Huy động 28 triệu USD để đầu tư vào các công ty công nghệ trong nước

Hoàng Linh| 09/09/2020 10:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Công ty đầu tư mạo hiểm Do Ventures có trụ sở tại Việt Nam đã huy động được 28 triệu USD cho Quỹ đầu tư mạo hiểm của mình là Do Ventures Fund I để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước.

Công ty đã huy động được hơn một nửa mục tiêu gây quỹ (50 triệu USD) từ các nhà đầu tư tổ chức từ Hàn Quốc và Singapore bao gồm NAVER, Sea Group, Vertex Holdings và Woowa Brothers.

Do Ventures được đồng sáng lập bởi Lê Hoàng Uyên Vy, cựu CEO của trang TMĐT Việt Nam Adayroi.com và là đối tác chung tại ESP Capital, cùng với ông Nguyễn Mạnh Dũng, người từng là giám đốc tại công ty đầu tư mạo hiểm CyberAgent Capital tại Việt Nam và Thái Lan.

Quỹ huy động 28 triệu USD để đầu tư vào các công ty công nghệ trong nước - Ảnh 1.

Lê Hoàng Uyên Vy

Trao đổi với KrASIA, Lê Hoàng Uyên Vy cho biết vòng gọi vốn này bắt đầu vào quý đầu tiên của năm 2020 trong bối cảnh đại dịch.

"COVID-19 là một cuộc khủng hoảng chưa từng có gây khó khăn cho các khoản đầu tư, vì hầu hết các nhà đầu tư chưa thấy rõ bối cảnh tài chính toàn cầu và các hạn chế đi lại cản trở nghiêm trọng đến khả năng di chuyển của chúng tôi. Cụ thể, việc hạn chế đi lại đã ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch ban đầu của chúng tôi", cô nói.

Cô cũng cho biết thêm: "Từ quan điểm của các nhà đầu tư, chúng tôi thấy đây là thời điểm thích hợp để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ tận dụng những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng trong thời gian bùng phát COVID-19. Mặc dù đại dịch chắc chắn gây ra nhiều khó khăn không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi tin rằng đây cũng là thời điểm thuận lợi để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tiềm năng cao".

Do Ventures, được thành lập vào đầu năm nay, có kế hoạch đầu tư vào các công ty tiếp cận với dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh của Việt Nam. Uyên Vy cho biết quỹ sẽ được triển khai để đầu tư vào hai cấp công ty tại Việt Nam.

Quỹ huy động 28 triệu USD để đầu tư vào các công ty công nghệ trong nước - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Cấp đầu tiên bao gồm các nền tảng từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) "bổ sung cho hệ sinh thái dịch vụ hiệu quả xung quanh những khách hàng trẻ tuổi như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thương mại xã hội do những thay đổi đáng kể trong hành vi của khách hàng sau COVID-19".

Trong khi cấp thứ hai tập trung vào các nền tảng doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) được mở rộng theo quy mô khu vực, "tạo ra sự hiệp lực cho các công ty đầu tư cấp 1 và cho phép các công ty này mở rộng quy mô trong khu vực". Điều này bao gồm các công ty cung cấp giải pháp phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS), quản lý dữ liệu và dịch vụ TMĐT.

Cơ hội cho các công ty công nghệ

"Thị trường tiêu dùng Việt Nam đang ở điểm bùng phát và sẵn sàng đón đầu các công ty công nghệ với các sản phẩm sáng tạo. Chúng tôi rất hào hứng với cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước trong bối cảnh rất quan trọng này", ông Nguyễn Mạnh Dũng, đối tác đồng sáng lập của Do Ventures cho biết.

Hệ sinh thái Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và các nhà đầu tư, được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu mới nổi, tăng trưởng mạnh mẽ trong nền kinh tế số và văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Google-Temasek-Bain công bố vào năm 2019, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 43 tỷ USD vào năm 2025, với TMĐT đi đầu trong quá trình chuyển đổi này.

Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia vào tháng 5 năm nay, dự báo rằng 55% trong số 96 triệu người dân sẽ mua sắm trực tuyến vào năm 2025, trong khi doanh thu TMĐT trong nước sẽ đạt 35 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 10% tổng thu nhập từ dịch vụ và bán lẻ toàn quốc.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Huy động 28 triệu USD để đầu tư vào các công ty công nghệ trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO