Giáo dục và đạo tạo - Nhân tố quan trọng đảm bảo sự phát triển xã hội thời kỳ hội nhập

Trọng Thành| 10/09/2020 09:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa, nhất là xu thế phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến nhiều mặt, lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó phải kể đến lĩnh vực giáo dục & đào tạo (GĐ&ĐT).

Để lĩnh vực này phát huy, đáp ứng tốt hiệu quả trong công cuộc hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa luôn cần chiến lược phát triển tổng thể, phù hợp với xu hướng hiện đại, cập nhật với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Vai trò quan trọng GD&ĐT trong sự phát triển của đất nước

Từ lâu, song hành với quá trình phát triển, đi lên của đất nước, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, xác định rõ tầm quan trọng của việc GD&ĐT. Theo đó, với quan điểm không có sự đầu tư nào mang lại nhiều lợi ích như đầu tư cho GD&ĐT, bởi đây là lĩnh vực, nền tảng góp phần hình thành, tạo nên nhân cách chuẩn mực cho mỗi công dân, đào tạo nên những người lao động có trình độ nghề, năng động, sáng tạo, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Vì tầm quan trọng này, Hiến pháp năm 1992, đã quy định trong Điều 35 nêu rõ "GD&ĐT là quốc sách hàng đầu", đến năm 2001, Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung, nhấn mạnh thêm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu".

Giáo dục và đạo tạo - nhân tố quan trọng đảm bảo sự phát triển xã hội thời kỳ hội nhập  - Ảnh 1.

Đổi mới mô hình GD&ĐT truyền thống đáp ứng phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế phải là mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục (Ảnh Internet)

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam còn xác định GD&ĐT như một lợi thế, nhân tố, chìa khóa, động lực mới cho việc thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển.

Đánh giá về tầm quan trọng không thể thiếu này, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập quốc tế" nhấn mạnh: "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân".

Nghị quyết xác định: Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng XHCN và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực [1].

GD&ĐT tạo ra nền kinh tế tri thức phát triển xã hội

Như vậy, trên quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của Đảng, đây được xem là một chiến lược, chính sách, biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển, đưa đất nước đi lên giàu mạnh. Cũng nhờ việc xác định cụ thể đó, GD&ĐT góp phần nâng cao dân trí cho người dân, phát huy được hiệu quả, nguồn lực con người, và chính điều này mới tạo nên những giá trị, động lực, yêu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), cốt lõi là nền kinh tế tri thức - hạt nhân có ý nghĩa sống còn trong xu thế toàn cầu, phát triển hội nhập quốc tế hiện nay.

Nói cách khác, muốn làm tốt việc nâng cao hiệu quả chất lượng nguồn nhân lực, tri thức con người, chỉ có một con đường duy nhất không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác cùng lựa chọn, chính là thông qua việc đầu tư, nâng cao phát triển mạnh mẽ chất lượng cho việc GD&ĐT.

Bởi lẽ, GD&ĐT là một hoạt động tác động trực tiếp đến việc nâng cao trí tuệ, sự hiểu biết và vận dụng những tri thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của con người. Đồng thời, đây là con đường tốt nhất để con người tiếp cận kịp thời những thông tin mới, cập nhật, làm giàu thêm nguồn tri thức và năng lực sáng tạo. Bên cạnh đó, còn giúp con người phát huy nội lực - trình độ trí tuệ dân tộc, trong đó hàm lượng trí tuệ trong lao động do GD&ĐT mang lại là cái làm cho con người trở thành nguồn lực đặc biệt của sản xuất, nguồn lực cơ bản, nguồn lực vô tận để phát triển kinh tế tri thức.

Giáo dục và đạo tạo - nhân tố quan trọng đảm bảo sự phát triển xã hội thời kỳ hội nhập  - Ảnh 2.

Cũng thông qua GD&ĐT mới tạo dựng, động viên và phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội, trước hết là nguồn lực con người cho sự phát triển KT-XH. Con người được giáo dục và biết tự giáo dục sẽ có khả năng giải quyết một cách sáng tạo và có hiệu quả những vấn đề do sự phát triển của kinh tế tri thức đặt ra. Năng lực sáng tạo của con người là vô tận, nhưng năng lực đó chỉ được khơi dậy và phát huy thông qua GD&ĐT. Do đó, việc chấn hưng GD&ĐT là bí quyết để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tri thức [2].

Điều chúng ta dễ nhận thấy, trước đây muốn đạt năng suất lao động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, giờ đây đã khác, việc đạt năng suất chủ yếu dựa vào tri thức. Cũng nhờ có nền kinh tế tri thức, chúng ta mới nhanh chóng, dễ dàng tạo ra sự đột phá để phát huy năng lực nội sinh "đi tắt, đón đầu" rút ngắn thời gian, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Chúng ta đều biết, tri thức của con người không phải tự nhiên mà có được, mà phần nhiều được tạo dựng thông qua quá trình học hỏi, tích lũy, nỗ lực trong môi trường GD&ĐT. Cũng chính trong môi trường này, những giá trị văn hóa, tri thức xã hội sẽ dễ trở thành tài sản của mỗi cá nhân và nhờ đó những giá trị quý giá này sẽ lại được tiếp tục lan tỏa, rộng khắp ngoài cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh đó, cũng thông qua GD&ĐT, các hệ thống giá trị xã hội mới được tạo ra, góp phần bảo vệ chế độ chính trị của mỗi quốc gia, dân tộc, tạo ra những con người, những công dân xã hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ sức đề kháng chống lại các cuộc "xâm lăng văn hóa" trong chính quá trình hội nhập quốc tế và xu thế toàn cầu.

Cần đổi mới toàn diện cho sự phát triển GD&ĐT thời kỳ hội nhập quốc tế

Như vậy, GD&ĐT có vai trò quan trọng, nhất là trong điều kiện phát triển đất nước thời kỳ CNH-HĐH đất nước hiện nay, do vậy GD&ĐT luôn cần một chiến lược phát triển bền vững lâu dài, lấy đó làm khâu đột phá cho chiến lược phát triển KT-XH, gia tăng tính bền vững trong quá chuyển đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, sức hút đối với các nguồn lực bên ngoài, nội lực và tính hiệu quả trong việc chủ động hội nhập quốc tế.

GD&ĐT cần phải hướng vào việc phát huy tính tích cực và năng lực sáng tạo của con người, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rập khuôn máy móc, khuyến khích mọi người học tập, chuyển đổi dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục [2].

Cần phải được ưu tiên phát triển đi trước một bước, đồng bộ cả ba mặt: tài chính; cơ chế chính sách quản lý; đào tạo bồi dưỡng, đãi ngộ nhà giáo. Trong đó đối với lực lượng nhà giáo phải biết tự phát huy nội lực để có thể đóng góp cho sự nghiệp trồng người, phải phát huy mọi tiềm năng của bản thân cho mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi học sinh. Cần có những quan điểm giáo dục tiên tiến kịp thời để khích lệ học sinh, dẫn dắt học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm trên lớp, ngoài nhà trường [3].

Bên cạnh đó, GD&ĐT cần được nhân rộng phạm vi xã hội hóa, thuận lợi cho việc: Thúc đẩy quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới dạy - học và quản lý giáo dục; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch giáo dục và quản trị cơ sở GD&ĐT; đổi mới, kế thừa chọn lọc các chương trình giáo dục tiên tiến theo hướng tiếp cận năng lực, phát triển các kỹ năng mềm, quan tâm nhiều hơn đến hoạt động ngoại khóa giúp người học phát triển thể chất, năng khiếu và tính sáng tạo, chủ động hòa nhập và chấp nhận cạnh tranh khi đi ra môi trường quốc tế đã được quan tâm, nghiên cứu và triển khai trong thực tế [4].

Cùng với đó, cần chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển GD&ĐT; Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền; Ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách.

Các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch dài hạn phát triển nguồn nhân lực, dự báo nhu cầu về số lượng, chất lượng nhân lực, cơ cấu ngành nghề, trình độ. Trên cơ sở đó, đặt hàng và phối hợp với các cơ sở GD&ĐT tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, cần tích cực tăng cường trong việc chủ động hội nhập quốc tế về GD&ĐT trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng XHCN, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại. Cơ chế hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế về GD&ĐT… cần được hoàn thiện [5].

Công tác truyền thông về GD&ĐT cũng phải thay đổi để mọi người hiểu đúng, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục. Các cơ sở, các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo ở Trung ương và địa phương cần chủ động cung cấp thông tin với toàn xã hội [6].

Như vậy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự nghiệp GD&ĐT của Việt Nam luôn được xây dựng trên nền tảng đổi mới để phát triển. Chúng ta luôn tin tưởng với chỉ đạo và yêu cầu từ Nghị quyết Đảng ban hành, cùng với những đề suất, mong muốn, khi thực hiện, triển khai hiệu quả tốt các điều trên sẽ góp phần đưa Việt Nam phát triển vững mạnh, thịnh vượng trên nền giáo dục tiên tiến, dân tộc, độc lập và XHCN, xứng tầm trong thời đại kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1.http://tuyengiao.vn/khoa-giao/giao-duc/phat-huy-vai-tro-cua-nguoi-thay-trong-doi-moi-giao-duc-dao-tao-125268

2.http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Nghi-quyet-Dang-va-cuoc-song/Phat-trien-giao-duc-va-dao-tao-mot-dong-luc-de-phat-trien-kinh-te-tri-thuc-o-nuoc-ta-hien-nay-641.html

3.https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/vai-tro-cua-nha-giao-trong-thoi-ky-cach-mang-cong-nghiep-4-0-320314/.

4.https://nhandan.com.vn/dien-dan-giao-duc/xa-hoi-hoa-giao-duc-dua-giao-duc-dao-tao-hoi-nhap-the-gioi-448259/

5.https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dinh-huong-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-1384147640.htm

6.https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/doi-moi-giao-duc-can-co-su-dong-thuan-va-ung-ho-cua-du-luan-1384446495.htm

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục và đạo tạo - Nhân tố quan trọng đảm bảo sự phát triển xã hội thời kỳ hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO