Giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính

Trường Thanh| 09/03/2021 15:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Văn phòng Chính phủ (VPCP) đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (Đề án).

Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp (DN) số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Giảm thời gian chờ đợi còn tối đa 30 phút/1 lần đến giao dịch

Theo dự thảo, năm 2021 sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đồng thời hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và đăng ký DN với Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, DN trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp.

Việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 50%, 50%, 30%, 20% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Cùng với đó là tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 100% Trung tâm phục vụ hành chính công; Triển khai thực hiện cơ chế giao DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công đoạn trong quá trình tiếp nhận, giải quyết, số hóa hồ sơ TTHC tại một số tỉnh có đủ điều kiện.

Cũng theo dự thảo, năm 2022 sẽ mở rộng việc tiếp nhận và giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các TTHC về hộ tịch, cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, bảo hiểm xã hội, thuế, làm cơ sở đánh giá và nhân rộng đối với các ngành, nghề, lĩnh vực khác vào năm tiếp theo.

Song song với đó là hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, tăng tối thiểu 20% đối với kết quả thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về bảo hiểm xã hội và đất đai với Cổng DVCQG, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ việc giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp. Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 50% bộ phận một cửa cấp huyện và 30% bộ phận một cửa cấp xã; Giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN tại bộ phận một cửa xuống còn tối đa 30 phút/1 lần đến giao dịch.

Giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính - Ảnh 1.

Năm 2021, sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Ảnh: HT

Vào năm 2025, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95%

Dự thảo Đề án cũng nêu rõ, năm 2023 - 2025 sẽ hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các CSDL quốc gia còn lại, các CSDL chuyên ngành với Cổng DVCQG, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ cho việc cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, DN trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp; Hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

Đồng thời, tăng tỉ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết tối thiểu mỗi năm thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; Mở rộng triển khai tiếp nhận và giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các TTHC có đủ điều kiện; Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã theo tỷ lệ tăng mỗi năm tối thiểu 30% cho đến khi đạt 100%, trừ các xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn; Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025...

Dự thảo cũng nêu rõ các giải pháp cụ thể để thực hiện như: Hoàn thiện thể chế; Nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống CNTT; Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Trong đó việc nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống CNTT được xem rất quan trọng, cụ thể: Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để đáp ứng yêu cầu số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, cũng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành; Nâng cấp, hoàn thiện Cổng DVCQG để đảm bảo thực hiện xác thực, định danh và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống thôn tin phục vụ giải quyết TTHC; Tổ chức thực hiện kết nối, chia sẻ liệu giữa các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống thôn tin, Cổng DVCQG và hệ thống thông tin một cửa điện tử phục vụ giải quyết TTHC...

Triển khai nghiêm túc, hiệu quả cải cách TTHC, xây dựng CPĐT

Theo Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Mai tiến Dũng, vấn đề cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã từng bước làm thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, giảm bớt những phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho người dân, DN khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay, cả nước có 59/63 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, chất lượng giải quyết TTHC được nâng lên, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hẹn đạt 95,8%; 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; chất lượng giải quyết hồ sơ đã cải thiện rõ rệt...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nhất là tại các địa phương, tỷ lệ hồ sơ giấy chiếm 93,7%; hồ sơ điện tử 6,3%. Việc tiếp nhận, giải quyết vẫn trên cơ sở hồ sơ giấy dẫn đến khó kiểm soát, đánh giá, dễ phát sinh tiêu cực; đồng thời, khó tạo dựng, duy trì, phát triển được các CSDL do thông tin, kết quả thực hiện TTHC vừa là đầu vào, đầu ra, vừa giúp chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu trên các CSDL…

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, VPCP đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan và địa phương tập trung, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi gắn với xây dựng CPĐT. Đồng thời, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; quyết tâm không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết, các đề án sang năm sau. Việc lồng ghép, cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết cần bảo đảm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO