Hướng tới một nền tài chính số toàn diện tại Việt Nam

Minh Thiện| 17/06/2022 18:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng số và phát triển ngân hàng mở sẽ tạo sức bật cho ngành tài chính – ngân hàng tại Việt Nam.

Mở rộng tối đa hệ sinh thái số ngành ngân hàng

Diễn đàn Dịch vụ tài chính và ngân hàng mở 2022 đã chính thức khai mạc ngày 17/6/2022. Sự kiện do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp cùng Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. Diễn đàn mang chủ đề "Phát triển hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam - Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng và bứt phá".

Hướng tới một nền tài chính số toàn diện tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Vũ Viết Ngoạn – Nguyên Chủ tịch, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia – phát biểu chào mừng

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh định hướng đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng số. Về sự phát triển của ngân hàng mở, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang triển khai hoạt động ngân hàng ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong năm 2019, một vài ngân hàng đã cho ra mắt các nền tảng API để có thể kết nối với các đối tác trong cùng một hệ sinh thái.

Đối với chứng khoán, nhờ vào các sản phẩm công nghệ như eKYC và blockchain mà các tài khoản giao dịch tăng nhanh. Theo trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 30/4/2021, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đã vượt 3,103 triệu tài khoản, trong đó 3,091 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 75% trong số họ ở độ tuổi dưới 35.

Bên cạnh đó, đối với ngành bảo hiểm tại Việt Nam, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 217.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16,71% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 57.880 tỷ đồng, tăng 3,98% so với cùng kỳ 2020; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 159.458 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Từ đó cho thấy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính số đang được đầu tư và đẩy mạnh trong thời gian gần đây.

Hướng tới một nền tài chính số toàn diện tại Việt Nam - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam cũng khá nhiều. Các dịch vụ tài chính số là lĩnh vực còn mới, nên hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn dẫn tới kìm hãm sự phát triển, công tác quản lý, giám sát hoạt động của các chủ thể trong hệ sinh thái tài chính số còn nhiều hạn chế. Không chỉ vậy, theo The Financialbrand.com, với xu hướng chia sẻ dữ liệu trở nên mạnh mẽ trong năm 2022, mô hình ngân hàng mở sẽ ngày càng phát triển, tạo ra nhiều biến đổi toàn diện với ngành tài chính ngân hàng. 

Bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á, akaBot cho biết: "Một trong những việc quan trọng mà doanh nghiệp cần phải thay đổi, đó chính là chiến lược quản trị thay đổi. Không chờ thay đổi đến để đáp ứng, mà cần chủ động dẫn dắt và quy hoạch mọi sự thay đổi".

Trước tình hình đó, Diễn đàn Dịch vụ tài chính và ngân hàng mở 2022 được tổ chức với mục đích trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, định hướng đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng số hướng tới hệ sinh thái tài chính số toàn diện tại Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp

Tại Diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và ngân hàng sẽ chia sẻ về bức tranh toàn cảnh về dịch vụ tài chính Đông Nam Á nói chúng và Việt Nam nói riêng, đưa ra những kiến nghị, giải pháp công nghệ nhằm phát triển dịch vụ tài chính và ngân hàng mở, từ đó tạo tiền đề cho tài chính số toàn diện tại Việt Nam.

Một số chủ đề tham luận chính được trình bày trong hội thảo bao gồm: Những thách thức và cơ hội đang thay đổi dịch vụ tài chính tại khu vực Đông Nam Á; dự báo xu hướng đổi mới công nghệ trong ngành Bảo hiểm tại Việt Nam; tối ưu hoá các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ sáng tạo trong kỷ nguyên số, gia tăng trải nghiệm tích cực cho khách hàng; sáng kiến nhằm tái cấu trúc và đầu tư công nghệ trên thị trường chứng khoán; xu ngân hàng mở trên phạm vi toàn cầu và tiềm năng phát triển tại Việt Nam; tổng quan về mô hình ngân hàng mở và hiện trạng tại Việt Nam.

Hướng tới một nền tài chính số toàn diện tại Việt Nam - Ảnh 3.

Diễn giả chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dịch vụ tài chính số và ngân hàng mở

Các phiên hội thảo chuyên đề vào buổi chiều cùng ngày cũng đề cập đến những công nghệ, giải pháp số tạo nên tính hiệu quả trong hoạt động tài chính – ngân hàng và hướng tới ngân hàng mở.

Đồng thời, trong khuôn khổ Diễn đàn Dịch vụ tài chính và ngân hàng mở 2022, Giải thưởng Dịch vụ tài chính tiêu biểu 2022 do IDG Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức cũng đã được trao cho nhưng ứng viên xuất sắc nhất.

Từ năm 2020, Ban tổ chức đã quyết định tách Giải thưởng Dịch vụ tài chính thành giải riêng, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các công ty tiêu biểu cung cấp dịch vụ tài chính có nhiều thành tựu trong quá trình chuyển đổi số, từ đó đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo, đạt hiệu quả cao trên 3 khía cạnh: nâng cao hiệu quả quản trị; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Năm 2022, IDG Vietnam đã tiến hành khảo sát đánh giá của khách hàng về trải nghiệm của họ đối với các dịch vụ của các công ty Bảo hiểm Nhân thọ và Bảo hiểm Phi nhân thọ. Trên cơ sở đó, Hội đồng bình chọn sẽ chấm điểm và bình chọn các đơn vị tiêu biểu đối với từng hạng mục giải thưởng căn cứ theo các nhóm tiêu chí khác nhau. Giải thưởng Dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2022 dành cho các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ bao gồm 03 hạng mục giải thưởng: Ứng dụng công nghệ thông tin – chuyển đổi số tiêu biểu; Sản phẩm dịch vụ sáng tạo tiêu biểu; Hệ thống trải nghiệm khách hàng tiêu biểu./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới một nền tài chính số toàn diện tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO