Hơn 1,3 tỷ USD, đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021

Đỗ Phong| 05/12/2021 12:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2021 đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,35 tỷ USD. Trong đó có nhiều lĩnh vực đang rất "nóng" như: Fintech, game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…

Chiều ngày 04/12/2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học Công nghệ) tổ chức Hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia” và ra mắt Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ.

Hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo

Hội thảo hướng đến mục tiêu thu hút các chuyên gia công nghệ, trí thức kiều bào đưa ra các khuyến nghị, sáng kiến trong ứng dụng công nghệ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hỗ trợ cho sự phục hồi, hướng tới phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Cùng với đó là đối thoại, chia sẻ nhu cầu của các địa phương và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước với các chuyên gia kiều bào về kinh nghiệm thực tế, khuyến nghị xây dựng cơ chế chính sách thu hút, hỗ trợ kiều bào tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ tại hội thảo về hệ sinh thái startup Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho biết, đến nay Việt Nam đã có khoảng 3.800 startups, với 2 kỳ lân (VNG, VNPay) và có 11 startups được định giá trên 100 triệu USD (Momo, Tii, Topica Edtech,...). Đặc biệt, trong năm 2021 đã đạt con số kỷ lục hơn 1 tỷ USD đầu tư mạo hiểm cho hệ sinh thái.

Nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút đầu tư như công nghệ tài chính - Fintech, game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử… Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có sự bứt phá, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore và Indonesia).

Hiện nay, có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo…

Về mức tăng trưởng cho đầu tư cho khởi nghiệp của Việt Nam, trong năm 2016 đạt khoảng hơn 200 triệu USD, năm 2018 đạt 889 triệu USD và có sự biến động giảm trong năm 2020 so với năm trước do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, sang năm 2021 đầu tư khởi nghiệp đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,3 tỷ USD. Trong đó có nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút đầu tư như công nghê tài chính -Fintech, game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử… Hệ sinh thái của Việt Nam đã có sự bứt phá, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Indonesia).

Đến nay có hơn 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đầu tư tài chính cho startup, trở thành khách hàng và đối tác của startup cũng như chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn, kết nối mở rộng thị trường, dẫn dắt và tạo động lực cho hoạt động khởi nghiệp…

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được đánh giá đã từng bước được hình thành và phát triển. Trong đó, một số cá nhân/tổ chức đã đứng ra tập hợp và hình thành mạng lưới kết nối nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, các mạng lưới này vẫn đang gặp một số hạn chế, thiếu chia sẻ thông tin công khai dẫn đến trùng lặp hoạt động, thiếu đại diện tham gia vào các mạng lưới kết nối quốc tế…

Kết nối nguồn lực trí thức, chuyên gia kiều bào

Xuất phát từ thực tế này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số trọng tâm hoạt động trong triển khai Đề án 844 tại Quyết định số 188. Cụ thể cần hình thành một Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia với chức năng cầu nối thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo trong nước.

Hơn 1,3 tỷ USD, đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021 - Ảnh 2.

21 chủ tịch các Hội tri thức người Việt ở nước ngoài tham gia Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ

Trước đó, ngày 16/07/2021, Bộ Ngoại giao đã ký Thỏa thuận hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ về hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Thỏa thuận nhằm huy động, tập hợp nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, hình thành Mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ chuyên gia, trí thức và doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án 844 triển khai Chương trình Cố vấn Khởi nghiệp toàn cầu 2021, thu hút được hơn 50 chuyên gia kiều bào đăng ký tham gia với tư cách là cố vấn và 62 đơn vị khởi nghiệp tại Việt Nam đăng ký tham gia với tư cách là người tiếp nhận cố vấn.

Sự ra đời của Mạng lưới sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước ta; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Chương trình này là tiền đề tiến tới thành lập Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào ở các nước hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ. Mạng lưới này sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng trí thức kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước.

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu cho rằng, thông qua Mạng lưới, các cơ quan quản lý nhà nước có thể phát huy nguồn lực, cũng như lắng nghe phản hồi từ kiều bào về những vướng mắc khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện Văn phòng Đề án 844 đã công bố mạng lưới các Hội trí thức Kiều bào hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ với 21 vị chủ tịch các Hội tri thức người Việt ở nước ngoài, đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia.

Đánh giá cao nỗ lực của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án 844 đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để kết nối được với 21 Chủ tịch các hội trí thức Việt Nam tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Mạng lưới, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, sự ra đời của Mạng lưới sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước ta; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mạng lưới sẽ thông tin về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật nhất đến cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, thông tin về các thế mạnh của chuyên gia, trí thức kiều bào cũng sẽ được tập hợp và công bố để hướng tới các hoạt động liên kết tiềm năng, ông Tùng nói.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, những đóng góp của các vị chủ tịch hội trí thức, chuyên gia kiều bào sẽ là nguồn thông tin quý báu, đặt nền móng cho việc hoàn thiện cơ chế hoạt động của Mạng lưới, từ đó hướng Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn tầm thế giới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hơn 1,3 tỷ USD, đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO