Kinh tế nền tảng đóng góp như thế nào cho sự phát triển bền vững?

Tuấn Trần| 23/07/2021 07:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Những công ty công nghệ nền tảng thành công nhất hiện nay là những nơi đã phá vỡ trật tự tự nhiên trong kinh doanh và đời sống.

Các công ty công nghệ nền tảng như Netflix, Facebook, Amazon, Uber, Airbnb... và sự ra đời của tiền điện tử đã đạt được những thành công bền vững do mức độ đổi mới của họ khiến cho các "hoạt động kinh doanh truyền thống", và "cuộc sống như bình thường" trở nên lỗi thời.

Kinh tế nền tảng đóng góp như thế nào cho sự phát triển bền vững? - Ảnh 1.

Kinh tế nền tảng đang là ưu tiên của các chính phủ trên toàn cầu.

Sự cần thiết của các mục tiêu phát triển bền vững

Kinh tế nền tảng đang là ưu tiên của các chính phủ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã nêu rõ "Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả". Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp (DN) ra mắt nhiều nền tảng số cho phép chia sẻ dữ liệu; kết nối cộng đồng; hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc "Lấy người dân làm trung tâm"; cùng chung tay triển khai các hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội; góp phần đẩy nhanh công cuộc CĐS ở Việt Nam.

Cơ sở hoạt động của mô hình kinh tế nền tảng là ưu tiên lợi nhuận xã hội thay vì lợi nhuận tài chính đơn thuần. Kinh tế nền tảng đã làm thay đổi nhiều lĩnh vực, bao gồm: bán lẻ, vận tải, nhà ở và tài chính...  

Tầm quan trọng của kinh tế nền tảng sẽ gia tăng do ngày càng có nhiều người dùng, và người làm. Hiện nay hầu hết các nền tảng trực tuyến còn khiêm tốn về số lượng việc làm và doanh thu khi so sánh với các DN truyền thống, nhưng khi phát triển mạnh trên quy mô toàn cầu thành các DN trị giá hàng tỷ USD - trong một số trường hợp - tác động của chúng là không khó để hình dung.

Đặc biệt, các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc (LHQ), được thiết kế để giúp thế giới có một tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn cho tất cả mọi người, thể hiện lời kêu gọi khẩn cấp hành động vì quan hệ đối tác toàn cầu giữa các nước phát triển và đang phát triển, giống như sự hợp tác trong nền kinh tế nền tảng. Theo các quan chức LHQ, việc chấm dứt nghèo đói phải đi đôi với các chiến lược như SDG, nhằm cải thiện sức khỏe, giáo dục và môi trường, giảm bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

SDG bao gồm 17 mục tiêu, và được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Chúng đóng vai trò nòng cốt trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của LHQ. Chương trình này kêu gọi các bước đi táo bạo và mang tính chuyển đổi để thế giới phát triển bền vững và linh hoạt. Các mục tiêu này được dự kiến sẽ thúc đẩy hành động trong 15 năm tới, giúp tăng trưởng kinh tế đồng đều, bền vững, cũng như việc làm cho tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia. Trong số 17 SDG, có 8 mục tiêu liên quan đặc biệt đến nền tảng số, do đó có thể làm nổi bật các tác động mà DN công nghệ nền tảng có thể mang lại.

Vai trò của tích hợp và mục tiêu bền vững

Mô hình kinh tế nền tảng cho phép các tương tác tạo ra giá trị giữa người sản xuất và người tiêu dùng, dựa trên một hệ sinh thái tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ cần thiết trao đổi các giá trị ấy. Nếu SDG được coi là chất xúc tác cho sự thay đổi, thì các công ty nền tảng cần phải đẩy nhanh sự thay đổi đó để trở thành động lực chính cho sự phát triển bền vững.

Các nhà tích hợp hệ thống và dịch vụ đóng vai trò quan trọng đối với SDG do họ có khả năng cung cấp cho người dùng các dịch vụ và công cụ quản lý tài chính được cá nhân hóa, cũng như đóng vai trò là cầu nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và khách hàng của họ. Hiểu biết về dữ liệu tài chính có thể hỗ trợ việc xác định các lựa chọn tài chính trong tương lai, dẫn đến khả năng tiếp cận sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn, đồng thời giúp cho các tổ chức hiểu rõ khách hàng hơn. Lĩnh vực tài chính là điểm nổi bật của SDG, các ngân hàng, công ty viễn thông... đã triển khai công nghệ di động và kỹ thuật số để thay đổi nền kinh tế, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận của các dịch vụ tài chính (như tín dụng, bảo hiểm...) cho những nhóm dân cư vốn chưa có điều kiện tiếp cận.

Tại Việt Nam, theo GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM: "Fintech đang trong giai đoạn bắt đầu phát triển ở Việt Nam, ngành này được dự báo sẽ phát triển mạnh nhằm cung cấp nguồn vốn linh hoạt cho các DN vừa và nhỏ, chiếm phần lớn tổng số DN tại Việt Nam nhưng khó tiếp cận về nguồn vốn".

Các trình tổng hợp ngày nay, bao gồm cả nền tảng như các cổng thanh toán, cũng sẽ được thực hiện theo hướng sáng tạo, được thúc đẩy bởi công nghệ tài chính nhúng (embedded finance), đặc biệt là khi hành vi thay đổi, và kỳ vọng của khách hàng do đại dịch Covid-19. 

Một nghiên cứu được thực hiện vào thời điểm cuối năm 2020, dựa trên một cuộc khảo sát với gần 150 giám đốc điều hành fintech (công nghệ tài chính) và các nhà lãnh đạo trong ngành tài chính đã dự đoán: tài chính nhúng sẽ thống trị ngành vào năm 2030, điều này trùng hợp với chương trình nghị sự của LHQ về SDG. Họ cũng kỳ vọng tài chính nhúng sẽ thay đổi cấu trúc thị trường và mô hình kinh doanh vào năm 2030. 

Hiện tại, các khoản thanh toán đang được thực hiện theo hướng nói trên, với các ứng dụng taxi, các trang thương mại điện tử... Người ta cũng dự đoán, các công ty phần mềm sẽ nhúng các dịch vụ tài chính vào dịch vụ của họ để thu hút và giữ chân khách hàng. Trong tương lai, các nền tảng công nghệ lớn sẽ trở thành nơi tập hợp các dịch vụ ngân hàng và fintech như thanh toán, cho vay, bảo hiểm và đầu tư... Người ta cũng dự đoán, theo thời gian, tất cả các công ty đều sẽ trở thành fintech.

Nghiên cứu về "tác động của nền tảng số đối với kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như cách chúng cải thiện tính bền vững" cho thấy, nền tảng số còn đang ở giai đoạn sơ khai, như một hiện tượng tương đối mới. Kinh tế nền tảng vừa là động lực thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững vừa không bền vững. Vì hiện các nền tảng có quy mô và động lực khác nhau. Điều quan trọng là phải tập trung vào các mô hình kinh doanh có thể so sánh được, và cần phải phân tích tính bền vững của các thị trường kỹ thuật số đang hoạt động trên quy mô toàn cầu. Chợ truyền thống đang dần đánh mất vài trò của nó do có "khoảng cách" giữa người bán và người mua. Giờ đây, với một vài cú nhấp chuột, các thương gia có thể bán sản phẩm của mình cho khách mua ở bất cứ đâu trên thế giới, và người tiêu dùng đã có được sự lựa chọn cũng như tiện lợi chưa từng có.

Duy trì quyền riêng tư, bảo mật, đạo đức

LHQ thừa nhận, sự gia tăng của quá trình số hóa và sử dụng dữ liệu lớn dễ dẫn đến các rủi ro về an ninh và đạo đức. Việc các nền tảng sử dụng dữ liệu ngày càng rộng rãi đã thúc đẩy các cuộc giám sát chống độc quyền dựa trên giả định rằng, việc thu thập dữ liệu của các nền tảng có thể dẫn đến việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân ra ngoài. 

Giống như ngành tài chính, ngày càng nhiều người được tiếp xúc với các dịch vụ số hoá hơn, bao gồm cả những người không "hiểu biết về công nghệ", hoặc không tin tưởng vào công nghệ, thì việc dân chủ hóa dữ liệu - mọi người đều có quyền truy cập vào dữ liệu và không có sự ngăn cản tạo ra nút thắt cổ chai ở cổng dữ liệu - sẽ trở thành điều bắt buộc, tránh bị kẹt do thiếu hiểu biết về các quyền riêng tư và bảo mật. Điều quan trọng là thiết kế sao cho cả người bình thường cũng có thể truy cập đủ dữ liệu mà không cần tìm kiếm sự hỗ trợ của CNTT. Theo nghiên cứu về "Tác động của nền tảng số đối với kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như cách chúng cải thiện tính bền vững", hơn 77% người trả lời khảo sát nhận thấy, họ đã được tiếp cận với ngày càng nhiều dữ liệu hữu ích trong năm vừa qua.

Khả năng tiếp cận dữ liệu tăng lên đặt ra câu hỏi về quyền riêng tư, bảo mật và các tiêu chuẩn đạo đức cũng như các câu hỏi liên quan đến loại dữ liệu được thu thập, lưu trữ ở đâu, mức độ an toàn, cách thu thập dữ liệu..., và cuối cùng, làm thế nào để có được sự đồng ý của người dùng?

Người tiêu dùng có thể mong đợi các biện pháp bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư được công bố rõ ràng, thông qua chính sách điều khoản sử dụng bao gồm: tiết lộ về nơi dữ liệu và thông tin đăng nhập được chia sẻ/hoặc bán; sử dụng mã hóa nếu nó được sử dụng khi truy xuất dữ liệu; khoảng thời gian dữ liệu được lưu giữ; quá trình xóa hoặc loại bỏ dữ liệu.

Cách mạng công nghiệp số

Các DN nền tảng ngày nay là một phần của cách mạng công nghiệp số. Khả năng tiếp cận người dùng ngày càng nhiều khiến cuộc cách mạng này khả thi hơn bao giờ hết, và các lỗ hổng của sự bất bình đẳng đang bị thách thức ở cấp độ toàn cầu. 

Các nhà lãnh đạo toàn cầu đang dựa vào ngành công nghiệp số để sử dụng các nền tảng công nghệ thông qua lăng kính tin cậy và hòa nhập, nhằm tạo ra thị trường không tiếp xúc, nơi các giao dịch và phản hồi giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ là một phần của hệ sinh thái. Tư duy này cho thấy sự thay đổi rõ rệt so với mô hình kinh doanh truyền thống. Nhưng thế giới còn cần sự thay đổi cần thiết trong nhận thức để các DN tồn tại và phát triển nếu chúng ta muốn giải quyết các vấn đề lớn của thế giới. Để làm được việc này, chúng ta cần hạ thấp các rào cản trong việc tham gia, và thông qua việc chia sẻ dữ liệu có kiểm soát.

Khi nền kinh tế nền tảng phát triển, tác động của nó đến kinh tế, xã hội và môi trường toàn cầu cũng gia tăng. Thị trường trực tuyến tồn tại dựa trên niềm tin, mọi người nên là một phần của thị trường toàn cầu. Các nguyên tắc hòa nhập, tăng trưởng và thịnh vượng được đưa vào các mô hình kinh doanh trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu những nền tảng này có đang dẫn đến một thế giới bền vững hay không? Đây là thời điểm thú vị cho những ai muốn triển khai các SDG.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Morell MF, Espelt R, Renau Cano M. Sustainable Platform Economy: Connections with the Sustainable Development Goals. Sustainability. 2020;12(18):7640.

[2]. What is Social Solidarity Economy? Ripess.org. Accessed online: http://www.ripess.org/what-is-sse/what-is-social-solidarity-economy/?lang=en

[3]. Zarra A, Simonelli F, Lenaerts K. Sustainability in the Age of Platforms. CEPS.eu. ISBN 978-94-6138-736-3. Accessed online: www.ceps.eu//wp-content/uploads/2019/06/Sustainability-in-the-Age-of-Platforms-2.pdf

[4]. Papadopoulos A. The Power Of Platform Businesses: How To Enable Value Creation. IMS. Accessed online: www.imanagesystems.com/digital-marketing/power-platforms-enable-value-creation

[5]. Fintech 2030: The Industry View. TribePayments.com. Accessed online: https://www.tribepayments.com/fintech-2030-industry-report-2020./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế nền tảng đóng góp như thế nào cho sự phát triển bền vững?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO