Internet băng rộng, điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế số - 5 chính sách thúc đẩy phát triển internet băng rộng

Minh Tâm| 13/11/2020 07:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nghiên cứu của Ericsson chỉ ra rằng, lưu lượng thoại tăng trung bình từ 20% đến 70% trên các hệ thống mạng với số lượng và thời lượng cuộc gọi gia tăng do có nhiều người sử dụng trong giai đoạn COVID-19.

Đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu đã dẫn tới sự bùng nổ dữ liệu, bởi người dùng trên thế giới dành nhiều thời gian hơn cho việc học và làm việc tại nhà theo chỉ thị và hướng dẫn của Chính phủ. Những thay đổi lớn về thói quen hành vi con người là nguyên nhân dẫn tới những thay đổi có thể định lượng trong việc sử dụng các mạng băng thông rộng di động trên thế giới. Một hình thức tương tác xã hội mới đã hình thành, ở đó kết nối Internet băng thông rộng cho phép nhiều hoạt động giải trí trong nhà cũng như các cuộc gặp gỡ ảo với bạn bè và người thân, vừa giúp đảm bảo an toàn.

Internet băng rộng, điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế số - 5 chính sách thúc đẩy phát triển internet băng rộng - Ảnh 1.

Các nghiên cứu của Ericsson chỉ ra rằng, lưu lượng thoại tăng trung bình từ 20% đến 70% trên các hệ thống mạng với số lượng và thời lượng cuộc gọi gia tăng do có nhiều người sử dụng trong giai đoạn COVID-19. Người dân đang dành nhiều thời gian để trực tuyến tại nhà, và kết quả là tạo ra nhiều lưu lượng hơn mỗi ngày. Truy cập băng thông rộng hiệu quả với mức cước phí hợp lý hiện là một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay cũng như trong định hướng phát triển bền vững của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có kế hoạch phát triển băng thông rộng quốc gia nhằm thúc đẩy chất lượng và phổ cập băng thông rộng, điều đó cho thấy cơ sở hạ tầng này đã trở nên quan trọng như thế nào. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thị trường băng thông rộng toàn cầu cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này phân bổ không đồng đều. Truy cập băng thông rộng cho tất cả người dùng ở các quốc gia đang phát triển đã không được thực hiện đầy đủ. 

Các vấn đề chính sách phát triển băng rộng thường được thảo luận như một xem xét lại hoặc như một đề xuất đầy hứa hẹn cho cuộc cách mạng công nghệ với đầu tư tối thiểu. Chính sách băng thông rộng là một khoản đầu tư thông minh - khi được thực hiện đúng. Nếu triển khai sai, chi phí cho thiết bị đầu cuối và dữ liệu là quá đắt đỏ sẽ khiến cho nhiều người không thể sử dụng mạng và việc phủ sóng sẽ bị giới hạn cho toàn bộ cộng đồng hoặc một khu vực.

Chính sách băng rộng có thể giúp các nền kinh tế phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội, nhưng nó cần cam kết cấp cao để mở rộng kết nối và xây dựng nền tảng rộng lớn cho nền kinh tế số tăng trưởng.

Công nghệ đã đến gõ cửa nền kinh tế và khiến cho tất cả mọi thứ đều thay đổi. Cũng bởi vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng những chiến lược riêng nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Những nghiên cứu điển hình ở một số quốc gia chỉ ra 5 chiến lược mà các nhà hoạch định chính sách có thể thực hiện để giảm giá cước truy cập Internet, mở rộng kết nối và xây dựng nền kinh tế số phát triển mạnh.

1. Thực hiện các kế hoạch băng rộng đầy tham vọng, với tầm nhìn dài hạn và bao gồm cả các mục tiêu

Các quốc gia như Malaysia và Colombia luôn đạt điểm cao về Chỉ số đánh giá khả năng chi trả (Affordability Drivers Index) vì cả hai quốc gia này đều có tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch băng rộng quốc gia và các bước thực thi chính sách được điều chỉnh thường xuyên. Ở Malaysia, sáng kiến băng thông rộng quốc gia ưu tiên kết nối các cộng đồng nông thôn để tạo ra nhu cầu Internet toàn diện, phổ biến. Malaysia hiện đang là một trong những thị trường băng rộng di động cạnh tranh nhất thế giới. Các nhà chức trách ở Colombia cũng cung cấp một môi trường chào đón đầu tư vào lĩnh vực băng rộng của quốc gia.

2. Sử dụng sóng vô tuyến để tăng trưởng hoạt động kinh tế

Phổ điện từ - sóng vô tuyến truyền tín hiệu giữa trạm phát sóng và điện thoại di động hoặc bộ định tuyến Wi-Fi và máy tính - thường có giá rất cao. Điều này có nghĩa là chỉ một số ít tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng phổ tần và một số không nhiều các doanh nghiệp có đủ tiền để mua phổ tần hỗ trợ phát triển mạng. Các quốc gia như Myanmar đã thấy sự truy cập tăng lên khi giá phổ tần phải chăng và Mexico cũng là một ví dụ điển hình về chính sách quy định truy cập phổ tần vào các mạng cộng đồng, địa phương cho người dân trong nước. Tương tự, Argentina đã điều chỉnh mô hình để cho phép các mạng cộng đồng được công nhận và sử dụng phổ tần hợp pháp.

3. Coi điện thoại di động như một phần trong cuộc sống của người dân

Đối với hàng triệu người, một chiếc điện thoại thông minh không còn là một thiết bị xa xỉ: một chiếc điện thoại di động giúp các gia đình ở bên nhau, cộng đồng được thông báo và các quốc gia được gắn kết. Điện thoại di động là điểm khởi đầu cho nhiều người tham gia vào nền kinh tế số, tuy nhiên với đại bộ phận dân chúng, chi phí cho điện thoại thông minh vẫn là một rào cản - là một lý do tại sao mọi người không thể đủ khả năng để kết nối. Các quốc gia như Kenya và Colombia đã miễn thuế đối với các thiết bị này, và các quốc gia khác như Costa Rica thậm chí còn tài trợ thiết bị cho các nhóm dễ bị tổn thương.

4. Xây dựng mạng lưới đường trục băng thông rộng quốc gia

Băng thông dung lượng cao trên mạng lưới đường trục này rất cần thiết để hỗ trợ các luồng dữ liệu lớn cho phép kết nối Internet tin cậy để sử dụng trong kinh doanh, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác. Các cơ quan chính quyền, văn phòng tại Ugandan có thể chuyển nhiều dịch vụ lên mạng, vì quốc gia này có mạng lưới đường trục để hỗ trợ cho các nhân viên của mình. Cuộc sống trực tuyến làm thay đổi những người dân ở quốc đảo Vanuatu khi lần đầu tiên họ được kết nối Internet qua đường cáp quang biển.

5. Đầu tư vào truy cập nơi công cộng

Cuối cùng, truy cập công cộng mở ra nền kinh tế số cho nhiều cộng đồng mới. Ở cả đô thị và nông thôn, truy cập công cộng như các điểm truy cập Wi-Fi, trung tâm cộng đồng, thư viện và các tổ chức khác, giúp kết nối tất cả mọi người và giúp mở rộng trợ cấp dữ liệu trung bình cho người dùng, đặc biệt là những người cố gắng để trả chi phí kết nối tin cậy. Nhờ đó sẽ tạo ra những cơ hội mới và củng cố nền kinh tế. Măc dù có những rào cản từ địa hình địa lý và mức thu nhập trung bình của người dân thấp, nhưng những quốc gia như Bolivia đã có thể đạt được những bước tiến đầy hứa hẹn đối với kết nối, do đầu tư vào các giải pháp truy cập tại công cộng. Kinh nghiệm của Ấn Độ với dự án Sanchar Shakti cũng đã cho thấy cách làm cho các dự án truy cập công cộng này bao gồm một số lượng người nhiều nhất.

Năm điểm can thiệp chính sách này sẽ hỗ trợ mở rộng kết nối và giúp truy cập Internet có giá phải chăng hơn. Chính sách băng rộng xác định môi trường mà nền kinh tế số sẽ phát triển: nền kinh tế đó có cơ hội phát triển lớn nhất khi các nhà hoạch định chính sách xây dựng nền tảng rộng, bao gồm cho mọi người có thể sử dụng và thu lợi từ truy cập Internet với mức giá phải chăng.

Tài liệu tham khảo

1. https://a4ai.org

2. https://edition.cnn.com

3. https://www.brookings.edu

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 13+14 tháng 10/2020)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Internet băng rộng, điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế số - 5 chính sách thúc đẩy phát triển internet băng rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO