Ericsson chú trọng yêu cầu bảo mật cho 5G

Lan Phương| 09/07/2018 09:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Đó là khẳng định của Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào đồng thời là đồng Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam Denis Brunetti tại buổi trao đổi về chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: thiết lập nền tảng mạng cho các ngành nghề” mới đây.

Ông Denis Brunetti chia sẻ về an toàn, bảo mật cho các mạng di động

Ông Denis Brunetti chia sẻ vấn đề an toàn, bảo mật đã được Ericsson quan tâm khi xây dựng các mạng 2G và ngày càng được coi trọng, nhất là đối với mạng 5G khi mạng 5G sẽ thúc đẩy số hóa của các ngành nghề, mang lại những tác động lan tỏa cho mọi khía cạnh của cuộc sống.

“Chúng ta bây giờ truy cập Internet đâu có phải chỉ đề lướt web, trao đổi trên mạng xã hội, mà còn sử dụng Internet để kiểm soát ngôi nhà của chúng ta đóng, mở như thế nào cho an toàn hay đảm bảo cho giao thông thông minh, dùng robot trong sản xuất”.

Khi Ericsson tiến hành thiết kế mạng lưới, giải pháp, Ericsson luôn coi an toàn, bảo mật là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ericsson xây dựng 5G với những yếu tố, yêu cầu về bảo mật chặt chẽ bao hàm cả trong các hoạt động thiết kế, viết phần mềm. Chúng tôi sử dụng những thuật toán, mã hóa phù hợp nhất, tốt nhất đảm bảo tính bảo mật nghiêm ngặt cho thiết bị, mạng lưới, giải pháp mạng thông qua các bước xác minh, kiểm chuẩn, chứng thực. “Chúng tôi lấy an toàn - bảo mật mạng lưới làm lợi thế cạnh tranh”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.

Theo Báo cáo di động mới nhất của Ericsson (Ericsson Mobility Report) tháng 6/2018, công cuộc giới thiệu 5G ra thị trường cùng những triển khai mạnh mẽ của IoT di động chính là những tiêu điểm đáng chú ý. Dự báo cho kết nối IoT đã tăng gần gấp đôi kể từ tháng 11/2017. Con số này dự kiến sẽ đạt 3,5 tỷ vào năm 2023 nhờ các triển khai quy mô lớn đang diễn ra tại Trung Quốc. Các công nghệ di động IoT như NB-IoT và Cat-M1 đang thúc đẩy sự tăng trưởng này, tạo cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ nâng cao hiệu quả và tăng giá trị cho khách hàng.

Dự báo kết nối IoT theo khu vực

Các nhà khai thác di động đã tung ra hơn 60 mạng IoT di động trên toàn thế giới. Những mạng này sử dụng các công nghệ di động IoT trên cùng một nền tảng mạng LTE cơ bản nhằm hỗ trợ các nhu cầu sử dụng khác nhau. Tại Bắc Mỹ, những nhu cầu tập trung vào vận hành và quản lý vận tải, trong khi ở Trung Quốc là thành phố và nông nghiệp thông minh.

Phần lớn các triển khai 5G trên toàn cầu dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2020. Ericsson dự báo sẽ có hơn 1 tỷ đăng ký 5G cho băng thông rộng di động tiên tiến vào cuối năm 2023, chiếm khoảng 12% tổng số thuê bao di động.

Dự báo thuê bao di động theo công nghệ

Dữ liệu di động được ước tính sẽ tăng gấp 8 lần trong giai đoạn dự báo, đạt gần 107 exabytes (EB) mỗi tháng. Con số này tương đương với dữ liệu của mỗi thuê bao trên toàn thế giới khi phát trực tuyến video HD trong 10 tiếng. 20% của lưu lượng dữ liệu toàn cầu được dự báo sẽ đến từ mạng 5G vào năm 2023. Con số này được ước tính gấp 1.5 lần tổng lưu lượng dữ liệu của 4G/3G/2G hiện nay.

Trao đổi về số hóa ngành Công nghiệp và vai trò của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, ông Denis Brunetti cho hay: “Khái niệm về ‘Cách mạng Công nghiệp 4.0’ sẽ thay đổi cách Việt Nam sản xuất và thiết kế sản phẩm. Dựa vào sức mạnh của dữ liệu lớn (big data), công suất tính toán cao, trí tuệ nhân tạo và phân tích, cách mạng công nghiệp 4.0 mang sứ mệnh số hóa hoàn toàn ngành sản xuất.” Ông bày tỏ rằng Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa trong công cuộc áp dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sự bảo mật cho các mạng IoT, 4G và 5G trên toàn quốc là cột mốc và nền tảng quan trọng cho sự phát triển của thành phố thông minh vì chính mạng viễn thông - CNTT tiên tiến này là động cơ thúc đẩy hành trình chuyển đổi kỹ thuật số. Chúng tôi tin chắc rằng các quốc gia tiên phong trên con đường 5G sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu do quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đa ngành của họ được đẩy mạnh hơn. Các ngành công nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ 5G chính là những ngành có thể tận dụng tốc độ cao, độ trễ thấp, độ tin cậy cực cao của 5G nhằm tăng hiệu quả, cải thiện về chất lượng và sự an toàn, hay tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo”.

Năm 2018 cũng là năm 5G sẽ ra mắt thị trường và triển khai IoT di động trên quy mô lớn được giới thiệu. Những công nghệ này hứa hẹn những khả năng mới có tác động lớn  đến cuộc sống con người, đồng thời biến đổi các ngành công nghiệp. “Sự thay đổi này sẽ chỉ diễn ra khi những nhà chức trách  và đầu ngành nỗ lực đi đến thống nhất về băng tần, tiêu chuẩn  và công nghệ phù hợp”, ông Denis chia sẻ thêm.

Báo cáo của Ericsson ước tính các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam sẽ có cơ hội đạt thêm 3,17 tỉ USD doanh thu khi sử dụng công nghệ 5G để giải quyết vấn đề số hóa ngành công nghiệp. Cơ hội lớn nhất về doanh thu cho các nhà khai thác viễn thông trên công nghệ 5G nằm trong các lĩnh vực sản xuất và năng lượng tiện ích. “4G là nền tảng cho 5G, và các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam cần đảm bảo mạng 4G của họ đang ở trong trạng  thái tốt và sẵn sàng cho 5G. Sự kết hợp giữa sản phẩm radio mở rộng  và các hỗ trợ lên 5G cho radio đã được triển khai của chúng tôi sẽ giúp cuộc chuyển đổi từ 4G lên 5G thuận lợi hơn cho các nhà khai thác.”, ông Denis nhấn mạnh.

Công nghệ đầu tiên được nhắm đến để ứng dụng 5G  là băng thông rộng di động tiên tiến. Tại Đông Nam Á, dung lượng dữ liệu hàng tháng ước tính tăng gấp 9 lần, từ 1,3 EB vào năm 2017 lên đến 12 EB vào năm 2023. Tỉ lệ thuê bao hòa mạng LTE sẽ tăng từ 17% trong năm 2017 lên 52% vào năm 2023.

Khi Việt Nam đang xây dựng các thành phố thông minh, ông Denis cho biết thêm: “Sự hợp tác, Đơn giản, cùng Đổi mới, Giáo dục và An ninh là những thành phần quan trọng thúc đẩy thành phố thông minh bền vững trên khắp Việt Nam”.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ericsson chú trọng yêu cầu bảo mật cho 5G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO