Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số

ThS. Phạm Minh Hiền, Đại học Ngoại thương| 03/11/2021 16:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Thị trường tín dụng trên thế giới đang có bước chuyển đổi sâu rộng. Trong thập kỷ vừa qua, có hai loại trung gian tín dụng mới nổi và tăng trưởng rất nhanh. Các công ty công nghệ tài chính (fintech) và công ty công nghệ siêu lớn (Big Tech) đang cung cấp ngày càng nhiều các khoản vay cho hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Các nghiên cứu cho thấy tín dụng của fintech đạt 223 tỷ USD năm 2019 trong khi đó của Big Tech là 572 tỷ USD. Lý giải như thế nào cho thành công này? Tín dụng của cả fintech và BigTech đều lớn hơn của lĩnh vực ngân hàng và chịu sự kiểm duyệt ít nghiêm ngặt hơn. Đại dịch COVID-19 đã đưa ra một phép thử quan trọng cho hình thái tín dụng mới này.

Theo định nghĩa của OECD, nền kinh tế số tích hợp mọi hoạt động kinh tế dựa trên, hoặc được tăng cường đáng kể bởi sử dụng công nghệ số, hạ tầng số, dịch vụ số và dữ liệu [1]. Nền kinh tế số đặc biệt phát huy được hiệu quả khi có độ mở ngày càng lớn của sự kết nối toàn cầu với các nền kinh tế số khác. Hình 1 cho thấy mức độ tương tác lẫn nhau giữa các nền kinh tế số, thể hiện thông qua tăng trưởng băng thông Internet, trong đó Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) có mức độ lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới lớn nhất, Việt Nam đóng góp khoảng 17% lưu lượng của các nước ASEAN. 

Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số - Ảnh 1.

Hình 1 - Tăng trưởng của băng thông quốc tế giữa các khu vực trên thế giới

Sự phát triển của công nghệ tài chính trong nền kinh tế số

Mặc dù khái niệm về ngân hàng số đã trở nên quen thuộc trên thế giới, người dùng cũng dần thích nghi và điều chỉnh với các dịch vụ mới mà ngân hàng số mang lại. Đặc biệt, trong bối cảnh của dịch bệnh COVID-19 toàn cầu, nhu cầu về thanh toán, giao dịch không tiếp xúc tăng mạnh.

Theo kết quả nghiên cứu của Foresight Research [2] liên quan tới gần 11.000 ngân hàng và các tổ chức tín dụng ở 44 thị trường cho thấy tỷ lệ khách hàng chuyển tổ chức tài chính là khoảng 12%, nhưng đối với các ngân hàng lớn là 27%, trong khoảng 2020 - 2022. Nền tài chính, ngân hàng truyền thống được xây dựng dựa trên mối quan hệ con người ở các chi nhánh, ngân hàng, liên minh tín dụng đang phải đối mặt với thách thức giữ được mức độ tương tác cao và liên tục với khách hàng ở kỷ nguyên ngân hàng số và dãn cách xã hội. Các ngân hàng còn phải chuyển mình mạnh mẽ để tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh với các đối thủ mới fintech và Big Tech.

Fintech đã có bước phát triển lớn trong vài năm gần đây do đưa ra cách tiếp cận mới dựa trên sức mạnh về công nghệ ứng dụng vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tuy vậy dường như động lực tăng trưởng của fintech giảm tốc trong 2020 và đang có dấu hiệu phục hồi ở năm 2021 [3], với tổng đầu tư nửa đầu năm 2021 là 98 tỷ USD, tăng so với 87 tỷ USD ở nửa cuối năm 2020. Mỹ chiếm gần một nửa tổng đầu tư fintech toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tổng đầu tư vào fintech tăng trưởng nhiều trong khoảng Q2 2020-Q1 2021 - tăng từ 4,5 tỷ USD tới 7,5 tỷ USD.

Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số - Ảnh 2.

Hình 2 – Tổng đầu tư toàn cầu vào fintech

Sự phát triển của công nghệ số đã mang lại những thay đổi sâu sắc trên toàn cầu. Các công ty công nghệ trong quá trình phát triển dần không chỉ khu trú trong lĩnh vực ứng dụng ban đầu của mình, mà dần ứng dụng mô hình công nghệ cao thành công sang các lĩnh vực khác. Điển hình là sự lấn sân của các công ty công nghệ sang lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ví dụ Alibaba, Tencent, Baidu, GO-Jek, Grab,... Các dịch vụ tài chính chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ siêu lớn (big-tech). Nhưng với quy mô và độ phủ khách hàng, big-tech tham gia vào thị trường tài chính mang lại tiềm năng thay đổi nhanh chóng ở lĩnh vực rất lâu đời này. 

Cấu trúc của mô hình kinh doanh chi phí thấp của các big-tech có thể dễ dàng thích ứng để cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản, đặc biệt là ở các khu vực mà phần lớn dân cư chưa được cung cấp dịch vụ ngân hàng. Sử dụng dữ liệu lớn và mô hình phân tích cấu trúc mạng lưới ở nền tảng rộng lớn của công ty, big tech có thể đánh giá mức độ rủi ro của người vay, giảm phụ thuộc vào tài sản bảo đảm mà vẫn duy trì mức độ an toàn về trả nợ. Chỉ trong vòng 5 năm, quỹ thị trường tiền tệ Yu'e Bao cung cấp cho người dùng Alipay đã trở thành quỹ thị trường tiền lớn nhất trên thế giới.

Dữ liệu thống kê toàn cầu [4], Hình 3 cho thấy sự tham gia quyết liệt của các công ty công nghệ lớn vào thị trường cho vay đã tăng trưởng vượt bậc trong các năm gần đây. Quy mô cho vay Big tech trong năm 2019 đạt 572 tỷ USD, tăng trưởng 44% so với năm 2018. Trong khi đó quy mô cho vay của các công ty Fintech trong năm 2019 giảm 25% xuống còn 223 tỷ USD. 

Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số - Ảnh 3.

Hình 3 - Quy mô cho vay của các công ty công nghệ

Có sự khác biệt đáng kể về cho vay giữa Fintech và Big Tech, Hình 4. Chủ yếu là, hoạt động kinh doanh cốt lõi của nền tảng tín dụng Fintech là dịch vụ tài chính, trong khi đó Big Tech thường có một chuỗi các lĩnh vực kinh doanh (phi tài chính) cùng với hoạt động cho vay. Điều này cho phép Big Tech truy cập vào dữ liệu người dùng và mạng lưới phân phối cũng như các dịch vụ sinh lời cao. Điểm khác biệt chính yếu này tạo động lực để Big Tech tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở mảng tín dụng [11].

Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số - Ảnh 4.

Hình 4 – Mức độ sinh lời của Fintech và Big Tech

Sự vào cuộc của các công ty công nghệ, với vai trò vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, đã thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số của các ngân hàng truyền thống, Bảng 1. Trong khi các nền tảng thanh toán của các công ty Big Tech cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng, thì các công ty này lại phụ thuộc khá nhiều vào các ngân hàng. Người dùng được yêu cầu có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, tín dụng để chuyển tiền vào và ra khỏi hệ sinh thái phong phú và rộng lớn của các công ty công nghệ. Do vậy mối quan hệ của các công ty công nghệ với các ngân hàng là mối quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh để thúc đẩy chuyển đổi số thị trường tài chính - ngân hàng. 

Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số - Ảnh 5.

Bảng 1 - Hoạt động tài chính của một số Big Tech

Tuy vậy, như Hình 5 chỉ ra, dịch vụ tài chính mới đang chỉ chiếm một phần nhỏ trong mô hình kinh doanh của Big Tech. 

Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số - Ảnh 6.

Hình 5 - Trái: Doanh thu của Big Tech theo nhóm ngành; Phải: Phân bố Big Tech theo khu vực

Big Tech tham gia vào thị trường tài chính để hoàn thiện các hoạt động tài chính và phi tài chính của doanh nghiệp, khi và quy mô hoạt động của họ đủ lớn. Năng lực về phân tích dữ liệu, hiệu ứng mạng và các hoạt động kinh doanh phụ thuộc lẫn nhau đã hình thành nên các trụ cột trong mô hình kinh doanh của Big Tech.

Hiệu ứng mạng của nền tảng Big Tech liên quan tới thực tế là lợi ích của người dùng khi tham gia vào một phía của nền tảng (với tư cách là người bán trên nền tảng thương mại điện tử) làm tăng số lượng người dùng ở phía kia (người mua hàng). Hiệu ứng mạng làm sinh ra nhiều người dùng và tăng thêm giá trị cho người dùng. Điều này cho phép Big Tech có được nhiều dữ liệu hơn, là nhân tố thiết yếu cho phân tích dữ liệu. Việc phân tích kho dữ liệu khổng lồ thúc đẩy các hoạt động kinh doanh hiện hữu và dẫn tới hấp dẫn nhiều người dùng hơn nữa. Càng nhiều người dùng sẽ dẫn tới càng có nhiều dữ liệu.

Việc cung cấp dịch vụ tài chính mang lại lợi thế và cũng đồng thời được hưởng lợi rất lớn từ phân tích dữ liệu, hiệu ứng mạng và các hoạt động kinh doanh phụ thuộc lẫn nhau. Cung cấp dịch vụ tài chính làm tăng cường hoạt động thương mại của Big Tech. Ví dụ điển hình là dịch vụ thanh toán, cung cấp giao dịch an toàn trên nền tảng thương mại điện tử, hoặc cho gửi tiền tới người dùng khác trên mạng xã hội. Các giao dịch thanh toán sinh ra dữ liệu chi tiết về mạng lưới các mối liên kết giữa người gửi và người nhận. Dữ liệu này được dùng để tăng cường cách hoạt động có liên quan, như quảng cáo có chủ đích hay chấm điểm khách hàng. 

Nguồn và loại dữ liệu thu thập thay đổi theo từng nền tảng của Big Tech. Với các công ty hiện diện mạnh ở mảng thương mại điện tử thì sẽ thu thập dữ liệu về người bán, như doanh thu, lợi nhuận, kết hợp với các thông tin về thói quen và tình hình tài chính. Big Tech tập trung vào mạng xã hội đa phương tiện sẽ có nhiều dữ liệu về các cá nhân và khuynh hướng lựa chọn cũng như mạng lưới liên kết của họ. Big Tech về máy tìm kiếm sẽ không có thông tin trực tiếp về các mạng lưới liên hệ của từng cá nhân, nhưng lại có thông tin rất rộng, vĩ mô về người dùng và từ đó suy đoán ra được xu hướng lựa chọn của người dùng thông qua hành vi tìm kiếm trực tuyến.

Dữ liệu từ các nền tảng thương mại điện tử có thể là nguồn đầu vào rất giá trị cho các mô hình chấm điểm tín dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các khoản vay tiêu dùng cá nhân. Big Tech có dữ liệu lớn về người dùng trong mạng xã hội đa phương tiện hay tìm kiếm Internet có thể dùng được các thông tin về lựa chọn của người dùng cho thị trường, phân phối sản phẩm, định giá các dịch vụ tài chính của bên thứ 3.

Mặc dù các ngân hàng lớn có rất nhiều khách hàng và cung cấp nhiều loại dịch vụ (quản lý tài sản, sản phẩm bảo hiểm, vay mua bất động sản, ...) nhưng cho tới nay các ngân hàng chưa thể hoạt động hiệu quả được như Big Tech trong việc trích xuất thông tin hiệu quả thông qua dữ liệu người dùng. Ngoài dịch vụ về thanh toán, các ngân hàng chưa tận dụng được hiệu quả các hoạt động liên quan tới hiệu ứng mạng. Một trong những lý do là quy định phân tách hoạt động ngân hàng và thương mại ở nhiều thị trường. Kết quả là ngân hàng chỉ có được dữ liệu về tài khoản giao dịch. Hơn nữa, các hệ thống IT cũ không liên kết dễ dàng với các dịch vụ khác thông qua API được.

Kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với nguồn dữ liệu dồi dào và tập trung mạnh vào khách hàng, Big Tech đã trở thành chuyên nghiệp về marketing và phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới. 

Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số - Ảnh 7.

Hình 6. Sự phát triển của Ngân hàng và tín dụng Big Tech. Trục tung là Log (tỷ số tín dụng Big Tech)

Ngân hàng và Big Tech có mối quan hệ tương quan với nhau khá mạnh mẽ, như thể hiện tại Hình 6. Big Tech phát huy lợi thế cạnh tranh cao nhất so với ngân hàng khi các SME và vay tiêu dùng ít được ngân hàng phục vụ.

Nền kinh tế số Việt Nam

Nền kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 14 tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng 16%, cao hơn nhiều lần tốc độ tăng GDP. Quy mô dự kiến đạt 52 tỉ USD vào năm 2025, theo dự báo của Google, Temasek, Bain&Company tại báo cáo e-Conomy SEA 2020 [5]. Kết quả dự báo này đã được điều chỉnh tăng gần 21% so với dự báo tại báo cáo e-Conomy SEA 2019, Hình 7. Đây là tỷ lệ điều chỉnh tăng trưởng dương cao nhất trong khu vực. 

Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số - Ảnh 8.

Hình 7 - Dự báo về quy mô kinh tế số của các nước trong khuvực

 Tốc độ tăng trưởng ấn tượng này được đặt nền móng bởi “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” [6] của Chính phủ, với mục tiêu:

- Kinh tế số chiếm 20% GDP (2025), 30% GDP (2030);

- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% (2025), 20% (2030);

- Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7% (2025), 8% (2030).

Tài chính - ngân hàng là một trong số ít các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên chuyển đổi số của Chính phủ do đây là lĩnh vực thiết yếu, là xương sống của nền kinh tế và có tác động sâu rộng tới toàn nền kinh tế và xã hội. Vì vậy tài chính - ngân hàng được ưu tiên chuyển đổi số trước tiên, tập trung vào thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. 

Doanh nghiệp làm chủ công nghệ lõi của tài chính ngân hàng để phục vụ nền kinh tế số Việt Nam

Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực quan trọng nhất để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam đã được đặt nền móng từ sớm, như Luật Công nghệ cao năm 2019, năm 2010 ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, ...

EMV là chuẩn xác thực giao dịch toàn cầu cho thẻ có gắn chip. Ban đầu EMV là tên viết tắt của các thành viên sáng lập Europay, Mastercard và Visa. Về sau các thành viên được bổ sung để hình thành EMVCo. EMVCo bao gồm 6 thành viên là các tổ chức (Visa, MasterCard, Discover, American Express, JCB và UnionPay) định nghĩa ra tiêu chuẩn chung cho các mức chứng chỉ nêu trên và cấp chứng chỉ cho thiết bị ở Level 1 và 2. Để có chứng chỉ Level 3, thiết bị phải vượt qua các bài kiểm tra với từng loại thẻ.

Chứng chỉ EMV [10]:

Level 1 – Phần cứng: thiết bị đầu cuối vật lý, mạch logic và truyền dẫn các thanh toán được đo kiểm. Chứng chỉ này chủ yếu cho các nhà sản xuất thiết bị phần cứng.

Level 2 - Phần mềm nhân (kernal): phầnmềmđượcviếtđể thực thi truyền dẫn các thông tin về thanh toán được đo kiểm. Chứng chỉ này chủ yếu cho các nhà sản xuất phần mềm.

Level 3 - Ứng dụng: từng loại thẻ được đo kiểmcho toàn bộ quá trình (các bài đo kiểm thành phần Level 1 và 2, cùng với ứng dụng thanh toán).

Hiện nay Việt Nam hiện có 78 ngân hàng [7] với khoảng 19.000 máy ATM trên toàn quốc. Có khoảng 30,8% dân số được cung cấp dịch vụ ngân hàng [8], trong đó 26,7% dùng thẻ ghi nợ (debit) và 4,12% dùng thẻ tín dụng (credit). Chính vì vậy việc tăng độ phủ của các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt tăng tỷ lệ dùng thẻ sẽ là động lực để thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam, thúc đẩy các công ty công nghệ số Việt Nam sáng tạo. Một trong những nhân tố tiên quyết để sớm hiện thực các mục tiêu này là chúng ta làm chủ hoàn toàn các công nghệ lõi của ngân hàng, thanh toán thẻ. Tiến tới chúng ta làm chủ và sản xuất các thiết bị phần cứng và hạ tầng thanh toán di động.

Trên thị trường hiện nay, UniCat EMV Kernel là phần mềm điều khiển trên máy giao dịch tự động thế hệ mới (STM) do công ty Sunshine TECH nghiên cứu, thiết kế, xây dựng. Sunshine TECH đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ ở cấp độ lập trình điều khiển phần cứng; làm chủ giao thức NDC kết nối thẻ; làm chủ giao thức XFS để giao tiếp với các thiết bị ngoại vi; giao tiếp với thẻ là EMV kernel, ...

Sunshine TECH là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam làm chủ được hoàn toàn công nghệ phần mềm lõi này, vượt qua hơn 850 bài đo kiểm vô cùng tỉ mỉ và khắt khe và đã được cấp chứng nhận EMVCo Level 2 ngày 01/10/2021, Hình 8. Đạt được chứng nhận EMVCo mở ra cơ hội giao dịch toàn cầu cho các dịch vụ thẻ. 

Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số - Ảnh 10.

Hình 8 - Chứng chỉ EMVCo cấp cho Sunshine TECH (nguồn EMVCo)

Trong thực tiễn vận hành, nếu chỉ đơn thuần mua bán thiết bị thương mại thông qua các đối tác nước ngoài thì các Ngân hàng mới chỉ chủ động được việc tùy biến các ứng dụng ở mức hạn chế về giao diện, quy trình. Vì phải dựa vào đối tác nước ngoài trong việc điều chỉnh phần mềm, phần cứng nên thời gian thường là kéo dài, khó chủ động trong phát triển và tùy biến liên tục, theo nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm tài chính, ngân hàng. Đồng thời cách làm này bộc lộ yếu điểm là khó bảo mật được bí quyết kinh doanh, đặc biệt là khi nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, đột phá, đi đầu thị trường. Điều này phần nào làm hạn chế năng lực cạnh tranh của các ngân hàng.

Trên cơ sở làm chủ công nghệ nền tảng lõi về phần mềm, Sunshine TECH đã tùy biến phần mềm máy STM (Smart Teller Machine) cung cấp cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long trong tương tác với người dùng từ các tác vụ đơn giản đến các tính năng nâng cao như rút tiền bằng mã QR thông qua App di động trong thời gian rất ngắn.

Kết luận

Tài chính, ngân hàng là một lĩnh vực lâu đời. Nền kinh tế số với sự tham gia của các công ty nắm vững và làm chủ công nghệ cao đã đưa ra một hướng tiếp cận mới, hiệu quả và bước đầu mang lại thành công ấn tượng đối với lĩnh vực lâu đời này.

Một trong những yếu tố tiên quyết để các Fintech và Big Tech thành công được trong lĩnh vực cạnh tranh cao này là mô hình kinh doanh mới mẻ và sự tự chủ hoàn toàn ở hầu hết các cấp độ công nghệ. Đây là một gợi ý tốt để Việt Nam, có nguồn lực IT tốt, tham gia nhanh vào chuỗi giá trị toàn cầu về tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, làm chủ công nghệ là một con đường dài, nhiều thách thức. Thành công bước đầu của một số công ty công nghệ như Sunshine TECH đã mở ra triển vọng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực xương sống của nền kinh tế số.

Tài liệu tham khảo:

[1] OECD, Roadmap toward a common framework for measuring the Digital Economy, 2020
[2] Forbes, Digital Banking As The New Normal In 2021: What To Expect From Banks, 11/1/2021 [3] KPMG, Pulse of Fintech H1’ 21
[4] Cornelli, ..., Fintech and big tech credit: a new database, 2020
[5] Google, Temasek, Bain&Company, e-Conomy SEA 2020
[6] Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của TTg Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

[7] Austrade, Digital banking in VietNam, 2020

[8] Fintech Singapore, Vietnam Fintech Report 2020

[9] EMVCo, deployment-statistics

[10]EMVCertificationExplained https://blog.payjunction.com/emv-terminal-certification- explained

[11] Cornelli, ..., Fintech and Big Tech Credit: What Explains the Rise of Digital Lending?, CESifo Forum 2021

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 - Tháng 10/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Fintech và big tech - Cách tiếp cận mới về tài chính trong nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO