Lan tỏa giá trị nhân văn từ cuộc thi "Cùng bạn đọc sách, vượt qua thử thách"

Thu Hiền| 20/12/2021 20:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuộc thi "Cùng bạn đọc sách, vượt qua thử thách" đã truyền cảm hứng, chia sẻ các ý tưởng để thúc đẩy việc tự học và học tập suốt đời trong cộng đồng, đặc biệt là người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.

Chiều nay 20/12, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Học tập suốt đời phối hợp với Hội Người Mù Việt Nam tổ chức Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi "Cùng bạn đọc sách, vượt qua thử thách" với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cuộc thi được phát động vào tháng 10/2021 để hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời 2021 với mục đích nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của học tập suốt đời đối với phát triển cá nhân và xã hội; truyền cảm hứng, chia sẻ các ý tưởng để thúc đẩy việc tự học và học tập suốt đời trong cộng đồng, đặc biệt là người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.

Tổng kết cuộc thi, bà Vũ Dương Thúy Ngà - Chủ tịch Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Học tập suốt đời, Trưởng ban tổ chức chia sẻ: Sau hơn 1 tháng phát động, cuộc thi đã được hơn 400 thí sinh trong cả nước tham gia. Đối tượng tham gia dự thi hết sức đa dạng từ những bạn nhỏ học sinh đến các cán bộ hưu trí, bao gồm cả người khuyết tật. Ngưởi thấp tuổi nhất là 7 tuổi và người cao tuổi nhất là 79 tuổi.

Lan tỏa văn hóa đọc và giá trị nhân văn trong cộng đồng - Ảnh 1.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Trưởng Ban tổ chức tổng kết cuộc thi: Nhiều thí sinh đã truyền lửa làm người đọc, người xem thực sự xúc động

Đánh giá về cuộc thi, bà Vũ Dương Thuý Ngà cho biết, nhiều tác phẩm dự thi được đầu tư công phu, minh họa đẹp mắt, clip sinh động hấp dẫn thể hiện ý thức và tâm huyết của các thí sinh. Sự nhiệt tình, tự tin, sáng tạo của các thí sinh. Nhiều thí sinh đã truyền lửa làm người đọc, người xem thực sự xúc động về những cảnh đời nghiệt ngã nhưng ý chí vươn lên mãnh liệt, khắc phục mọi khó khăn để tự học và học suốt đời.

Bà Ngà cho biết thêm, điểm đáng chú ý của cuộc thi là bên cạnh những tác phẩm dự thi viết tấm gương tự học và học tập suốt đời của Bác Hồ, các vĩ nhân, các trạng nguyên, nhà khoa học lỗi lạc, có nhiều tác phẩm dự thi viết về nhiều tấm gương người thật, việc thật là người khuyết tật đã được chia sẻ như thầy Nguyễn Ngọc Ký, dịch giả - nhà văn Nguyễn Bích Lan, nhà văn khuyết tật Trần Trà My, Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng, Đinh Việt Anh, tác giả khiếm thị Lê Dương Thể Hạnh, người thương binh hỏng mắt Nguyễn Đăng Khoa, thầy giáo ngồi xe lăn Trần Quốc Hoàn, Đào Thu Hương, H'Loan,…

Nhiều tấm gương vượt lên nghịch cảnh và nghiệt ngã của số phận để học tập suốt đời làm chủ số phận, tỏa sáng và có những đóng góp cho cộng đồng đã được giới thiệu khiến người đọc có khi rơi nước mắt. Có những thí sinh tham dự cuộc thi cũng đồng thời là nhân vật được các thí sinh khác viết về như Lê Dương Thể Hạnh, Nghiêm Thu Loan, Vũ Thị Hải Anh…

"Thông qua những chia sẻ của các thí sinh chúng tôi đã đánh giá được tác động của kênh "Cùng bạn đọc sách" trong khuyến khích, tạo động lực cho mọi người, trong đó có người khuyết tật tự học và học tập suốt đời. Kênh Youtube "Cùng bạn đọc sách" đã giúp cho nhiều bạn đọc, khán thính giả vượt qua thử thách của dịch COVID-19, tật nguyền, khó khăn trong cuộc sống, học tập, trong việc nuôi dạy con, hỗ trợ con học trực tuyến..." - bà Ngà nhấn mạnh.

Bà Ngà cũng cảm ơn các nhà hảo tâm đã ủng hộ và lan tỏa cuộc thi như các cơ quan báo chí truyền thông; Quỹ Thiện tâm Tập đoàn Vingroup đã tặng 22 điện thoại cho các thí sinh là người khuyết tật; Nhà sách Alphabooks và Tân Việt hỗ trợ sách để làm quà tặng cho thí sinh và đại biểu…

Truyền lửa ý chí cho người khuyết tật vượt qua số phận

Chia sẻ về cuộc thi, bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người Mù nhận định hưởng ứng tuần lễ học tập tập suốt đời, cuộc thi với mục đích nâng cao vai trò của văn hóa đọc, chia sẻ những việc tự học giữa mọi người đặc biệt là người khuyết tật. Thông qua cuộc thi, chúng ta thấy được nhiều tấm gương nỗ lực để vượt qua số phận. Đồng thời, thấy được sự quan tâm của cộng đồng dành cho những người khuyết tật và người khiếm thị, thấy được niềm say mê với phong trào đọc sách và học tập trong cộng đồng. 

"Chúng tôi mong nhận được sự chung tay của các cá nhân, tổ chức trong xã hội để thúc đẩy việc văn hóa đọc trong cộng đồng và xây dựng đề án học tập suốt đời", bà Đinh Việt Anh chia sẻ.

GS. Nguyễn Lân Dũng - Trưởng ban giám khảo, khi phát biểu tại buổi lễ đã chúc mừng các cá nhân, tập thể đạt giải cuộc thi và chia sẻ: Đây là một cuộc thi tuyệt vời được tổ chức vào thời điểm rất có nghĩa trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID, cuộc thi có tác dụng lớn đến nhiều tầng lớp nhân dân. 

"Với thời gian rất ngắn Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài viết công phu, hấp dẫn, nhiều clip sinh động ý nghĩa. Qua đó, nhiều tấm gương về tự học và học tập suốt đời đã lan tỏa, nhiều thí sinh đã tự tin khi chia sẻ trước ống kính, nhiều tấm gương tuổi đã cao nhưng vẫn tham gia cuộc thi, nhiều bài chia sẻ của người khuyết tật kém may mắn nhưng vẫn không đầu hàng số phận vẫn vươn lên trong cuộc sống…", GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết.

Lan tỏa văn hóa đọc và giá trị nhân văn trong cộng đồng - Ảnh 2.

Ông Phạm Bá Lấn, thí sinh đoạt giải Đặc biệt chia sẻ cảm xúc về cuộc thi

Đại diện các thí sinh đoạt giải, ông Phạm Bá Lấn, đoạt giải Đặc biệt chia sẻ cảm xúc cho biết đây là một sân chơi bổ ích, có giá trị văn hóa và trí tuệ. Đồng thời, cuộc thi lan tỏa giá trị nhân văn trong cộng đồng. Những cuộc thi như thế này, sẽ khuyến khích động viên những người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.

Với hình thức gửi bài dự thi trực tuyến với 3 dạng: bài viết, clip và audio. Sau hơn 1 tháng phát động, cuộc thi đã được đông đảo các thí sinh trong cả nước tham gia. Một số tác phẩm với nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, kịch nói, ca khúc truyền cảm hứng, thúc đẩy khuyến học và học tập suốt đời đã được sáng tác và gửi tham dự cuộc thi. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, minh họa đẹp mắt, clip sinh động hấp dẫn thể hiện ý thức và tâm huyết của các thí sinh.

140 bài dự thi đã được chọn vào vòng Chung khảo, tham gia bình chọn. Kết quả có 47 giải thưởng chính thức và 2 giải thưởng bình chọn dành cho bài viết và clip được nhiều người yêu thích nhất sẽ được Ban Tổ chức Cuộc thi trao tặng.

Giải Đặc biệt thuộc về ông Phạm Bá Lấn, Hội Sân khấu Việt Nam. Giải Nhất thuộc về bà Vũ Thị Điềm, cán bộ hưu trí (người đã nhận Gải thưởng Kôvalepxkaia năm 1998) và chị Đỗ Thị Năm, Hội Người mù Việt Nam.

Cuộc thi đã thực sự trở thành một diễn đàn, một sân chơi bổ ích để các thí sinh tham gia lan tỏa, nâng cao ý thức tự học và tinh thần học tập suốt đời của các cá nhân ở các tầng lớp khác nhau, đối tượng người khuyết tật đã có thêm cơ hội để bày tỏ suy nghĩ và nguyện vọng được hỗ trợ để học tập suốt đời, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

Một số hình trao giải cuộc thi

Lan tỏa văn hóa đọc và giá trị nhân văn trong cộng đồng - Ảnh 3.

Ông Phạm Bá Lấn nhận giải Đặc biệt từ Trưởng Ban Tổ chức

Lan tỏa văn hóa đọc và giá trị nhân văn trong cộng đồng - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Người Mù trao Giải Nhất cho các thí sinh

Lan tỏa văn hóa đọc và giá trị nhân văn trong cộng đồng - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Hội Người Mù Trao Giải Nhì cho các thí sinh

Lan tỏa văn hóa đọc và giá trị nhân văn trong cộng đồng - Ảnh 6.

GS. Nguyễn Lân Dũng trao giải Ba cho các thí sinh

Lan tỏa văn hóa đọc và giá trị nhân văn trong cộng đồng - Ảnh 7.

Ban Tổ chức trao giải Khuyến Khích cho các em thí sinh

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa giá trị nhân văn từ cuộc thi "Cùng bạn đọc sách, vượt qua thử thách"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO