Hậu Giang: Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số

Đỗ Thêu| 13/07/2021 10:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Những năm gần đây, tỉnh Hậu Giang đã tập trung dành nguồn lực không nhỏ, ưu tiên việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT). Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2021-2025, Hậu Giang đặt mục tiêu hoàn thiện CQĐT, phát triển Chính quyền số, chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) lên môi trường số.

Nhiều kết quả tích cực

Hiện nay, sau nhiều năm triển khai, Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc xây dựng CQĐT. Trong đó, năm 2020 được xem là năm đột phá trong ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh trong cải cách hành chính (CCHC), xây dựng CQĐT và đô thị thông minh.

Tính đến nay, 100% các CQNN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có kết nối Internet và mạng nội bộ (LAN). 100% cán bộ, công chức (CBCC) tại CQNN cấp tỉnh và cấp huyện được trang bị máy tính; tỷ lệ cán bộ công chức  (CBCC) tại UBND cấp xã được trang bị máy tính đạt 98%. Theo đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước tại Hậu Giang đã triển khai đến các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, được sử dụng chủ yếu để đảm bảo hoạt động của Trung tâm Dữ liệu và Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành.

Đồng thời, phần mềm quản lý văn bản cũng được triển khai đến tất cả các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn với hơn 302 đơn vị sử dụng. Số lượng người sử dụng xấp xỉ 3.000 tài khoản. Hệ thống đã liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Tỷ lệ văn bản đi/đến chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng đạt trên 80%, trao đổi song song với văn bản giấy khoảng 20%; Hệ thống tích hợp chữ ký số tạo điều kiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước...

Việc đẩy mạnh xây dựng CQĐT cũng đã cung cấp trực tuyến các dịch vụ công (DVC) của tỉnh, giúp người dân và doanh nghiệp (DN) được phục vụ hiệu quả nhất. Tính đến hết tháng 12/2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng DVC (mới) đến hết là 87.669 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn là 99,1%.

Hậu Giang: Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số - Ảnh 1.

Việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công và Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công tỉnh Hậu Giang là bước đột phá trong CCHC, góp phần xây dựng hiệu quả CQĐT

Trong đó, cổng DVC trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử đã cập nhật 1901 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc danh mục TTHC của các đơn vị trong tỉnh, trong đó, gần 700 DVC mức độ 3, 4. Hệ thống đã liên thông và cập nhật 1681 TTHC lên Cổng DVC quốc gia. Đã thực hiện việc đồng bộ số liệu thống kê xử lý hồ sơ cho Cổng DVC quốc gia; tích hợp, dùng chung hệ thống xác thực (SSO) của Cổng DVC quốc gia; Tích hợp lên Cổng DVC quốc gia 15 thủ tục mức độ 3, 4....

Hoàn thiện CQĐT, hướng tới chính quyền số

Ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hậu Giang đặt mục tiêu hoàn thiện CQĐT, phát triển Chính quyền số, chuyển đổi hoạt động của CQNN lên môi trường số.

Cụ thể, Hậu Giang hướng đến đưa 100% DVC lên trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau trong Quý III/2021; 100% phần mềm quản lý văn bản được triển khai cho các CQNN trên địa bàn tỉnh và được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; 100% văn bản trao đổi giữa các CQNN dưới dạng điện tử có ký số được luân chuyển trên phần mềm Quản lý văn bản của tỉnh.

Đồng thời, Tỉnh Hậu Giang phấn đấu đưa 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp cơ sở được xử lý trên môi trường mạng. 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo của tỉnh. 100% báo cáo Chính phủ định kỳ được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia…

Tỉnh Hậu Giang cũng hướng đến mục tiêu phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, các khu công nghiệp được phủ sóng 5G năm 2021; các hệ thống thông tin của tỉnh được đảm bảo an toàn, an ninh theo mô hình 4 lớp …

Hậu Giang: Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số - Ảnh 2.

Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử, cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang ngày 04/5/2021

Để đạt được mục tiêu này, cuối năm 2020, tỉnh Hậu Giang đã thông qua Đề án CQĐT và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Hậu Giang trở thành địa phương phát triển khá trong khu vực Tây Nam Bộ.

Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp); nguồn đầu tư của DN, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để Hậu Giang tiếp tục hoàn thiện CQĐT, hướng tới xây dựng thành công chính quyền số trong những năm tiếp theo./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang: Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO