Instagram: Kênh tương tác chính của chính phủ Singapore với người dân

Ngọc Diệp| 15/08/2022 15:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Singapore hiện có 5,3 triệu người dùng mạng xã hội (MXH), chiếm 89,5% tổng dân số cả nước. Trong đó, Instagram là nền tảng có mức độ tương tác cao, được nhiều bộ ngành sử dụng với mức độ tương tác trong nửa đầu năm 2022 tăng 14,18%, đạt 34,57%.

Hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của con người khi mang đến nguồn tài nguyên thông tin, tri thức vô hạn, những tiện ích trong kết nối, giao tiếp chưa từng có trước đây. Thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, mọi người có thể tiếp cận với khối lượng thông tin vô cùng phong phú, đa dạng, những kho tài liệu khổng lồ được cập nhật với tốc độ cao. Đồng thời, nó còn giúp mọi người giữ liên lạc với bạn bè và gia đình, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19.

Khi được sử dụng vào những mục đích tích cực, các phương tiện truyền thông xã hội sẽ tạo nên nhiều cơ hội lớn, mở ra sự giao lưu, kết nối, trao đổi, chia sẻ và thúc đẩy xã hội phát triển.

Một báo cáo mới đây về các nền tảng truyền thông xã hội được Chính phủ Singapore sử dụng trong nửa đầu năm 2022 (Singapore Government Social Media H1 2022) của Emplifi đã chỉ ra cách 30 hội đồng quản trị và 16 bộ ngành tại Singapore đang sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Instagram và YouTube để tương tác với người dân về một loạt các vấn đề như COVID-19, tiêm chủng, môi trường, dịch vụ quốc gia và các cuộc trò chuyện xã hội.

Điều thú vị là 5,3 triệu người dân Singapore sử dụng MXH, chiếm 89,5% dân số. Theo Varun Sharma, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Emplifi, đại dịch COVID-19, các chương trình tiêm chủng, các biện pháp đảm bảo an toàn khi đi lại, lũ lụt và các sáng kiến xã hội chỉ là một trong những chủ đề quan trọng mà khu vực công sử dụng MXH để trao đổi với người dân.

"Chúng tôi cũng nhận thấy sự tập trung ngày càng tăng vào việc tiếp cận thế hệ Millennials và thế hệ Z thông qua việc sử dụng Instagram và các nền tảng như Tik Tok. Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục cùng với sự kết hợp nhiều loại nội dung - video, truyện, phát trực tiếp - để thu hút tầng lớp nhân khẩu học trẻ tuổi", Sharma nói.

Theo nghiên cứu của Emplifi, xếp hạng nội dung được phát hành và mức độ tương tác trên 4 nền tảng trong nửa đầu năm 2022 tương tự như nửa đầu năm 2021. Theo đó, đã có 12.877 tweet, hay hơn một nửa nội dung, được xuất bản trên Twitter, nhưng chỉ có 39.954 tương tác (1,94%) từ nền tảng này. Trong khi đó, Facebook chỉ có 7.330 mẩu nội dung được xuất bản (29,06%) nhưng lại có lượng tương tác nhiều hơn, khoảng 1,24 triệu lượt (60,26%).

Instagram: Kênh tương tác chính của chính phủ Singapore với người dân - Ảnh 1.

Mức độ tương tác của các chiến dịch trên 4 nền tảng truyền thông xã hội phổ biến là Facebook, Twitter, Instagram và YouTube

Mặc dù có kết quả tích cực, lượng tương tác trên Facebook đã giảm 15,4% so với nửa đầu năm 2021. Mặt khác, Instagram tiếp tục mở rộng và trở thành một nền tảng quan trọng để kết nối người dùng trực tuyến, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ nửa đầu năm 2021 đến nửa đầu năm 2022, tỷ lệ phần trăm nội dung được xuất bản trên Instagram đã tăng 5,34% lên 3.797 bài đăng và mức độ tương tác tăng thêm 14,18% lên 710.688 tương tác.

Instagram và YouTube có mức độ tương tác cao

Do có tỷ lệ tương tác cao, Instagram là kênh chính được các bộ ngành trong khu vực công của Singapore lựa chọn để tương tác với người dân trong nửa đầu năm 2022. Ngược lại với nửa đầu năm 2021, YouTube đã vượt qua Facebook để trở thành nền tảng được tương tác nhiều thứ hai.

Vào năm 2022, các chiến dịch của Bộ Y tế với nội dung xoay quanh việc tiêm chủng và các biến thể của COVID-19 đã thu hút được số lượng tương tác cao nhất, đứng ở vị trí thứ nhất và thứ tư. Chiến dịch #CityInNatureSG của Ủy ban Công viên Quốc gia (NPB) đã thu hút được 70.799 lượt tương tác trên Facebook và Instagram, đứng thứ hai. Trong khi đó, chiến dịch NS55 (# NS55) của Bộ Quốc phòng Singapore (MINDEF) đứng ở vị trí thứ ba, và nội dung về lễ Ramadan và Raya của MuslimSG giành vị trí thứ năm.

Phần lớn các tương tác cho ba trong số năm chiến dịch hàng đầu trên đến từ Instagram và YouTube. Tương tác của #CityInNatureSG trên Instagram chiếm 66,74% tổng số tương tác, trong khi tương tác của MuslimSG trên Instagram chiếm 82,79% tổng số tương tác. Trong khi đó, 80,42% tương tác của chiến dịch NS55 của MINDEF bao gồm tương tác từ YouTube và Instagram.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi 88,7% người Singapore sử dụng YouTube trung bình hai giờ mỗi ngày và 4/5 người trong số họ chọn kênh này làm nền tảng yêu thích để xem video. Về Instagram, đây vẫn là một trong những nền tảng truyền thông xã hội được yêu thích nhất đối với thế hệ Millennials và cho phép các doanh nghiệp kết nối với khoảng 86% người dùng.

Thúc đẩy sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như một kênh chính để giao tiếp với người dân

Tiếp nối xu hướng năm 2021, người dùng vẫn tương tác cao với các cơ quan chính phủ trên MXH trong nửa đầu năm 2022. Báo cáo của Emplifi cũng cho thấy việc sử dụng MXH như một kênh truyền thông chính tiếp tục mang lại kết quả tích cực. Trong đó, nội dung về thương hiệu chiếm khoảng một nửa (54,52%) tổng số nội dung trên hồ sơ của chính phủ, với 2,05 triệu tương tác (97,21%). Còn nội dung do người dùng tạo chiếm 45,48% tổng số nội dung, với 58.666 tương tác (2,79%).

"Truyền thông xã hội là một công cụ chiến lược quan trọng đối với khu vực công và tư nhân. Tốc độ truyền tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội không thua kém bất kỳ kênh truyền thông nào khác. Cho dù đó là để cập nhật theo thời gian thực, trả lời câu hỏi hay chỉ đơn giản là để thể hiện khía cạnh thú vị hơn, các tổ chức chính phủ Singapore tiếp tục tận dụng tốt các phương tiện truyền thông xã hội để tiếp cận và tương tác với người dùng của họ", Sharma kết luận.

Người Singapore hiện tham gia kết nối thường xuyên nhất trên các phương tiện truyền thông xã hội vào năm 2022 và xu hướng này dường như không có dấu hiệu chậm lại - cho dù đó là xem video để giao tiếp với bạn bè và đồng nghiệp hay là dành thời gian trên các ứng dụng./.

Bài liên quan
  • Báo chí có nên trở thành mạng xã hội?!
    Với độ phủ toàn cầu của các mạng xã hội xuyên biên giới như hiện nay, báo chí đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Nếu không được nhận diện, và có cách thích ứng kịp thời, những thách thức này thậm chí có thể đe doạ đến sự tồn vong của từng cơ quan báo chí chứ không chỉ dừng lại ở việc làm lung lay vị thế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Instagram: Kênh tương tác chính của chính phủ Singapore với người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO