Giá trị của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”

Thu Hiền| 22/07/2020 17:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự trở về và hành trình của những sổ tay di vật - kỷ vật đến bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" rất khác nhau. Mỗi tác giả trở về từ chiến trường đều có một số phận riêng biệt và mỗi tác phẩm trước khi đến với bạn đọc đều có một hành trình hàng chục năm với bao tình tiết ly kỳ.

Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2020 và tiến tới kỷ niệm 15 năm ngày truyền thống, ngày 22/7/2020, Quỹ "Mãi mãi tuổi 20", Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc và CLB "Trái tim người lính" phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm gặp mặt tác giả và nhân chứng lịch sử với bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam".

Giá trị của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” - Ảnh 1.

Các tác giả và nhân chứng lịch sử

Bạn đọc cả trong và ngoài nước đã từng biết đến 2 cuốn nhật ký lừng danh, với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng của 2 liệt sĩ: "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" của Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm "Nhật ký thời chiến Việt Nam" hay nhất, nổi tiếng nhất cùng đứng chung trong một bộ sách, với 31 tác phẩm của 31 tác giả.

Sự trở về và hành trình của những sổ tay di vật - kỷ vật đến bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" rất khác nhau. Mỗi tác giả trở về từ chiến trường đều có một số phận riêng biệt và mỗi tác phẩm trước khi đến với bạn đọc đều có một hành trình hàng chục năm với bao tình tiết ly kỳ. Những điều đó, sẽ được chính các tác giả, thân nhân tác giả và nhân chứng lịch sử làm sáng tỏ trong buổi tọa đàm nhiều cảm động.

Trung tướng TSKHQS, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4) Chủ tịch Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" đánh giá: "Đây là công trình, có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách "Nhật ký Thời chiến Việt Nam" như một tượng đài di sản phi vật thể, mà các Anh hùng - Liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau".

Hành trình của những cuốn sổ tay di vật, kỷ vật và giá trị của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” - Ảnh 2.

Bộ sách như một hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á - Phi khẳng định:"Bộ sách "Nhật ký chiến tranh Việt Nam" mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. 

Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam. Bởi thế mà những trang nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam đã trở thành một giá trị vô cùng to lớn làm nên bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam chứ không chỉ là một loại hồ sơ đặc biệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.

Là Chủ biên của bộ sách, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng đã thay mặt nhóm sưu tầm, biên soạn và thực hiện cho biết: Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. 

Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của nhiều gia đình...

Giá trị của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” - Ảnh 3.

Nhà văn, CCB Đặng Vương Hưng giới thiệu các nhân chứng tại buổi gặp mặt

Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng cũng cho biết thêm: Phải mất thời gian 16 năm (2004 - 2020) ông và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này. Bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" do Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" và CLB "Trái tim người lính" tổ chức thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa, nhưng không nhằm mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý cho thế hệ sau.

Phát động cuộc thi viết và kể chuyện "Tình yêu trong chiến tranh"

Cũng trong buổi tọa đàm gặp mặt này, nhằm tiếp tục thực hiện bộ sách "Những lá Thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam", phát hiện những câu chuyện hay, những mối tình đẹp, lãng mạn và cảm động, trong thời gian chiến tranh bảo vệ chủ quyền Biên giới - Hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc, CLB Trái tim người lính - Một diễn đàn của các Cựu chiến binh trên mạng xã hội Facebook và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam công bố Cuộc vận động sưu tầm Kỷ vật, Thư và Nhật ký, được viết trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới và biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời, Cuộc thi viết và kể chuyện "Tình yêu trong chiến tranh" cũng đã được phát động.

Hành trình của những cuốn sổ tay di vật, kỷ vật và giá trị của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” - Ảnh 4.

Phát động cuộc thi viết và kể chuyện "Tình yêu trong chiến tranh"

Các kỷ vật, thư, nhật ký, hình ảnh… sưu tầm, hoặc hiến tặng phải đáp ứng được yêu cầu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sẽ được tiếp nhận, lưu giữ, bảo quản lâu dài, khai thác phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền, phát huy giá trị. Lễ sơ kết lần 1 sẽ được tổ chức vào dịp 30/4/2021 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Thể loại tác phẩm Cuộc thi viết và kể chuyện "Tình yêu trong chiến tranh" gồm: Bút ký, ký sự; ghi chép; kỉ niệm sâu sắc…nhưng phải là người thật, việc thật (không hư cấu). Dung lượng mỗi bài viết không quá 3.000 chữ, kèm ảnh nhân vật, sự kiện hoặc clip kể chuyện (dài không quá 30 phút).

Thời gian nhận và đăng bài từ nay cho đến hạn cuối cùng là ngày 30/03/2021. Địa chỉ nhận và đăng tải bài, clip: Nhóm facebook "Trái tim người lính" và ghi rõ (Tác phẩm dự thi "Tình yêu trong chiến tranh") dướt tít bài. Những bài dự thi có chất lượng tốt cũng sẽ được Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam giới thiệu cùng bạn đọc.

Lễ tổng kết Cuộc thi vào cuối quý 1 năm 2022. Những bài viết hay nhất về "Tình yêu trong chiến tranh" sẽ được biên soạn vào cuốn sách nhiều tác giả mang tên "Trái tim người lính" nhiều tập, dự kiến Tập 1 sẽ được xuất bản đầu năm 2021.

Những lá thư và nhật ký được viết trong thời gian chiến tranh bảo vệ biên giới và biển đảo của Tổ quốc, sẽ được tuyển chọn, bổ sung vào những tập tiếp theo của bộ sách "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam" do nhà văn Đặng Vương Hưng chủ biên.

Để tri ân các bạn đồng nghiệp, với ý nghĩa và giá trị nhân văn của bộ sách; đồng thời, để các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, các thầy cô giáo… có thêm tài liệu về những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, CLB "Trái tim người lính" đã và đang gửi tặng miễn phí hàng ngàn bản PDF nội dung của bộ sách này. Các bản PDF được sử dụng cho công tác tuyên truyền, nghiên cứu và tham khảo, giảng dạy trong nhà trường, vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội…

"Nhật ký thời chiến Việt Nam" ra mắt lần đầu, chỉ được in với số lượng hạn chế 500 bản, chủ yếu để làm quà tặng tri ân của các cựu chiến binh Quỹ "Mãi mãi tuổi 20".

Bạn đọc có thể đặt mua bằng cách liên hệ trực tiếp với số điện thoại: 0913 210 520 (có kết nối Zalo và Viber) để cung cấp họ tên và địa chỉ. Bộ sách sẽ được gửi đến nhà theo yêu cầu.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giá trị của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO