Kon Tum: Ứng dụng CNTT giúp đồng bào dân tộc thiểu số hưởng lợi nhiều dịch vụ

Bình Minh| 16/09/2021 09:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nhiều dịch vụ như: thực hiện thủ tục hành chính, khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, hoạt động thương mại điện tử trên sàn giao dịch điện tử... trở nên thuận lợi và giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Kon Tum hưởng lợi.

Kon Tum: Ứng dụng công nghệ thông tin giúp người dân tộc thiểu số được hưởng lợi nhiều dịch vụ - Ảnh 1.

Hướng dẫn các em học sinh phổ thông dân tộc bán trú cấp 1,2 thao tác máy tính.

(Ảnh: TTXVN).

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên là 9.689,61 km2. Dân số toàn tỉnh khoảng 520 nghìn người, trong đó DTTS chiếm hơn 53%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê). Ngoài ra, còn có các dân tộc từ miền Bắc di cư vào như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Thổ, Sán Dìu,  Sán Chay, HMông, Dao, Lào, Giáy; từ miền Trung có các dân tộc như: Cơ Tu, Cor, Vân Kiều, Ra Glai, Co Ho, Ê Đê, Tà Ôi; từ miền Nam có 2 dân tộc là Hoa, Khơ Me.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025" (Đề án 414), đến 2021, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm của UBND tỉnh.

Những kết quả quan trọng

Thực tế, hoạt động đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng đã đạt được những kết quả ban đầu. Các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện ứng dụng CNTT hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nói chung, đồng bào DTTS nói riêng tiếp cận thông tin trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Cụ thể, thực hiện hiệu quả công tác quản lý, khai thác và vận hành Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Kon Tum, Trang Thông tin điện tử các sở, ngành thuộc tỉnh, Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh, các huyện, thành phố, mạng xã hội… nhằm hỗ trợ phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, pháp luật chuyên ngành như bình đẳng giới, quyền phụ nữ, quyền trẻ em... nói riêng.

Tiếp tục triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đề án quản lý hạn hán trên địa bàn tỉnh Kon Tum được UBND tỉnh cũng được thực hiện khá hiệu quả với việc tập trung theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, phục vụ tốt công tác cứu nạn cứu hộ, trong đó có đồng bào DTTS.

Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động cải cách thủ tục hành chính hướng đến người dân và doanh nghiệp, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó có đồng bào các DTTS.

Một số kết quả đáng chú ý như: 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử (VNPT-Igate) của tỉnh, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. Kết quả trên cơ sở dữ liệu quốc gia hiện nay, tỉnh Kon Tum đã công khai 1.624 thủ tục hành chính và đã hoàn thành đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với tổng số lượng 591 thủ tục hành chính.

Tính đến tháng 12/2020, trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã tiếp nhận 4.003 hồ sơ trực tuyến trên tổng số 66.929 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn đạt 98%. Hệ thống đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động ổn định, đảm bảo kết nối, cung cấp thông tin và dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR code qua Zalo...), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế -xã hội nhanh chóng, hiệu quả.

Việc ứng dụng CNTT cũng giúp triển khai xong hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế tại 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế quản lý, nâng cao hiệu quả về quản lý chuyên môn, công tác khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế cho các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và cơ sở y tế xã, phường, thị trấn; Hệ thống phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được áp dụng đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh...

Trong khi đó, bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai kê khai bảo hiểm xã hội trong lĩnh vực kê khai bảo hiểm xã hội qua mạng; các cơ quan Thuế với việc áp dụng phần mềm hóa đơn điện tử, biên lai điện tử cho các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh ... qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của các ngành và của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng phục vụ người dân.

Nội dung đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS cũng được chú trọng. Tỉnh Kon Tum đã lồng ghép trong việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách dân tộc của Ban Dân tộc, các đơn vị, địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động, nâng cao nhận thức cho các đối tượng cán bộ lãnh đạo vùng DTTS, người có uy tín, cán bộ cơ sở và nhân dân tại thôn, làng đồng bào DTTS về việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động phát triển kinh tế, gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc, giữ vững an ninh, quốc phòng tại địa phương.

Từ tháng 8/2020, tỉnh Kon Tum đã ban hành và thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 3045/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025. Thông qua đó góp phần tăng cường hỗ trợ đồng bào triển khai hoạt động thương mại điện tử trên sàn giao dịch điện tử...

Theo đánh giá của Ban Dân tộc Kon Tum, tỉnh này còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước, do đó khả năng cân đối nguồn lực từ ngân sách địa phương để triển khai các nhiệm vụ còn hạn chế. Cụ thể, Đề án 414 đề ra 5 nhóm nhiệm vụ với 23 nhiệm vụ, giải pháp. Để xác định các nhiệm vụ triển khai phù hợp với thực tiễn trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan xác định có 5 nhóm nhiệm vụ và 13 nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, vì vậy chỉ đề xuất triển khai mới 6 nhiệm vụ, còn lại 5 nhiệm vụ phải thực hiện theo cơ chế lồng ghép với các chương trình, dự án khác đang triển khai, sắp triển khai thực hiện; 2 nhiệm vụ ban hành văn bản về cơ chế, chính sách, chỉ đạo; ngoài ra có 4 nhiệm vụ theo Đề án 414 đề xuất chưa triển khai thực hiện.

Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đề xuất, mục tiêu cụ thể đến các năm 2023 và 2025 theo Đề án 414 là tương đối cao so với mặt bằng chung của một số tỉnh còn khó khăn, tỉ lệ đồng bào DTTS cao như Kon Tum (chiếm tỷ lệ 54,9%, theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019). Vì vậy, để đảm bảo triển khai đạt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, có cơ chế bổ sung nguồn kinh phí Trung ương cho các tỉnh qua Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trong quá trình thực hiện Đề án 414, việc hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc Kon Tum cũng nhận định, cần chú trọng việc lồng ghép việc tăng cường ứng dụng CNTT trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và các dự án, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Ứng dụng CNTT giúp đồng bào dân tộc thiểu số hưởng lợi nhiều dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO