Không gian số - Nhân tố mở đường cho sự phát triển các ngân hàng thời đại 4.0

Yên Viên| 13/11/2020 09:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghệ số đang là một xu hướng tất yếu hỗ trợ các ngân hàng. Điều này không chỉ nhằm giảm thiểu mọi thủ tục giấy tờ hành chính, thúc đẩy các giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước, đặc biệt là kinh tế số.

Việc ra đời các ngân hàng số hay chuyển đổi số ngành ngân hàng, đều tựu chung cùng mục đích đổi mới để phát triển.

Nhiều ngân hàng số ra đời

Như vậy, trên lợi thế tích cực, ngân hàng số (Digital Banking) có ưu điểm thực hiện các giao dịch nhanh, tiện lợi trên phương thức trực tuyến, môi trường mạng. Nhờ điều này khách hàng được đảm bảo tăng tăng lợi ích tương tác, giảm chi phí tăng tính bảo mật cao.

Còn chuyển đổi số ngành ngân hàng chính là việc đưa ra các định hướng nhằm tăng cường thực hiện đầu tư cho công nghệ, thay đổi toàn bộ về cách thức ngân hàng và các tổ chức tín dụng tương tác, phục vụ khách hàng.

Tiêu biểu các ngân hàng số được ra đời thời gian qua được nhắc đến như: VPbank, Vietcombank, MBbank, LienVietPostbank, Techcombank…

Cụ thể, VPBank đã phát triển, ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo. Đây là mô hình mang lại cho khách hàng những trải nghiệm giao dịch tài chính tiện lợi, không có văn phòng làm việc cố định, mọi việc liên quan đến thẻ, hay các giao dịch đều được thực hiện qua môi trường mạng.

Cũng nhằm tối ưu hóa trên môi trường mạng như Timo, ngân hàng Vietcombank ra mắt dịch vụ số VCB Digibank để thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking. VCB Digibank đã giúp khách hàng thực hiện các giao dịch đồng nhất trên môi trường trực tuyến với số tiền cao lên đến 03 tỷ đồng/giao dịch.

Không gian

Chuyển đổi số giúp Vietcombank giảm bớt các TTHC, giao dịch tại quầy.- Ảnh Quang Định

Không thua kém các đơn vị cùng ngành, ngân hàng số Quân đội MBbank đưa ra sản phẩm dịch vụ số ứng dụng MBbank trên thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng), sử dụng hiệu quả, đơn giản, an toàn.

Còn với ngân hàng LienVietPostBank, đưa ra ứng dụng Ví Việt và LienViet24h. Qua ứng dụng, khách hàng dễ dàng đăng ký và định danh online chỉ sau một vài phút thao tác trên thiết bị di động có kết nối Internet.

Như vậy, việc ra đời các ngân hàng số là một hướng đi đúng đắn, đây cũng là hướng đi phù hợp với chủ trương của hệ thống ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Chủ trương đúng đắn và những kết quả "vàng" từ việc số hóa hệ thống các ngân hàng

Để tiến trình ngân hàng số, chuyển đổi số phát triển luôn cần đường lối, chủ trương phù hợp. Còn nhớ, sự kiện cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ra mắt Trung tâm Ngân hàng số, đây là sự thể hiện ý chí, tinh thần quyết tâm cao trong chiến lược phát triển đơn vị kinh doanh dịch vụ tiền tệ, đặt mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2030 của ngân hàng, trong đó công nghệ và ngân hàng số là một trong 3 trụ cột chính để tạo nên một trung tâm ngân hàng số chuyên biệt.

Đến nay, sau thời gian hoạt động Trung tâm đã hỗ trợ hệ thống các ngân hàng tập trung nguồn lực đẩy nhanh chuyển đổi số trên nhiều mặt hoạt động, trong đó có việc xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh phân phối hiện đại như Web chat, Facebook, Youtube, tối ưu hóa các kênh tự phục vụ (e-zone) tại phòng giao dịch, phát triển các ứng dụng BIDV SmartBanking, BIDV Home; ứng dụng blockchain, công nghệ mới về robotics và trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo báo cáo nghiên cứu của NHNN, hiện nay, có 42% các ngân hàng ở Việt Nam coi ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của họ, 94% các ngân hàng ở Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực này ở các mức độ khác nhau.

Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng về Mobile Banking đạt là 200% và hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày. Đồng thời, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Không gian

Các ngân hàng đang nỗ lực "số hóa" hoạt động để mang lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng - Ảnh Internet

Hiện nay, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tài chính cũng ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng thông qua các phương thức giao dịch trực tuyến (trong 6 tháng đầu năm 2020, lưu lượng thanh toán không dùng tiền mặt tăng 180%, nhiều ngân hàng báo cáo tỉ lệ giao dịch tại kênh chi nhánh còn dưới 10%).

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn triển khai, phát triển mạnh, hiệu quả ứng dụng CNTT và các thành phần như: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng CNTT nội bộ và dịch vụ trực tuyến của ngân hàng. Đặc biệt đã áp dụng việc thanh toán qua công nghệ xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc học, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS.

Khẳng định về sự cần thiết của việc chuyển đổi số, tại một cuộc hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng", Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã nhấn mạnh: NHNN sẽ hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng thông qua hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo thuận lợi để lĩnh vực ngân hàng bứt phá, đổi mới sáng tạo những vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế rủi ro, thách thức.

Như vậy, cũng chính nhờ có những bước đi đổi mới đó, hệ thống NHNN đã nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm thời gian trong quản trị và điều hành hoạt động ngân hàng mà còn là động lực tăng lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ mở rộng thêm các thị phần tài chính, tín dụng tại Việt Nam.

Không gian số đảm bảo sự phát triển cho các ngân hàng

Nói về việc đảm bảo cho các mục tiêu số phát triển hệ thống các ngân hàng không thể không nhắc đến vai trò hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ngành, đoàn thể và ý kiến đóng góp, xây dựng của các chuyên gia, các nhà kinh tế, CNTT.

Tích cực trong thời gian vừa qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước với thế mạnh công nghệ, Bộ TT&TT đã cùng NHNN tháo gỡ vướng mắc, xây dựng, mở rộng hành lang pháp lý, thúc đẩy giao dịch và thanh toán không dùng tiền mặt: sửa đổi yêu cầu về định danh khách hàng, đề xuất sửa đổi trong quy chế về ngân hàng đại lý, cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính, mở rộng thêm các giấy phép trung gian thanh toán…

Minh chứng cho điều này, gần đây, tại buổi làm việc với Ngân hàng Quân đội (MB) về việc chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, ngân hàng số không chỉ đơn thuần là ứng dụng CNTT vào lĩnh vực ngân hàng mà còn là việc xây dựng nên một công ty công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng để giải quyết những "nỗi đau" trong xã hội. "Nỗi đau", nghĩa là làm sao để một người nông dân không có lịch sử giao dịch với ngân hàng thì nay cũng có thể dễ dàng vay được tiền mua hạt giống và thuốc trừ sâu.

"Ngân hàng số phải là một bộ phận hoàn toàn độc lập, có không gian số, mục tiêu riêng chứ không phải chỉ là công cụ để bán hàng", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Ngoài những ghi nhận từ phía Bộ TT&TT còn nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc của các chuyên gia khác. "Số hóa sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng như gia tăng doanh thu, tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo khả năng phát triển đột phá so với đối thủ" TS. Cấn Văn Lực tại cuộc hôi thảo số ngành ngân hàng.

Số khác ý kiến cho rằng, ngân hàng cần nghiên cứu và tiếp tục phát triển hơn các phương thức thanh toán hiện đại, có tính công nghệ cao, công nghệ số, ứng dụng công nghệ thanh toán 4.0 gắn với hoạt động thanh toán thẻ như thanh toán trực tuyến qua Internet, điện thoại di động, thanh toán nhanh bằng QR Pay, thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, công nghệ kết nối vạn vật, thanh toán không tiếp xúc.

Đặc biệt, đối với hoạt động định hướng chuyển đổi số trong các ngân hàng cần phải tập trung hơn nữa công tác: Bảo mật thông tin, đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khách hàng; phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, kết nối với các ngành, lĩnh vực; chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, chú trọng công tác đào tạo tăng nguồn nhân lực có chất lượng cao…

Vẫn biết, chuyển đổi số luôn là những thách thức, nhưng nhờ thách thức, giá trị mới mới được tạo ra. Và trước những lợi thế ngành ngân hàng đang có, cùng sự đồng hành, quan tâm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các ý kiến các chuyên gia, chuyên ngành CNTT, chúng ta luôn tin tưởng ngành ngân hàng sớm đạt những bước tiến số xa hơn, vì mục tiêu phục vụ lợi ích nhân dân, phát triển kinh tế đất nước ngày hùng cường.

Bài liên quan
  • Khát vọng về Đại học số 1 về công nghệ số
    Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo và định hướng quan trọng về hướng phát triển của Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) trong thời gian tới tại buổi thăm và làm việc với Học viện ngày 19/3.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Không gian số - Nhân tố mở đường cho sự phát triển các ngân hàng thời đại 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO