Hậu Giang triển khai "chính quyền điện tử thân thiện", hướng tới chính quyền số

Đỗ Thêu| 30/05/2022 05:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) của Chính phủ, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt chuyển đổi số (CĐS), hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) tốt hơn.

Đẩy mạnh CĐS từ cơ sở

Hậu Giang triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số - Ảnh 1.

Khởi động "Các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của Hậu Giang"

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác CĐS trên địa bàn, ngay trong những ngày đầu tháng 5/2022, UBND huyện Châu Thành A đã tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác CĐS cho 650 người là thành viên Ban chỉ đạo và Tổ hỗ trợ hướng dẫn công nghệ số cộng đồng từ huyện đến xã, ấp; đại diện các DN, hợp tác xã nông nghiệp, các cơ sở có sản phẩm OCOP, các quán ăn, cửa hàng tạp hóa, những nơi chọn thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt.

Anh Huỳnh Văn Ngọc, kinh doanh hàng tạp hóa tại thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A chia sẻ: "Chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn sử dụng một số phần mềm ví điện tử thông dụng, phần mềm ngân hàng, dịch vụ thanh toán trực tuyến (online); cách tạo lập tài khoản cho cá nhân và tổ chức trên Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh Hậu Giang; hướng dẫn khắc phục tình trạng không đăng ký được tài khoản DVCTT đối với SIM thông tin cá nhân không trùng khớp".

Lớp tập huấn còn hướng dẫn tổ chức, cá nhân cách tạo lập tài khoản; lưu trữ tài liệu, văn bản, sử dụng phần mềm trên ứng dụng của điện thoại thông minh; nộp hồ sơ trên Cổng DVCTT tỉnh Hậu Giang; tra cứu hiện trạng hồ sơ; nhận trả kết quả; hướng dẫn hợp tác xã nông nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNTT và quảng bá, bán sản phẩm trên mạng.

Theo ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, "Mục đích, yêu cầu của công tác tập huấn là giúp cán bộ, công chức, viên chức, hội viên… từ huyện đến cơ sở có kỹ năng, khả năng hướng dẫn, giúp đỡ người dân tạo lập tài khoản DVCTT, nhằm tăng số lượng tài khoản, từng bước góp phần hoàn thành Kế hoạch CĐS của huyện năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.

Nỗ lực xây dựng CQĐT, chính quyền số

Triển khai thực hiện CQĐT, hướng tới chính quyền số, UBND TP. Vị Thanh đã triển khai mô hình "CQĐT theo hướng thân thiện" nhằm nâng cao chất lượng trong cung ứng dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, xây dựng CQĐT thân thiện.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND TP. Vị Thanh, cho biết: "Trước đây, TP. Vị Thanh thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công mức độ 3, chủ yếu các hồ sơ đăng ký kinh doanh, tư pháp. Hiện nay, thành phố tiếp tục tuyên truyền cho người dân thực hiện các loại hồ sơ khác để đỡ tốn kém chi phí… Trước mắt, chúng tôi thí điểm mô hình "CQĐT thân thiện" ở phường I và xã Vị Tân, sau đó tiếp tục nhân rộng tại các xã, phường còn lại. Sau đó, sẽ có đánh giá so sánh những việc thực hiện được, việc nào cần làm, cần hỗ trợ để có giải pháp thực hiện CQĐT trong năm nay".

Hậu Giang triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số - Ảnh 2.

Ngoài nộp trực tuyến, người dân cũng có thể chọn dịch vụ chuyển kết quả giải quyết hồ sơ về tận nhà thông qua bưu điện.

Hướng tới mục tiêu xây dựng CQĐT, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động công vụ, nhất là ở các cơ quan, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến việc giải quyết hồ sơ hành chính. Hiện, Cổng DVCTT của UBND tỉnh đã được triển khai đến tất cả các sở, ngành. Các huyện, xã có kết nối với hệ thống tin nhắn SMS của Viễn thông Hậu Giang để thực hiện thông báo tình trạng tiếp nhận và trả kết quả cho tổ chức, công dân. 

Đến nay, 100% văn bản điện tử (trừ văn bản mật) đã được gửi, nhận giữa các cơ quan từ tỉnh đến huyện một cách thông suốt, an toàn. Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, 119 DVCTT được cung cấp mức độ 3, 4 tại địa chỉ (www.dichvucong.haugiang.gov.vn) công khai và minh bạch. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang quan tâm chỉ đạo ứng dụng CNTT trong xây dựng CQĐT. 

Những năm gần đây, Hậu Giang cũng có sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để hoàn thiện CQĐT, tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời kỳ mới. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chính về kết quả CĐS, hoàn thiện CQĐT, phát triển chính quyền số tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Hậu Giang triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số - Ảnh 3.

Người dân dễ dàng thực hiện các TTHC mức độ 3, 4 trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công của tỉnh tại nhà.

Liên tục nỗ lực hoàn thiện nền tảng xây dựng CQĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, DN ngày một chất lượng, hiệu quả, thân thiện hơn, Hậu Giang đã thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp, đạt được những kết quả ấn tượng. Đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả tích cực trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp thông qua ứng dụng CNTT, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền với người dân, DN.

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, việc ứng dụng CNTT đề nghị giải quyết hồ sơ hành chính đã dần trở thành thói quen đối với nhiều người dân Hậu Giang. Nếu thời điểm cuối năm 2016, khi dịch vụ công mức độ 3 được đưa vào triển khai, số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay chiếm khoảng 25% tổng số hồ sơ đơn vị tiếp nhận mỗi năm.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang nhận định: Để thực hiện CĐS thành công, Tỉnh ủy Hậu Giang đã có riêng Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/12/2020 về xây dựng CQĐT và CĐS giai đoạn 2020 - 2025, trong đó xác định nhiệm vụ: "Chuẩn bị nguồn nhân lực CNTT phục vụ xây dựng CQĐT, thực hiện CĐS". Trong năm 2021, Sở TT&TT Hậu Giang đã tổ chức các khóa đào tạo về Chính phủ điện tử, CĐS, an toàn an ninh mạng cho cán bộ phụ trách CNTT các sở, ban ,ngành, địa phương với những kết quả hết sức tích cực. 

Đồng thời, Sở đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức phụ trách CNTT trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh, nhằm thu hút, phát triển nguồn nhân lực CNTT chuyên nghiệp, chất lượng cao, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.

Hậu Giang triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số - Ảnh 4.

Người dân đến làm TTHC được tạo mọi điều kiện thuận lợi từ CQĐT

Theo ông Lã Hoàng Trung, thời gian tới, tỉnh Hậu Giang sẽ sớm đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT của các đơn vị đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ xây dựng CQĐT, CĐS và nâng cấp, hoàn thiện trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh. Cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách thúc đẩy, ứng dụng CNTT để phát triển CQĐT, thực hiện CĐS, phát triển kinh tế số; đổi mới môi trường sáng tạo, thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ số, thương mại điện tử trên toàn địa bàn. Hậu Giang khuyến khích việc phát triển DN công nghệ số và đưa ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang triển khai "chính quyền điện tử thân thiện", hướng tới chính quyền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO