Hà Nội đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong bối cảnh dịch Covid-19

Linh Pham| 30/06/2021 10:39
Theo dõi ICTVietnam trên

6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội tiếp tục tăng cường triển khai hệ thống họp trực tuyến từ thành phố đến các điểm cầu trực tuyến của 579 xã, phường.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT làm cơ sở xây dựng chính quyền số

Theo UBND TP Hà Nội, mặc dù gặp nhiều khó khăn, phức tạp do dịch Covid-19 bùng phát trở lại song công tác cải cách hành chính trong 6 tháng đầu năm 2021 của thành phố vẫn tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Theo đó, thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) điện tử để làm cơ sở xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. UBND thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý CSDL quyết định thống nhất ban hành danh mục các trường thông tin thuộc danh mục CSDL của thành phố; Định kỳ 6 tháng/lần trình UBND thành phố quyết định cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh mục CSDL của thành phố Hà Nội.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội tiếp tục tăng cường triển khai hệ thống họp trực tuyến từ thành phố đến các điểm cầu trực tuyến của 579 xã, phường, thị trấn. TP hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố tại các quận Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đông Anh...

Bên cạnh các hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm được duy trì, khai thác hiệu quả, TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch, các văn bản để khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; Xây dựng, phát triển thương mại điện tử, triển khai hóa đơn điện tử, biên lai điện tử... Đặc biệt là trước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Hà Nội đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong bối cảnh dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) nỗ lực giải quyết hồ sơ nhanh chóng cho công dân

Hà Nội tiếp tục duy trì Cổng dịch vụ công thành phố và các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 dùng chung của thành phố. Hà Nội đang tiếp tục triển khai cung cấp cho người người dân, tổ chức và doanh nghiệp 1685 TTHC (bao gồm các DVCTT của Bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai) trong đó, DVCTT mức độ 3 là: 1217 TTHC; DVCTT mức độ 4 là: 468 TTHC.

Việc giải quyết hồ sơ TTHC, DVCTT các cấp trên thành phố thực hiện tập trung tại hệ thống một cửa điện tử thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế). Hà Nội đã triển khai tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến của thành phố lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt tỷ lệ 31,02% - hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao.

Hiện nay, TP Hà Nội đang tiếp tục rà soát, đề xuất triển khai tích hợp tiếp các TTHC đảm bảo yêu cầu, điều kiện lên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo đúng lộ trình và kế hoạch chung của Văn phòng Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, 6 tháng cuối năm là thời gian để thành phố tập trung nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của cả năm 2021 dù rất khó khăn nhưng không thể không đạt được. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm đó là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cải cách TTHC, đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Thực hiện nghiêm túc việc kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tiến tới bảo đảm công tác gửi nhận văn bản điện tử liên thông giữa 4 cấp hành chính.

Để hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng đã giao các Sở, cơ quan tương đương sở thuộc thành phố, trong phạm vi quản lý Nhà nước được giao, căn cứ quy định về hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính và văn bản liên quan, thực hiện rà soát, đề xuất danh mục các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4; Lập danh sách và lộ trình, phương án đề xuất triển khai gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp.

Hà Nội cũng sẽ tập trung xây dựng Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử, số hóa kết quả giải quyết TTHC đang được quản lý, lưu trữ bằng văn bản giấy và lưu thông tin, dữ liệu đã được số hóa tại Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của thành phố./.

Kết quả triển khai công tác CCHC của TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2021 được các cơ quan, tổ chức đánh giá qua PCI và PAPI tiếp tục được duy trì, cải thiện.

Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của thành phố xếp thứ 9/63. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI, tăng 15 bậc so với năm 2015, thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.

Chỉ số PAPI năm 2020 của thành phố tăng 11 bậc so với năm 2019, trong đó có 6/8 chỉ số nội dung vừa tăng về điểm số và tăng về thứ hạng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong bối cảnh dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO