Hành trình tìm ra hạt gạo ngon nhất thế giới tại Việt Nam

T.H| 09/03/2020 11:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Đó là một quá trình dài đằng đẵng 20 năm kể từ cơ duyên phát hiện và lai tạo ra giống lúa thơm "ST" đầu tiên của Kỹ sư Hồ Quang Cua - là thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu từ lượng sang chất và là sự kết tinh từ ý chí, nỗ lực vượt khó của người Việt Nam.

Đó là một quá trình dài đằng đẵng 20 năm kể từ cơ duyên phát hiện và lai tạo ra giống lúa thơm "ST" đầu tiên của Kỹ sư Hồ Quang Cua, là sự miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm từ nhóm nghiên cứu, là công sức của "người cha đẻ" ra giống lúa chất lượng cao GS. TS Võ Tòng Xuân, là sự thay đổi tư duy sản xuất, xuất khẩu từ lượng sang chất và là sự kết tinh từ ý chí, nỗ lực vượt khó của người Việt Nam.

Từ tư duy chuyển từ lượng sang chất...

Được xem là vựa lúa của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp chủ lực vào lượng gạo xuất khẩu giúp Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo trong nhiều năm qua. Thế nhưng, cũng trong suốt nhiều năm, chúng ta được thế giới biết nhiều hơn vì là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà ít biết đến chất lượng các loại gạo xuất khẩu. Trên thực tế, chúng ta cũng có rất nhiều loại gạo chất lượng hàng đầu, không thua kém các loại gạo ngon nhất mà thế giới biết đến.

Hành trình tìm ra hạt gạo ngon nhất thế giới tại Việt Nam - Ảnh 1.

Gạo ngon nhất thế giới tại Việt Nam (Ảnh: Việt Tâm)

Những năm trở lại đây, trong các báo cáo tổng kết của ngành nông nghiệp cũng như trong các định hướng về sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam bao giờ cũng nhấn mạnh tới cụm từ gần như: "chuyển từ lượng sang chất" hoặc "ưu tiên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao, có giá trị cao"...

Thực tế, với sự dày công nghiên cứu của các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu, sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia và sự đúc rút kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý Nhà nước về sản xuất, xuất khẩu nông sản thì tư duy chuyển từ lượng sang chất đã trở thành định hướng, chủ trương và hướng đi quan trọng của mặt hàng nông sản nói chung trong những năm gần đây. Đối với gạo, tư duy, cách làm đó lại càng đúng đắn hơn.

Thay đổi tư duy sản xuất đã bắt đầu từ thay đổi cơ cấu giống lúa theo hướng gia tăng giá trị hạt gạo. Dòng gạo thơm ST - nhất là khi ST25, ST24 được xếp vào loại ngon nhất thế giới sẽ đóng vai trò then chốt trong xuất khẩu gạo ở phân khúc gạo thơm. Khu vực ĐBSCL có khoảng 50.000ha lúa ST25, ST24 và đã và đang phát triển "lan truyền" sang nhiều vùng khác của cả nước chứng minh sự thích ứng và tính hiệu quả.

... Đến nỗ lực và ý chí phi thường "kết tinh" thành hạt gạo ngon nhất thế giới

Chia sẻ với báo chí về việc sản xuất các giống lúa thơm Kỹ sư Hồ Quang Cua (một trong những Kỹ sư hàng đầu về lúa gạo Việt Nam) từng cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn thiếu trước hụt sau từ những năm 1993, UBND tỉnh Sóc Trăng đã xuất ngân sách mua trữ hơn 600 tấn lúa giống KDM (một giống lúa thơm) tính chuyện đầu tư cho sản xuất.

Đã hơn 25 năm trôi qua kể từ khi những giống lúa thơm đầu tiên "đặt chân" vào vùng đất Sóc Trăng (Việt Nam), để rồi nhờ vào sự tri giao giữa GS. TS. Võ Tòng Xuân (người mang giống lúa KDM về Việt Nam) và kỹ sư Hồ Quang Cua mà giống lúa thơm ấy được nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ ở Sóc Trăng. Vì vậy, GS. TS Võ Tòng Xuân và Kỹ sư Hồ Quang Cua được mệnh danh là cha đẻ của các giống lúa thơm ST hiện nay.

Hơn 10 năm kể từ ngày giống lúa thơm đầu tiên về Việt Nam, đến năm 2004 tổ hợp lai chọn ra được giống tốt và phóng thích năm 2009, sau đó được công nhận, đoạt giải thưởng Bông lúa vàng.

Hành trình tìm ra hạt gạo ngon nhất thế giới tại Việt Nam - Ảnh 2.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cầm cúp cùng Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu. (Ảnh: Việt Tâm)

Đến năm 2008, hai tổ hợp lai mới được thực hiện chọn và đến năm 2014 thì ổn định và khảo nghiệm trước khi hoàn thiện vào 2 năm sau đó. Để rồi, đến năm 2017, tại cuộc thi Festival lúa gạo tổ chức ở Sóc Trăng, Giải nhất đã vinh danh giống lúa ST24 và đột phá hơn khi giống lúa này đã lọt tốp 3 loại gạo ngon nhất thế giới vào cuối năm 2017.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu các giống lúa thơm cũng chia sẻ, tới năm 2018, giống này ST24 lại đoạt giải trong Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3. Năm 2019, giống ST24, ST25 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tuyển chọn dự thi quốc tế lần thứ 11 ở Philippines, cả hai cùng lọt vào tốp đầu thế giới và ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất.

Kết quả cuối cùng vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice ngày 12/11/2019, Manila, do The Rice Trader tổ chức, gạo ST25 của Việt Nam đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi này sau 10 lần tổ chức cuộc thi trong 10 năm qua.

Mốc son lịch sử của hạt gạo Việt trên trường quốc tế đến từ một cơ duyên từ năm 1996 khi kỹ sư Hồ Quang Cua phát hiện ra cây lúa lạ, gốc màu tím, dạng hạt thon dài rất đẹp mà lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên "ST"; đến từ quá trình lai tạo và cải tiến trong hơn 20 năm qua; đến câu hỏi lúc nào cũng đau đáu trong đầu của người kỹ sư giỏi: "Tại sao người Thái làm được gạo ngon nhất thế giới mà mình lại không?"; đến từ suốt quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và đến từ tinh thần, nỗ lực phi thường của người con Việt Nam. Để rồi hôm nay, kết tinh thành hạt gạo ngon nhất thế giới: hình dài, trắng tinh, dẻo, thơm mùi dứa.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hành trình tìm ra hạt gạo ngon nhất thế giới tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO