Hệ sinh thái kinh doanh trên di động của Apple và Google

03/11/2015 22:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Doanh số bán smartphone và tablet chạy Android đang cao hơn hẳn iPhone và iPad của Apple. Tuy nhiên, Google chia sẻ doanh thu liên quan đến Android cho hệ sinh thái của mình cao hơn mức mà Apple chia sẻ cho hệ sinh thái iOS. Lý do vì hệ sinh thái của Apple hiệu quả hơn nên có thể tập trung dòng doanh thu về mình và lập trình viên ứng dụng trong khi Google chia sẻ cho nhiều đối tác khác nhau.

Không có gì ngạc nhiên khi thấy số lượng bán thiết bị Android vượt hơn thiết bị iOS vì đơn giản là Apple duy trì chiến lược định giá bán cao. Theo nghiên cứu của VisionMobile cuối năm 2012, “nền kinh tế” các ứng dụng của Apple đạt 163 tỷ USD (Hình 1), lớn hơn khá nhiều so với Android là 149 tỷ USD (Hình 2)

Hình 1. Hệ sinh thái của Apple giúp hãng giữ lại hầu hết doanh thu (129 tỷ USD)

Hình 1 cho thấy, 129 tỷ USD doanh thu của Apple trong tổng số hơn 163 tỷ USD của hệ sinh thái bao gồm: doanh thu bán thiết bị, doanh thu chia sẻ với các nhà cung cấp nội dung/ứng dụng, doanh thu chia sẻ với các nhà cung cấp phụ kiện.

Hình 2. Hệ sinh thái của Android khiến cho Google giữ lại khá ít doanh thu (3 tỷ USD)

Hình 2 cho thấy, nguồn doanh thu 3 tỷ USD của Google liên quan đến Android đều từ quảng cáo trên thiết bị chạy Android. Lập trình viên ứng dụng Android kiếm được 19 tỷ USD so với 22 tỷ USD của lập trình viên ứng dụng trên iOS.

Sự khác nhau lớn nhất giữa 2 nền kinh tế là: Apple hưởng phần lớn doanh thu từ hệ sinh thái của mình trong khi Google chia sẻ cho nhà sản xuất, lập trình viên, nhà mạng và các đối tác quảng cáo. Cả Apple và Google đều lấy 30% thu nhập của lập trình viên từ số lượt download ứng dụng và tiền bán quảng cáo trong ứng dụng. Google dùng khoản tiền này chia cho các đối tác phân phối (như nhà mạng và các nhà xử lý thanh toán) và chi trả các loại phí. Tại Hội nghị Google I/O 2014, chính sách này đã thay đổi và Google sẽ giữ lại hầu hết doanh thu phát sinh từ Google Play. Apple giữ hầu như toàn bộ khoản 30% mà họ thu từ các lập trình viên ứng dụng.

Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường ABI Research, Google không nhất thiết phải làm “từ thiện” ở đây mà một phần vấn đề của Google nằm ở sự phân mảnh. Theo ABI, Android được dùng trong 77% số lượng smartphone toàn cầu vào quý IV/2013, thì 32% trong số 221 triệu thiết bị sử dụng phiên bản khá cũ (tăng hơn so với mức 20% cùng kỳ năm trước và 27% vào quý III/2013). Như vậy, có một số lượng lớn thiết bị Android không tạo ra doanh thu cho Google nên hãng đang cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của sự phân mảnh bằng cách “nâng tầm cho Google Play Services trở thành trung tâm (hub) cung cấp những tính năng mới của Android”. Kể cả như vậy thì bản chất chiến lược của Google là chia sẻ với nhiều bên trong hệ sinh thái của mình. Google không quan tâm đến việc kiếm doanh thu từ phần cứng hay phụ kiện và thậm chí kể cả phần mềm. Google quan tâm đến doanh thu quảng cáo hơn là doanh thu ứng dụng. Mục tiêu dài hạn của Google là lôi kéo thật nhiều người lên Internet, sử dụng web và tìm kiếm nhiều thứ hơn. Tầm nhìn của Google là càng có nhiều “con mắt” lướt web thì càng có tiềm năng bán được quảng cáo thông qua hoạt động tìm kiếm của người dùng. Google thông báo rằng, hãng đã trả cho các lập trình viên ứng dụng khoảng 5 tỷ USD trong khoảng thời gian giữa 2 lần tổ chức Google I/O 2013 và Google I/O 2014, đạt tốc độ tăng trưởng 2,5 lần so với cùng kỳ trước đó. Theo VisionMobile, hiện nay, mỗi lập trình viên iOS đang kiếm được khoảng 500-1000 USD/ứng dụng/tháng so với lập trình viên Android chỉ kiếm được từ 101-200 USD/ứng dụng/tháng.

Tuy nhiên, nếu ai cho rằng khoảng cách hiện nay về giá mua ứng dụng trên mỗi thiết bị iOS hiện cao hơn so với Android sẽ ngày càng tăng trong tương lai thì đó chỉ là tầm nhìn ngắn hạn. Thực tế hiện nay Apple đang giữ khoảng cách về “người dùng giàu” từ thị trường ở Bắc Mỹ và Tây Âu so với tập khách hàng của Google (Hình 3).

Hình 3. Thị phần toàn cầu quý 1/2014 của ứng dụng trên iOS và Android

(Nguồn: VisionMobile)

Ở các nền kinh tế đang nổi lên, đa số người dùng không thể mua được thiết bị giá cao của Apple. Khi nói đến “nền kinh tế đang nổi lên” là bao gồm cả Trung Quốc, được cho là sẽ có nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2014, và Ấn Độ với hơn 1 tỷ dân, cho thấy tương lai của Android rất xán lạn. Cho dù trong tương lai Apple vẫn kiếm được nhiều tiền hơn cho mỗi ứng dụng/thiết bị so với Google nhưng điều đó không khiến Google bận tâm vì Android có lợi thế về số lượng. Trừ một vài ngoại lệ, mô hình kinh doanh chủ đạo của Google vẫn luôn luôn là kiếm từng khoản tiền nhỏ cho mỗi giao dịch nhưng với số lượng giao dịch rất lớn. Điều đó cũng không có nghĩa là tương lai Apple sẽ tăm tối, chỉ đơn giản là các lập trình viên sẽ phải điều chỉnh chiến lược kiếm tiền của mình khác nhau đối với iOS và Android, tương tự như chính cách mà Apple và Google làm.

                                                (Theo Readwrite.com)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hệ sinh thái kinh doanh trên di động của Apple và Google
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO