Duma Quốc gia Nga mở đường cho việc cấm YouTube, Facebook

T.H| 23/12/2020 20:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nền tảng mạng xã hội có thể bị hạn chế một phần hoặc cấm hoàn toàn nếu giới chức Moscow phát hiện trang web đó hạn chế các quyền cơ bản của người dân Nga.

Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) thông qua một loạt dự luật siết chặt quy định về các hoạt động chống lại nhà nước và các quan chức chính quyền trên không gian mạng, báo The Moscow Times đưa tin.

Trong hai phiên họp diễn ra trong ngày 23-12, Duma Quốc gia Nga đã thông qua các quy định về bảo vệ thông tin của các quan chức an ninh, phạt tù người phỉ báng người khác trên mạng hay mở đường cho việc cấm các nền tảng mạng xã hội nước ngoài.

Các quy định này còn cần có sự thông qua của Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện Nga) và chữ ký của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi chính thức trở thành luật.

Mở đường cho việc cấm Youtube, Facebook, Twitter ở Nga

Duma Quốc gia Nga cũng thống nhất cho phép chính quyền cấm các trang web, bao gồm các nền tảng mạng xã hội, nếu phát hiện các trang web này "hạn chế thông tin quan trọng trên lãnh thổ Nga".

Duma Quốc gia Nga mở đường cho việc cấm YouTube, Facebook - Ảnh 1.

Phiên họp Duma Quốc gia Nga ngày 23-12. Ảnh: AFP

Các nền tảng bị kết tội sẽ bị liệt vào danh sách đen gồm các trang web "liên quan tới việc vi phạm quyền con người và sự tự do cơ bản của công dân Nga". Ngoài ra, nền tảng này có thể bị phạt 3 triệu ruble (khoảng 39.000 USD).

Bên có quyền ban hành lệnh cấm toàn bộ hoặc lệnh hạn chế một phần đối với các nền tảng trên là Cơ quan liên bang về Giám sát Truyền thông, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng (Roskomnadzor) thuộc Bộ Phát triển kỹ thuật số, truyền thông và truyền thông đại chúng Nga.

Theo một ghi chú đính kèm dự luật, trong năm nay, các cơ quan truyền thông Nga đã nhiều lần khiếu nại các nền tảng Facebook, Youtube và Twitter kiểm duyệt thông tin.

Phạt tù người mắc tội phỉ báng người khác trên mạng

Một dự luật khác đã bổ sung thêm hình phạt tù cho tội danh phí báng người khác trên mạng. Theo luật hiện hành, người mắc tội danh này chỉ bị phạt tiền hoặc lao động công ích bắt buộc.

Theo hãng tin Reuters, mức hình phạt cho tội phỉ báng người khác trên mạng là hai năm tù và/hoặc mức phạt lên tới 1 triệu ruble (khoảng 13.300 USD). Nếu bình luận hay lời vu khống liên quan tới tội hiếp dâm hay các tội nghiêm trọng khác thì mức phạt có thể lên tới năm năm tù.

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia, ông Dmitry Vyatkin cho biết quy định mới nhắm vào những người phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội như các blog, Youtube, Telegram...

Ông Vyatkin lưu ý rằng các nền tảng mạng xã hội là không gian chia sẻ thông tin công khai và có số lượng người theo dõi đông hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống.

Ông Vyatkin tin rằng việc đưa ra lựa chọn phạt tù có thể gia tăng tính răn đe, khiến người dân "có trách nhiệm về tội phỉ báng trên các phương tiên truyền thông". Mục tiêu cuối cùng mà ông Vyatkin hướng tới là "không còn sự phỉ bán trên không gian trực tuyến".

Hình sự hóa tội tiết lộ thông tin cá nhân của các quan chức an ninh

Duma Quốc gia Nga đã thống nhất cấm chia sẻ thông tin cá nhân và dữ liệu về công tác của các nhân viên tình báo, cũng như các quan chức trong lực lượng thực thi pháp luật, quân đội và tòa án.

Theo đó, việc chia sẻ thông tin của các cảnh sát, điều tra viên, các đặc vụ thuộc Cơ quan Tình báo nước ngoài (SVR) và Cơ quan An ninh liên bang (FSB) sẽ trở thành tội hình sự, bất kể việc này có gây ra "mối đe dọa trực tiếp" đến người bị lộ thông tin hay không.

Theo quy định hiện hành, việc chia sẻ thông tin của những đối tượng trên chỉ là bị kết tội nếu hành động này gây ra mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bị lộ thông tin.

The Moscow Times lưu ý rằng dự luật này được thông qua sau khi có báo cáo của đài CNN (Mỹ) và trang điều tra Bellingcat (Anh) nêu tên một số chuyên gia thuộc FSB bị cáo buộc tấn công nhân vật đối lập Alexei Navalny bằng vũ khí hóa học.

Sau vụ việc này, giới truyền thông Nga mô tả việc các cơ quan nước ngoài tiếp cận được thông tin của nhân viên FSB là một "vấn đề nghiêm trọng" và kêu gọi chính quyền điều tra và phạt tù những người đứng đằn sau vụ rò rỉ thông tin này.

Ngoài ra, trong cùng ngày 23-12, Duma Quốc gia Nga cũng thông qua nhiều dự luật siết chặt quản lý đối với các tổ chức nước ngoài và việc huy động tài trợ từ nước ngoài để tổ chức các cuộc biểu tình trên lãnh thổ Nga.

Năm 2014, Tổng thống Putin từng thông qua một luật buộc các công ty Internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng Nga trên các máy chỉ đặt ở Nga. Quy định này từng làm dấy lên những lo ngại về việc chính phủ sẽ kiểm duyệt mọi thông tin và việc truy cập mạng của người dùng Nga.

Năm 2017, Tổng thống Putin đã ký một đạo luật cấm sử dụng công nghệ cung cấp phương pháp truy cập vào các trang web bị cấm trong nước. Đạo luật này quy định cấm sử dụng mạng riêng ảo và các công nghệ khác cho phép mọi người lướt web ẩn danh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Duma Quốc gia Nga mở đường cho việc cấm YouTube, Facebook
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO