quá trình thử nghiệm này là giải pháp hiện trạng giao thông, Probe Car. Đây là giải pháp tích hợp bản đồ số và dữ liệu định vị từ các hộp đen lắp trên xe ô tô, để hiển thị trạng thái lưu thông cho từng con đường tại Hà Nội, qua đó có thể biết đoạn đường nào đang lưu thông bình thường, lưu thông chậm hay tắc. Hệ thống cũng đồng thời cho biết mức độ lan rộng của điểm tắc đường với độ chính xác tính theo đơn vị mét.

Probe Car giúp cho chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được tình trạng giao thông thực tế của thành phố bất cứ lúc nào (chỉ rõ các điểm nút giao thông tắc đường, tại bất cứ thời điểm nào và thực hiện giải quyết ngay); Điều phối và quản lý giao thông tập trung và thống nhất nhờ thu thập thông tin giao thông thực tế qua quy trình giám sát và điều phối từ xa, thực hiện lưu trữ thông tin sau đó phân phối thông tin giao thông đến người tham gia giao thông; Nâng cao tính chính xác của công tác thống kê lưu lượng, phục vụ việc tính toán, quy hoạch, thiết kế và tổ chức giao thông chính xác hơn. Ví dụ, thu thập chính xác lưu lượng giao thông tại các nút ùn tắc để tính toán lưu lượng luồng giao thông, đề xuất và quyết định phương án thay đổi thời gian tín hiệu đèn giao thông, quyết định xây cầu vượt, cầu đi bộ chính xác và hiệu quả hơn.

Đối với người tham gia giao thông, thông qua hệ thống, sẽ nắm được tình hình giao thông thực tế từ xa, chủ động lựa chọn hình thức tham gia giao thông (chọn tuyến đường vắng hơn, chọn phương tiện đi lại công cộng hay phương tiện cá nhân,...); tiết kiệm thời gian đi lại, chủ động trong bố trí công việc, nâng cao năng suất lao động; phòng tránh được các dị ứng, biến chứng không tốt cho sức khỏe do ô nhiễm khí thải, khói bụi...

Bên cạnh Probe Car, nhóm chuyên gia công nghệ của FPT đã tiếp cận một số giải pháp như Giải pháp điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Giải pháp Camera đếm lưu lượng giao thông và phát hiện bất thường trên đường, Hệ thống mô phỏng luồng giao thông. Các giải pháp này đều có tính ứng dụng cao trên nhiều đặc tính giao thông khác nhau như đường cao tốc hay các tuyến đường nội đô.

Ngoài ra, FPT cũng phát triển 02 giải pháp Việt dựa trên việc nghiên cứu và tìm hiểu các nhu cầu cấp thiết nhằm quản lý vấn đề giao thông tại Việt Nam: Hệ thống Thông tin Giao thông Thông minh và Giải pháp nhận diện biển số xe thông minh.

Hệ thống Thông tin Giao thông Thông minh hỗ trợ tích hợp đa dạng các nguồn thông tin khác nhau từ Thông tin giao thông trực tuyến trên kênh radio VOV, Thông tin các chỉ số giao thông từ hệ thống phân tích lưu lượng và vận tốc trung bình bằng camera, Thông tin vận tốc trung bình và hành trình của xe bus. Hệ thống phân tích tự động và dự báo nguy cơ ùn tắc tại các nút giao thông và được hiển thị linh hoạt trên hệ thống bảng điện tử để thông tin tới người đi đường, đã được thử nghiệm tại Tp. Hồ Chí Minh.

Giải pháp nhận diện biển số xe thông minh được tích hợp công cụ định vị toàn cầu GPS cho phép giám sát, phát hiện biển số xe quan tâm, đồng thời cũng hỗ trợ quản lý giao thông tại các đô thị lớn. Hệ thống được thiết kế để tạo ra các thông tin theo dõi chính xác, ánh xạ với GIS và tạo ra liên kết với các cơ quan thi hành luật pháp khác. Mục đích làm việc chung của hệ thống là bảo đảm việc thực thi luật pháp một cách hiệu quả. Hệ thống nhận dạng biển số xe thông minh chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho nghiệp vụ quản lý danh sách biển số xe quan tâm và cảnh báo khi phát hiện có sự trùng khớp giữa dữ liệu biển số thu thập với dữ liệu danh sách quan tâm.

KẾT LUẬN

Các giải pháp mà FPT nghiên cứu đều có thể ứng dụng riêng biệt theo yêu cầu và điều kiện của từng địa phương hoặc được kết hợp thành giải pháp tổng thể có thể hỗ trợ và liên kết với nhau. FPT cũng rất coi trọng vấn đề thử nghiệm trên thực tế, qua đó có sự hiệu chỉnh phù hợp với đặc thù giao thông trong nước. Công nghệ đã sẵn sàng, tuy nhiên việc quyết định đầu tư cho các giải pháp này vẫn gặp nhiều trở ngại do các điều kiện về ngân sách và kỹ thuật.

Có thể nói, cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam đã có sự đầu tư và đem lại hiệu quả rõ rệt trong một vài năm trở lại đây. Sự quyết liệt trong các phương án hành động đã góp phần tháo gỡ nhiều nút thắt cho vấn đề giao thông. Tuy nhiên, để giải bài toán giao thông Việt Nam còn là câu chuyện dài và việc ứng dụng giao thông thông minh cũng cần được triển khai theo hướng từng bước đi nhỏ rồi mới ứng dụng giải pháp tổng thể. Dù còn nhiều trở ngại nhưng ứng dụng giao thông thông minh là xu hướng tất yếu trong phát triển hệ thống giao thông vận tải của một quốc gia. Một khi hệ thống giao thông đem lại sự thuận lợi cho người sử dụng và được quản lý theo phương thức tiên tiến, đó sẽ là nền tảng vững chãi để tăng tốc cho quá trình xây dựng xã hội Việt Nam văn minh - hiện đại.

Nhóm chuyên gia ITS - Tập đoàn FPT


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đưa hệ thống giao thông thông minh sớm đi vào ứng dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO