Làm gì để bảo vệ đối tượng yếu thế trên không gian mạng?

Thu Trang - Tuyết Mai| 31/03/2020 16:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Nếu như trẻ em được coi là đối tượng yếu thế thì pháp luật Việt Nam đã và đang có nhiều hàng lang pháp lý để bảo vệ như: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng 2018. Song, làm gì để thực hiện được đúng những điều khoản, quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng thì cần những giải pháp vừa đồng bộ, vừa cụ thể từ gia đình, nhà trường và xã hội.

5 Quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Theo Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, Điều 29 "Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng" quy định rõ: 

Thứ nhất, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

Thứ hai, chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do DN cung cấp không để gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

Tiếp đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin mạng gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của luật này và pháp luật về trẻ em.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm trẻ em, quyền trẻ em.

An toàn trên môi trường mạng là một kỹ năng sống cần thiết với trẻ em

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp, trẻ em trở thành công dân số từ rất sớm, sống trên môi trường mạng nhiều giờ/ngày, thay đổi hoàn toàn cách các em học tập, kết bạn, giao tiếp so với thế hệ cha anh.

Làm gì để bảo vệ đối tượng yếu thế trên không gian mạng? - Ảnh 1.

Diễn tập một tình huống người lạ dụ dỗ trẻ em gái và kỹ năng thoát nạn (Ảnh: Minh Trang)

Mạng Internet là một thế giới mở, nơi bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng, trong đó có trẻ em - đối tượng chưa làm chủ được hành vi, cần được quan tâm bảo vệ. 

Tuy nhiên, nhiều vụ việc liên quan đến trẻ em trên mạng Internet gần đây (nhiều vụ bắt cóc trẻ em do bố mẹ đăng tải thông tin lên mạng xã hội) đã cho chúng ta những bài học đắt giá về những tác động khó lường của hệ thống thông tin mở này. Thậm chí tình trạng xâm hại trẻ em qua mạng bằng hình thức khiêu dâm, dụ dỗ chat sex, cung cấp hình ảnh khiêu dâm... đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) nhìn nhận, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các kết nối không dây 3G, 4G, 5G, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh, con người tương tác đa chiều đã biến Internet trở thành không gian xã hội mới, nơi trẻ em có thể thực hiện các hành vi mang bản chất xã hội của mình, như giao tiếp, sáng tạo, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi không gian. Trẻ em là đối tượng nhận được sự quan tâm, chăm sóc không chỉ của bố mẹ, gia đình mà còn của toàn xã hội.

Tuy vậy, đối tượng yếu thế này lại được tiếp cận khá ít kỹ năng để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng là thực tế. Do vậy, sử dụng an toàn trên môi trường mạng là một kỹ năng sống cần thiết đối với trẻ em.

Để giúp trẻ em tránh được những tác động tiêu cực, rủi ro từ môi trường mạng, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. 

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần giáo dục, tuyên truyền trang bị những kỹ năng, kiến thức để các em trở thành công dân của thế giới số, không gian mạng. Đồng thời, các em cần được hướng dẫn những kỹ năng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn, giúp các em trở thành người tham gia vào môi trường mạng và tự bảo vệ chính mình. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, giống như tự nhận thức, để những kiến thức đó trở thành kỹ năng sống.

Làm gì để bảo vệ đối tượng yếu thế trên không gian mạng? - Ảnh 2.

Các cơ sở giáo dục và gia đình có thể liên hệ tới các trung tâm có trách nhiệm để được hỗ trợ, tuyên truyền miễn phí. (Ảnh: Minh Trang)

Về trách nhiệm bảo vệ trẻ em, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Internet nói riêng. 

Bên cạnh việc tham gia Công ước quyền trẻ em và ký kết các nghị định thư liên quan, hệ thống luật trong nước như: Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí và mới đây nhất là Luật An ninh mạng 2018 đều có những điều khoản để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Để trẻ em được thụ hưởng các quyền chính đáng, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang phối hợp với các ngành, địa phương triển khai "Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1863/QĐ-TTg, ngày 23/12/2019. Và để thực hiện đồng bộ có hiệu quả Kế hoạch hành động, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất nên lấy năm 2020 là "Năm vì trẻ em".

Về phía gia đình, bậc cha mẹ cần áp dụng một số giải pháp để có thể bảo vệ con em mình như: Để các thiết bị truy cập Internet ở vị trí có thể quản lý được; chỉ để máy tính, thiết bị thông minh có kết nối Internet ở phòng ngủ của cha, mẹ để có thể theo dõi hoạt động trên mạng của con cái; Kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hành và trình duyệt web. Thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; Cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em…

Theo Quyết định 1863/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, mục tiêu phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau. 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi.






Trong tháng 3 vừa qua, Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT và Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ký kết kế hoạch phối hợp về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng.

Theo đó, Kế hoạch tập trung vào 7 nội dung:

1. Nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; sửa đổi, bổ sung, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiệu quả và chế tài xử lý nghiêm minh hơn các loại tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

2. Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

3. Xây dựng công cụ, phương tiện để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, giáo dục tích cực trên môi trường mạng.

4. Nâng cao hiểu biết cho trẻ em về kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng bổ ích, an toàn, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng và lên tiếng thông tin, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

5. Khảo sát, đánh giá tác động của môi trường mạng; xây dựng cơ sở dữ liệu về các nội dung trên mạng phân loại theo độ tuổi; giám sát, thu thập, phân tích, cảnh báo về nguy cơ, mã độc, sự cố tấn công mạng liên quan đến bảo vệ trẻ em; xử lý, khắc phục tấn công mạng liên quan đến bảo vệ trẻ em.

6. Triển khai xây dựng, hướng dẫn về bộ tiêu chí bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

7. Thí điểm hệ sinh thái thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào xây dựng nội dung lành mạnh cho trẻ em trên môi trường mạng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để bảo vệ đối tượng yếu thế trên không gian mạng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO