Khẩn trương phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông

Lan Phương| 19/12/2019 16:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều giải pháp để khẩn trương phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đã được trao đổi tại Hội thảo định hướng chính sách chương trình phát triển công nghiệp ICT giai đoạn 2021 – 2030.

Hội thảo được Bộ TTTT tổ chức ngày 19/12, nhằm xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4.

Để chương trình đạt được hiệu quả cao nhất, với tinh thần cầu thị, đổi mới trong cách làm, hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN), Bộ TTTT đã tổ chức chuỗi hội thảo trên toàn quốc tại 3 miền.

Các hội thảo tập trung thảo luận, xin ý kiến các đại biểu về các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chính cho việc phát triển công nghiệp CNTT trong giai đoạn 5 năm.

Ngành xuất khẩu chủ đạo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu phát triển công nghiệp ICT của đất nước.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm phát biểu

Trong những năm gần đây, công nghiệp ICT, chủ yếu gồm điện tử, CNTT và viễn thông, là ngành kinh tế quan trọng, y có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao.

Trong giai đoạn 5 năm 2014 - 2019, ngành công nghiệp CNTT đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu ước tính đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 31,1%/năm, hình thành đội ngũ lao động công nghệ số với hơn 1 triệu người.

Năm 2019, các DN CNTT đã nộp ngân sách trên 53.000 tỷ đồng. Hai mặt hàng công nghiệp CNTT giữ vững vị trí Top 3 trong 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019. 5 năm qua cũng ghi nhận sự cố gắng của nhiều địa phương trong phát triển công nghiệp CNTT.

Ngoài 3 thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đã có thêm 5 tỉnh, thành phố tham gia vào nhóm địa phương có doanh thu trên 1 tỷ USD là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng. Cũng đã có tới 8 địa phương có số lượng doanh nghiệp (DN) trên 1.000 là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế và Lạng Sơn; 15 địa phương có số lượng lao động CNTT trên 10.000.

Tuy vậy, trong 2 năm gần đây, Thứ trưởng cho biết: ngành công nghiệp CNTT cũng đã bộc lộ một số vấn đề, cụ thể như: tăng trưởng doanh thu đã chững lại, năm 2019 tăng trưởng giảm xuống còn 9,8%; ngành công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông vẫn phụ thuộc nhiều vào các DN FDI, trong đó các DN FDI chiếm tới trên 90% doanh thu xuất khẩu.

Các DN nội địa hiện chủ yếu tham gia vào khâu có giá trị gia tăng chưa cao như lắp ráp phần cứng, gia công phần mềm. Chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc mang thương hiệu Việt.

Định hướng của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực ICT đã nêu rõ “Phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo (Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018).
Để cụ thể hóa định hướng chỉ đạo của Đảng, Thứ trưởng cho biết thêm: Bộ TTTT đang khẩn trương xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc CMCN lần thứ tư, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong quý I/2020.

Dự thảo mục tiêu, giải pháp của chương trình

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT, Bộ TTTT đã giới thiệu dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới CMCN 4.0.

Chương trình đặt mục tiêu xây dựng được 10 DN CNTT trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Nâng cao sức cạnh tranh 500 DN nhỏ và vừa (SME) nhằm tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, 50 DN đạt các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng.

Về công nghệ/sản phẩm, dịch vụ: Nghiên cứu, sản xuất  đáp ứng 100% nhu cầu trong nước và xuất khẩu các thiết bị viễn thông đầu cuối và hạ tầng mạng viễn thông thế hệ mới phù hợp xu hướng phát triển công nghệ; Phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ 4.0: AI, IoT, AR, VR, phân tích dữ liệu… để đáp ứng các yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia…

Về nhân lực, Chương trình hỗ trợ đào tạo cho 2000 lượt cán bộ quản lý, kỹ thuật của các DN; nâng cao năng lực quản lý về công nghiệp  CNTT cho 1000 cán bộ của cơ quan nhà nước (CQNN); Nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo nâng cao năng lực quản lý về công nghiệp CNTT; Tập trung xây dựng 20 trường Đại học và 20 trường Cao đẳng chất lượng cao về CNTT; Đảm bảo đáp ứng nhu cầu về phát triển nguồn nhân lực CNTT trong nước về số lượng và chất lượng trong đó chú trọng đến chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường thế giới…

Toàn cảnh Hội thảo

7 giải pháp của chương trình, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; Nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ phát triển về công nghiệp CNTT tại Bộ TTTT và Sở TTTT các địa phương; Nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh của các tổ chức, DN CNTT, Điện tử - Viễn thông; Xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; Phát triển công nghệ, sản phẩm ưu tiên; Phát triển nguồn nhân lực CNTT và Thông tin quảng bá, xây dựng thương hiệu.

Ông Tuyên cũng cho biết: trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm các nước nước để phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT, Hàn Quốc là một quốc gia phù hợp và đi trước. Ngành công nghiệp ICT Hàn Quốc không đặt ra nhiều chỉ tiêu, chỉ tập trung 3 thành phần: nhân lực, xuất khẩu tăng trưởng nhanh trên 20%, hỗ trợ nhiều cho start-up .

Hàn Quốc tập trung đầu tư cho công nghệ 4.0 mới nổi (đăng ký thương hiệu, bản quyển, sở hữu trí tuệ); Nâng cao năng lực DN. Hiện nay các DN lớn của Hàn Quốc (chaebol) đã qua giai đoạn xây dựng DN chaebol và các DN này quay lại hỗ trợ đào tạo cho các DN khác, thông qua nhiều trung tâm, khu công công nghệ cao; Phối hợp với - Hiệp hội đào tạo cho những người có kiến thức công nghệ mới (tập trung đào tạo kỹ sư đang làm việc, những người đã tốt nghiệp mà chưa có việc làm).

Nhiều đề xuất phát triển công nghiệp ICT

Chia sẻ về thu hút DN FDI và phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT tại Bắc Ninh, ông Nghiêm Bá Hách, Phó Giám đốc Sở TTTT tỉnh cho biết: Sau hơn 20 năm thu hút đầu tư FDI, Bắc Ninh đã đạt kết quả nhất định, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng. Đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh có 1429 dự án đến từ 32 quốc gia với 18,3 tỷ USD, riêng Hàn Quốc 10 tỷ USD

Cơ cấu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh gồm 3 ngành nghề chính: công nghiệp điện tử điển hình với các DN Samsung, Canon…; công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghệ chế biến nông lâm sản phẩm. Kinh nghiệm của Bắc Ninh là xây dựng hình ảnh thu hút, đẩy mạnh cải cách hành chính…

Để phát triển công nghiệp ICT, đại diện của Sở TTTT Bắc Ninh kiến nghị 3 nội dung: Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển cho các DN tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất điện tử; Tăng cường vai trò của các tổ chức Hội nghề nghiệp và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển công nghiệp phụ trợ công nghiệp điện tử.

Đại diện Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINISA), bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký cho biết: Phải đẩy số lượng DN vừa và nhỏ, startup - là động lực phát triển của ngành công nghiệp ICT; Phát triển DN làm sao phải chất lượng.

Muốn phát triển, theo bà Giang cần đặc biệt tập trung cho đào tạo, đào tạo cho cả người sử dụng, DN, các cơ quan khác nhau; cần bổ sung thêm đào tạo trực tuyến, xây dựng chương trình xúc tiến cụ thể.

Đồng tình về nội dung đào tạo, đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, để phát triển ngành, nhà nước phải có vai trò kết nối nhà máy, nhà trường, nhà nghiên cứu hiện cho việc việc đào tạo.

Chương trình đào tạo phải phù hợp để đầu ra đáp ứng công việc trong khi các DN điện tử, các kỹ sư vào phải đào tạo lại. Cần các trường nghề vào cuộc bởi vì hiện nay nhiều DN thậm chí phải đưa người được tuyển dụng đi đào tạo nước ngoài.

Bên cạnh đó, đại diện VEIA, cũng đề xuất: cần chú trọng đào tạo nhân lực mang tính thực hành và đầu tư trang thiết bị cho thực hành. Hiện, lương trung bình của công nhân làm trong lĩnh vực điện tử khoảng 7,5 triệu đồng, kỹ sư và quản lý trung bình gấp 1,5 lần lương công nhân, theo đó, cần phải định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ.

Ông Trần Hữu Quyền, Tổng Giám đốc VNPT-Technology cho biết: việc đào tạo mang tính thực tiễn cần giải pháp xã hội hoá. Có thể yêu cầu DN FDI khi vào Việt Nam phải vào đào tạo nguồn lực, phải có khung thời gian rõ ràng, như 3 - 5 năm hỗ trợ nâng năng lực của người Việt Nam đến tầm nào. Các DN FDI phải mở Lab ở một số trường, trong khoảng 3 năm về một số công nghệ lõi cho CMCN 4.0.

Theo ông Quyền, một số DN lớn như FPT, Vingroup, Viettel… cũng mong muốn tham gia đóng góp cho nghiên cứu phát triển (R&D). Tuy nhiên, DN tư nhân triển khai dễ, nhưng DN nhà nước có quỹ R&D nhưng bị giới hạn. Bộ TTTT cần có kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính để DN có thể tham gia đóng góp đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất cần có chính sách, cơ chế phát triển SME, startup, phát triển thị trường trong và ngoài nước, làm chủ công nghệ lõi…

Theo các đại biểu, phát triển DN công nghiệp ICT, điều quan trọng nhất là cần cơ chế và môi trường. Bộ TTTT có thể phối hợp liên ngành xây dựng các chính sách cho từng mảng công nghiệp thuộc như phần mềm, phần cứng, điện tử, nội dung số riêng và có thể phối hợp liên ngành để có những chính sách phát triển ngành thực tiễn bởi mỗi mảng công nghiệp ICT lại có yêu cầu, đặc thù riêng.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO