Kỷ niệm 75 thành lập Liên Hợp Quốc: Sức mạnh ngoại giao Việt Nam vì mục tiêu hòa bình thế giới

Trọng Thành| 03/10/2020 16:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong tháng 10 này, chúng ta vui mừng hướng tới kỷ niệm 75 ngày thành lập Liên Hợp Quốc (LHQ) (24/10/1945 – 24/10/2020), một tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh. Nhân sự kiện này, Việt Nam thêm lần tự hào cùng nhìn lại thành tựu, chặng đường hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam sau 43 gia nhập tổ chức và là đảm nhiệm “vai trò kép” Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ

Có thể nói năm 2020 là năm mốc son của lịch sử ngoại giao Việt Nam khi một lúc đảm nhiệm chức trách Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020. Đây không phải là một may mắn dễ dàng có được, mà được tạo ra từ kết quả tất yếu trong những nỗ lực không ngừng của dân tộc Việt Nam qua nhiều thập kỷ.

Trước hết, đó là kết quả của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đúng như đánh giá của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu trong thông điệp ngay sau khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ (ngày 24/9/2020) đạt số phiếu cao kỷ lục 192/193.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Đây là vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, LHQ cần được tiếp tục cải tổ để thực sự là tổ chức gắn kết, là "vườn ươm" cho những sáng kiến, ý tưởng hợp tác đa phương vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới… cộng đồng quốc tế cần hợp tác hơn nữa để cùng vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn" [1].

Khẳng định về sự sức mạnh là thành viên của LHQ cũng như tiến trình chủ động hội nhập, ngoại giao, trong khuôn khổ Phiên thảo luận trung cấp cao của Đại hội đồng LHQ khóa 75 "Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ" (ngày 22/9), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bằng nỗ lực của mình và hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được Covid-19, từng bước phục hồi đà phát triển nhanh nền kinh tế. Việt Nam trân trọng cảm ơn các nước đã dành tín nhiệm cao, bầu Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam nỗ lực hết sức mình hoàn thành tốt nhất trọng trách này.

"Nhân dân Việt Nam quyết tâm cùng tất cả các dân tộc trên thế giới gìn giữ hòa bình, thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu SDG 2030 và lá cờ Việt Nam sẽ tung bay tại nhiều Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ trên khắp thế giới. Tôi tin rằng với quyết tâm cao và nỗ lực mạnh mẽ, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình và tương lai tươi sáng cho hôm nay và mai sau", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định [2].

Tự hào một chặng đường

Ngày 20/9/1977, Việt Nam được kết nạp, trở thành thành viên của LHQ. Những năm tiếp theo, giai đoạn 1997-2011, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn LHQ làm cơ sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống LHQ, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế.

Kỷ niệm 75 thành lập Liên hợp quốc (LHQ):  Sức mạnh Ngoại giao Việt Nam vì mục tiêu hòa bình thế giới - Ảnh 1.

Các sĩ quan Việt Nam lên đường tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan - Ảnh Internet.

Việt Nam cũng tham gia đầy đủ và thực chất vào các cơ chế hoạch định chính sách của LHQ, như Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ năm 1997, tham gia Hội đồng Kinh tế Xã hội của LHQ (ECOSOC) (1998-2000).

Trong hai năm, giai đoạn 2017-2118, Việt Nam trở thành một trong 52 nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và là quốc gia thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này.

Đặc biệt năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên cử một đơn vị là Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan. Đây là bệnh viện đảm nhiệm trọng trách chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân viên Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan và một năm sau, năm 2019, Việt Nam tiếp tục cử 63 cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thực hiện tốt nhiệm vụ tại khu vực này. Cũng trong năm 2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Với chặng đường, thành tích, góp đó đáng ghi nhận đó, Việt Nam thực sự khẳng định được vai trò quan trọng là thành viên tích cực, chủ động của tổ chức LHQ. Chính điều này góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, tạo tiền đề để Việt Nam tự tin phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình, trở thành đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Quốc gia luôn tích cực vì nền hòa bình thế giới

Như vậy, khi tham gia, trở thành thành viên của LHQ, Việt Nam luôn là quốc gia tích cực trong nỗ lực chung tay xây dựng hòa bình, Việt Nam luôn đề cao sự cần thiết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo; xây dựng LHQ làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung [3].

Còn nhớ, khi lần đầu tiên, Việt Nam đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong nhiệm kỳ 2008-2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009, Việt Nam luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong Hội đồng bảo an, đặc biệt là trong việc ủng hộ Nghị quyết của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đây là một nghị quyết có tính chất lịch sử của LHQ. Hiện Việt Nam cũng đang tăng cường vai trò của mình trong việc tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình.

Kỷ niệm 75 thành lập Liên hợp quốc (LHQ):  Sức mạnh Ngoại giao Việt Nam vì mục tiêu hòa bình thế giới - Ảnh 2.

LHQ, một tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh - Ảnh Internet

Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (2020-2021), Việt Nam đã công bố 7 ưu tiên chính bao gồm: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương LHQ; Cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an LHQ, tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương LHQ; Vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột; Phụ nữ, hòa bình, an ninh và trẻ em trong xung đột vũ trang; Khắc phục hậu quả xung đột (gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột); Hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; Tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.

Lần thứ hai, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 1/2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động, đại diện cho Hội đồng Bảo an trong quan hệ với các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực, quốc tế và báo giới

Những năm qua, Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển LHQ mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này. Mô hình hợp tác ba bên - ban đầu giữa Việt Nam, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực, Senegal (Xê-nê-gan) về trồng lúa đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi…

Với sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Việt Nam luôn khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra và tinh thần Chỉ thị 25-CT/TƯ ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, theo đó Việt Nam "chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ", góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước, đồng thời thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm, tham gia đóng góp vào xây dựng một trật tự thế giới hòa bình, công bằng, dân chủ và tiến bộ [4].

Qua sự kiện nhân kỷ niệm 75 năm trưởng thành, phát triển của LHQ và 43 năm Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức này, cũng như niềm tự hào khi là Chủ tịch ASEAN 2020, đến nay Việt Nam tự tin, chủ động, thêm sự khẳng định vai trò quan trọng của quốc gia, khẳng định vị thế, uy tín đất nước, thể hiện niềm tin của người dân Việt Nam vào một thế giới đối thoại đa chiều, tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển.

Tài liệu tham khảo

[1]. http://dangcongsan.vn/thoi-su/xay-dung-the-che-da-phuong-toan-cau-cong-bang-minh-bach-hieu-qua-564327.html

[2]. https://www.sggp.org.vn/thong-diep-viet-nam-gui-toi-lien-hiep-quoc-ton-trong-doc-lap-chu-quyen-toan-ven-lanh-tho-cua-moi-quoc-gia-686893.html

[3]. http://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-dong-gop-tich-cuc-vao-hoat-dong-cua-lien-hop-quoc-523464.html

[4]. https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-ngoai/937129/viet-nam-san-sang-dong-gop-cho-no-luc-chung-cua-quoc-te-vi-hoa-binh-an-ninh-phat-trien-va-tien-bo

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 75 thành lập Liên Hợp Quốc: Sức mạnh ngoại giao Việt Nam vì mục tiêu hòa bình thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO