Lạng Sơn triển khai mạng lưới tổ công nghệ cộng đồng, lan toả công nghệ số

Hoàng Linh| 02/12/2021 16:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) ngày 30/11, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã thông tin về việc triển khai CĐS của tỉnh và triển khai mạng lưới tổ công nghệ cộng đồng, lan toả, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Lạng Sơn triển khai mạng lưới tổ công nghệ cộng đồng, lan tỏa công nghệ số - Ảnh 1.

Phiên họp thứ nhất Uỷ ban quốc gia về CĐS

Về công tác chỉ đạo CĐS của tỉnh, Chủ tịch Hồ Tiến Thiệu cho biết UBND tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Lạng Sơn để thực hiện Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, thời gian vừa qua, Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả nổi bật về CĐS như tỉnh đã triển khai 100% dịch vụ công (DVC) đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 với 1034 DVC mức độ 4 và hoàn thành trước thời hạn 1 năm so với yêu cầu của Bộ TT&TT. Lạng Sơn là 1 trong 3 tỉnh/thành phố trên cả nước hoàn thành sớm mục tiêu này.

Về kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Chủ tịch Hồ Tiến Thiệu cho biết Lạng Sơn đã phát triển được 110.000 cửa hàng số cho các hộ gia đình, đạt 55% số hộ gia đình có cửa hàng số, trong đó số hộ gia đình nòng cốt đầu tầu là 6.600 hộ gia đình, đã tạo lập được 90.600 tài khoản thanh toán điện tử và đã phát huy rất hiệu quả trong giai đoạn dịch COVID-19. Từ tháng 7/2021, đã có 21.293 đơn hàng được giao hàng; hoàn thành trước chỉ tiêu 50% số hộ gia đình có cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về triển khai nền tảng số dùng chung cho công tác quản lý dạy và học, tỉnh đã triển khai cho 675/675 trường học, đạt 100% và 100% (gần 20.000) giáo viên của tỉnh đã sử dụng chữ ký số để tạo học bạ điện tử và bảng điểm điện tử. Riêng sử dụng chữ ký số đã tăng gấp 10 lần so với số liệu trước đây.

Tỉnh cũng đã hoàn thành trước chỉ tiêu 100% các trường học sử dụng nền tảng số, công nghệ số trong công tác quản lý dạy và học theo chỉ tiêu đạt được vào năm 2025 tại Nghị quyết số 49/NQ-TU. Tỉnh cũng thúc đẩy sử dụng, thanh toán trực tuyến đến khoảng 200 xã.

Tỉnh Lạng Sơn cũng xây dựng nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Tân Thanh. Theo đó, CĐS sẽ tự động hóa quy trình, giảm bớt thời gian thông quan cho doanh nghiệp (DN), giúp tăng cường công tác quản lý giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối giữa cơ quan nhà nước và DN, đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước tại cửa khẩu và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2021.

Lạng Sơn triển khai mạng lưới tổ công nghệ cộng đồng, lan tỏa công nghệ số - Ảnh 2.

Xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Tiến Thiệu cũng đã thông tin về việc tỉnh Lạng Sơn triển khai mạng lưới tổ công nghệ cộng đồng, nhằm lan toả, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy CĐS trong toàn xã hội.

Tổ công nghệ cộng đồng được thành lập dựa trên ý tưởng của Tổ COVID cộng đồng trong phòng chống dịch COVID-19 vừa qua. Chủ tịch UBND chỉ đạo các huyện, thành phố, giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ cộng đồng, mỗi thôn bản, khu phố thành lập 1 tổ công nghệ cộng đồng, gồm trưởng thôn bản, khối phố và tối thiểu 2 nhân sự có mong muốn triển khai các nền tảng số, công nghệ số.

Về đào tạo cho tổ công nghệ, Lạng Sơn đề nghị DN công nghệ số trực tiếp đào tạo, tập huấn chuyển giao cho tổ công nghệ cộng đồng các bước cài đặt, hướng dẫn sử dụng nền tảng số, công nghệ số; triển khai các nền tảng số, tổ công nghệ cộng đồng nhận chỉ tiêu triển khai các nền tảng số và trực tiếp đào tạo, hướng dẫn cho các hộ gia đình trong các thôn bản.

Chủ tịch Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh: "Trong thời gian qua, hoạt động của Tổ công nghệ cộng đồng tại thôn bản khối phố đã cho thấy rất hiệu quả bởi họ là những người trụ cột ở cơ sở, nắm chắc đặc điểm, năng lực của từng hộ gia đình. Hiện nay, Lạng Sơn đã thành lập được 1.596 tổ công nghệ cộng đồng với 5.822 thành viên để lan tỏa đưa công nghệ số vào cuộc sống. Đối với trường học, tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo thành lập các tổ công nghệ trong trường học.

Để thúc đẩy CĐS hơn nữa tại Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu kiến nghị Uỷ ban Quốc gia về CĐS xem xét bố trí kinh phí từ Quỹ Viễn thông công ích cho tỉnh Lạng Sơn để phát triển hạ tầng số phủ sóng di động 3G, 4G đến 295 thôn bản chưa có sóng, sóng di động yếu chưa truy cập được Internet để phát triển sâu rộng hơn nữa về CĐS, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh Lạng Sơn.

Đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT thúc đẩy phát triển kinh tế số

Tại hội nghị trực tuyến với các Sở TT&TT về cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm tốt trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính ngày 1/12/2021, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT cho biết các tổ công nghệ cộng đồng của Lạng Sơn cũng tham gia vào triển khai kinh tế số nông nghiệp nông thôn tỉnh Lạng Sơn.

Theo ông Lịch, phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn là thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của cách làm truyền thống nhiều đời nay bằng nền tảng số, tạo ra các giá trị mới, giúp các hộ nông dân gia tăng thu nhập, bớt sự nhọc nhằn, rủi ro khi được mùa mất giá, được giá thì mất mùa.

Mục đích phát triển kinh tế số của Lạng Sơn là phát triển cửa hàng số cho hộ gia đình trên các nền tảng số: langson.postmart.vn, langson.voso.vn, để phục vụ việc mua và bán thông qua cửa hàng số, định vị địa chỉ số, xác định nguồn gốc sản phẩm, dùng công nghệ số để kết nối người bán và người mua, phát triển tài khoản thanh toán điện tử.

Lạng Sơn triển khai mạng lưới tổ công nghệ cộng đồng, lan tỏa công nghệ số - Ảnh 3.

Tại Lạng Sơn, BĐVN đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở TT&TT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông của tỉnh để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số trên địa bàn.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số nhằm chuyển đổi người nông dân lên không gian số thông qua việc thay đổi cách sống, cách làm việc mới trên cửa hàng số và mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn ra ngoài tỉnh và các nước trên thế giới.

Ông Lịch chia sẻ chính quyền địa phương các cấp trong quá trình phát triển kinh tế số cần đảm bảo 03 chiến lược: Chiến lược vết dầu loang; Chiến lược đầu tầu; Phát triển lực lượng nòng cốt - Tổ công nghệ cộng đồng và 04 chỉ tiêu cụ thể (50 % hộ gia đình có cửa hàng số; 50% hộ gia đình có tài khoản thanh toán điện tử; có 10% số hộ gia đình đầu tầu).

Chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế số địa phương, căn cứ tình hình thực tiễn giao chỉ tiêu cụ thể cho các thôn bản, xã phường để đảm bảo chỉ tiêu chung đề ra.

Ông Lịch cũng đề nghị Bộ TT&TT nhân rộng mô hình phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trong toàn quốc để góp phần phát triển kinh tế xã hội, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn./.

Bài liên quan
  • Ngành GTVT Cà Mau chuyển đổi số để tạo đột phá trong công tác quản lý
    Xác định chuyển đổi số (CĐS) là khâu đột phá, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, hiện đại hóa ngành giao thông vận tải (GTVT), góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu, ngành GTVT Cà Mau đã, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu CĐS.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn triển khai mạng lưới tổ công nghệ cộng đồng, lan toả công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO