Hình thành Chính phủ số vào năm 2025

PV| 11/03/2021 09:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại phiên họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) chiều 10/3, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong quý I hoặc đầu quý II/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược CPĐT hướng tới Chính phủ số; Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025.

Quý I hoặc đầu quý II/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược CPĐT hướng tới Chính phủ số - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

5 kinh nghiệm trong triển khai CPĐT

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CPĐT cho biết về kinh nghiệm xây dựng CPĐT. Cụ thể, Bộ trưởng đã nêu 5 kinh nghiệm trong triển khai CPĐT trong thời gian qua:

Thứ nhất, cần cơ quan điều phối thống nhất, cơ quan điều hành chung để tổng hợp, giám sát, thực thi, đánh giá, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn...

Thứ hai, cách làm hài hòa giữa tập trung và phân tán.

Thứ ba, luôn dùng công nghệ mới nhất, trong đó công nghệ số đang thay thế CNTT cho phép dùng các nền tảng số để triển khai đồng loạt, CPĐT vì thế cũng được thúc đẩy nhanh hơn.

Thứ tư, đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá bởi Việt Nam là nước đi sau, vì vậy, phải đi nhanh và đi trước thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng; chỉ khi có mục tiêu cao thì công nghệ mới thường tạo ra sự đột phá trong phát triển.

Thứ năm, cần ngân sách ổn định cho xây dựng CPĐT. Ở Việt Nam, địa phương, bộ, ngành có thể dùng 1% ngân sách hằng năm để phát triển CPĐT, đây là mức trung bình của thế giới.

Về định hướng phát triển CPĐT giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong quý I/2021 hoặc đầu quý II/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược CPĐT hướng tới Chính phủ số.

"Điều quan trọng nhất của Chính phủ số là cung cấp dịch vụ số cho người dân, toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số (CĐS) quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, quan điểm cơ bản phát triển Chính phủ số là: Toàn bộ hoạt động của Chính phủ an toàn trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng, đưa ra quyết định nhanh hơn, kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó là định hướng mở để người dân, DN và tổ chức khác nhau tham gia vào vận động của cơ quan nhà nước (CQNN), tương tác CQNN để tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ. CQNN cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, nền tảng là giải pháp đột phá, phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt, có thể sử dụng mọi nơi. Thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số vừa phát triển DN công nghệ số Việt Nam, coi Chính phủ số là thị trường phát triển công nghệ.

Các chỉ tiêu CPĐT cơ bản sẽ hoàn thành năm 2021 với trọng tâm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đạt 100%, còn Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025. Các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/24 theo nhu cầu, các dịch vụ công mới được cung cấp kịp thời và trên cơ sở dữ liệu mở.

Chiến lược Chính phủ số cũng đặt ra các mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và DN; sự vận hành tối ưu của CQNN dựa trên công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội như y tế, giáo dục, giao thông...

Chiến lược CPĐT hướng tới Chính phủ số đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng số quốc gia, phát triển nền tảng số quốc gia, phát triển dữ liệu quốc gia, phát triển các ứng dụng quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

"Chuyển đổi từ CPĐT sang Chính phủ số là chuyển đổi có tính căn bản, từ DVCTT thành dịch vụ số; khái niệm hệ thống CNTT được thay bằng nền tảng số; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận theo hướng dữ liệu; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước và người dân, DN; từ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thành thay đổi mô hình quản trị...", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Quý I hoặc đầu quý II/2021, Chính phủ sẽ phê duyệt Chiến lược CPĐT hướng tới Chính phủ số - Ảnh 2.

Thủ tướng trân trọng cảm ơn và đánh giá cao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ủy ban, các chuyên gia, DN đã có nhiều nỗ lực, tâm huyết trong xây dựng, triển khai CPĐT, CĐS trong thời gian qua. Ảnh: VGP

Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về CPĐT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng - Uỷ viên UBQG về CPĐT cho biết, đến nay phần lớn các nhiệm vụ, đề án tại Nghị quyết 17/NQ-CP đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai và hoàn thành. Các nhiệm vụ được hoàn thành góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển CPĐT thời gian qua, điển hình là việc xây dựng các văn bản pháp lý, các nền tảng, ứng dụng CPĐT quy mô quốc gia.

Một số kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong xây dựng CPĐT giai đoạn 2016-2020 cho thấy những cách làm hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trên 5 góc độ thành phần của Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam như: Phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL); phát triển nền tảng; phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết, đến nay, các giải pháp thiết kế tổng thể được triển khai đồng bộ và triển khai hình thức thuê dịch vụ. Tiểu biểu là TP. Đà Nẵng đã triển khai trước, thiết kế tổng thể, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho tất cả các cơ quan Đảng, HĐND và UBND các cấp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thay vì tự đầu tư, vận hành Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã triển khai hình thức thuê dịch vụ điện toán đám mây, kết quả Trung tâm dữ liệu đã hoạt động ổn định, hiệu quả, an toàn...

Đến hết năm 2020, hệ thống các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đã được hình thành trên quy mô quốc gia theo Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam; bao gồm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của mỗi bộ, tỉnh (LGSP) và các nền tảng này được kết nối với nhau thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh đã được phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của bộ, tỉnh và kết nối ra bên ngoài. Nếu như năm 2018 chỉ có 3 bộ, ngành, địa phương có LGSP thì đến năm 2020, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có LGSP và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

"Nêu hiệu quả về CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển CPĐT, thì CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (DN) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai đã tạo ra những cải cách lớn về đăng ký kinh doanh như: Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế trên toàn quốc; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký DN; tin học hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ về đăng ký DN".

Lợi ích kết nối CSDL quốc gia về Đăng ký DN đã phục vụ xác minh thông tin DN; DN không phải điền lại thông tin về đăng ký kinh doanh vào biểu mẫu điện tử mỗi khi sử dụng dịch vụ công; công chức xử lý hồ sơ thuận tiện, không phải nhập dữ liệu trên các phần mềm khác nhau...

"Những lợi ích này giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho xã hội. Khoảng 700.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam với hàng triệu lần thực hiện TTHC hàng ngày cho thấy việc kết nối, khai thác CSDL quốc gia về Đăng ký DN có thể giúp tiết kiệm cho xã hội một giá trị hữu hình và vô hình rất lớn".

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và vận hành các ứng dụng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và DN. Đến hết năm 2020, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Cổng dịch vụ công để cung cấp DVCTT, điều này giúp người dân dễ tiếp cận dịch vụ công, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các TTHC.

Trên 55% dịch vụ công của các CQNN đã được cung cấp trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4), cho phép người dân nộp hồ sơ TTHC và thanh toán qua mạng. Trong năm 2020, nhờ cách làm mới, tỷ lệ DVCTT mức độ 4 tăng mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trung bình cả nước là 1,42% thì đến năm 2020, tỷ lệ này là 30,86% (vượt mục tiêu 30% năm 2020).

Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử để tin học hóa quá trình tiếp nhận và quản lý quá trình xử lý hồ sơ TTHC, điều này giúp các CQNN nâng cao năng suất lao động và công khai, minh bạch các hoạt động của mình.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hình thành Chính phủ số vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO