Giải pháp cho kinh tế báo chí sau đại dịch

Xuân Tuấn| 25/03/2022 08:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Các cơ quan báo chí cần sớm xây dựng các mô hình mới để định hình lại sự phát triển trong thời đại số.

Ngày 24/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ngành kinh doanh báo chí ở Việt Nam - Những vấn đề và xu hướng sau đại dịch COVID-19".

Tọa đàm nhằm thảo luận về các vấn đề xoay quanh hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số (CĐS), đồng thời đưa ra khuyến nghị về cách tiếp cận chính sách hoạt động quản lý báo chí, đóng góp vào quá trình sửa đổi luật báo chí năm 2023 - 2024.

Cần có một chiến lược tổng thể về kinh tế báo chí

Dẫn chứng từ các nguồn thống kê kinh tế báo chí thế giới, IPS cho biết, năm 2021, bất chấp bối cảnh đại dịch COVID-19, "gã khổng lồ" ngành báo chí là The New York Times đạt doanh thu 1,7 tỷ USD, chỉ qua hình thức đăng ký đọc tin tức trực tuyến (subscription).

Trong vòng các năm gần đây, hầu hết các cơ quan báo chí lớn trên thế giới (The NewYork Times, Wall Street Journal, Nikkei Asia, the Economist,..) đều ưu tiên coi đăng ký đọc tin là nguồn thu chính.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện nay, nhiều tờ báo, cơ quan báo chí gặp khó khăn trong vấn đề bảo đảm nguồn thu và bảo đảm đời sống cho những người làm báo. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số và bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, báo chí cũng đang đứng trước sức ép, áp lực rất lớn khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa phải tự chủ tài chính. Một số cơ quan báo chí bắt đầu thảo luận và thí điểm mô hình "Đăng ký đọc tin" như một nguồn thu bổ sung và chuẩn bị cho sự chuyển hướng về lâu dài.

Có thể thấy, nếu không giải quyết cơ bản và thấu đáo vấn đề kinh tế báo chí thì báo chí rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, và khó giữ được sự nghiêm ngặt trong hoạt động báo chí. Điều này đòi hỏi cần có một chiến lược tổng thể về kinh tế báo chí, đề cập một cách xác thực về các loại hình báo chí, các nhóm báo chí khác nhau.

Nguồn tài chính cho hoạt động báo chí là vấn đề vô cùng quan trọng

Theo ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), nguồn tài chính cho hoạt động báo chí là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các cơ quan báo chí. Vì vậy vấn đề kinh doanh báo chí đã được đặt ra từ lâu. Thế giới coi hoạt động kinh doanh báo chí là một ngành kinh tế mũi nhọn. 

Tuy nhiên, báo chí thế giới nói chung, đặc biệt là báo chí Việt Nam nói riêng hiên nay đang đứng trước cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt đối với mạng xã hội (MXH) cả về nội dung thông tin lẫn tài chính. Đây là cuộc đua không cân sức. 

Về dịch vụ kinh doanh quảng cáo, truyền thông báo chí thì MXH như Facebook, Google, Youtube… chiếm thị phần rất lớn. Vấn đề này càng gay gắt ở Việt Nam hơn. Thông tin trên MXH rất đa dạng và nhanh (mặc dù có thể không chính xác) nên thu hút bạn đọc lớn, vì vậy, việc cạnh tranh thông tin của báo chí là hết sức khốc liệt.

Ông Lê Đức Sảo cũng cho biết, ở Việt Nam ngoài sự cạnh tranh về thông tin, cạnh tranh về hoạt động kinh tế báo chí thì cơ chế quản lý báo chí là hết sức chặt chẽ. Vậy phải làm thế nào để hoạt động báo chí có hiệu quả?

Kinh tế báo chí Việt Nam - Đâu là xu hướng sau đại dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Các diễn giả tham gia tọa đàm.

Ông Trương Trí Vĩnh, Nguyên Giám đốc điều hành CafeF đã đề cập đến vấn đề ngành kinh doanh báo chí Việt Nam trong và sau đại dịch COVID-19 - những vấn đề và xu hướng chính. 

Theo ông Vĩnh, báo chí là một ngành đang bị cạnh tranh trên mọi phương diện bởi MXH. Về cả nội dung lẫn hình thức, báo chí đều thua kém sức cạnh tranh so với MXH. Qua đó cho thấy hệ quả của bức tranh toàn cảnh ngành báo chí là ngành công nghiệp đang bị thu hẹp. Vì vậy báo chí cần chọn cho mình chiến lược khác để sinh tồn là rất quan trọng. Vậy, chiến lược sinh tồn trong tương lai của các cơ quan báo chí là gì? Theo ông Vĩnh, những đơn vị báo chí cần nhanh chóng đổi mới, trở nên đặc sắc, có khả năng thích nghi kịp thời. Báo chí phải quay lại vấn đề là sản xuất cái gì? Bán cho ai? Và bán ở đâu?...

Ông Steve Taylor đại diện Đại Sứ quán Anh tại Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn của Vương quốc Anh về vấn đề phát triển báo chí: Báo chí tự do là điều quan trọng đối với một quốc gia, khả năng để chia sẻ các ý tưởng, để thảo luận các góc nhìn, các quan điểm. 

"Thông tin đang "ở trên đầu ngón tay" của chúng ta. Sáng tạo số đã tái định hình ngành báo chí của chúng ta. Vì vậy, nhiều người cho rằng báo chí truyền thống sẽ sớm trở thành của quá khứ. Các cơ quan báo chí cũng đang sớm xây dựng các mô hình mới để định hình lại sự phát triển như đăng ký trả phí trên báo điện tử chẳng hạn…", ông Steve Taylor nhấn mạnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp cho kinh tế báo chí sau đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO