Liệu hệ thống y tế các nước Đông Nam Á có bị "đánh sập" bởi COVID-19?

Thủy Nguyễn| 15/04/2020 21:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Cộng đồng y tế toàn cầu lo ngại rằng, các hệ thống y tế yếu có thể dễ dàng chao đảo, hoặc thậm chí sụp đổ, nếu COVID-19 bùng phát mạnh.

Tình hình dịch bệnh tại các nước Đông Nam Á đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng trong tuần vừa qua. Số ca nhiễm trong khu vực đã lên tới gần 19 nghìn người, đặc biệt là Singapore - - quốc gia có hệ thống y tế hiện đại nhất Đông Nam Á - ghi nhận tăng hơn 1.000 ca nhiễm trong tuần vừa rồi. 

Số lượng bệnh nhân quá nhiều, thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế và thiếu phương tiện cung cấp dịch vụ chăm sóc chuyên sâu đang làm tăng thêm nỗi lo sợ về COVID-19. "Tình huống xấu nhất xảy ra là nó [COVID-19 - PV] lan rộng", ông Erica Van Deren, Giám đốc Chương trình cấp cao, nhân đạo và các vấn đề khẩn cấp tại World Vision cho biết.

Hệ thống y tế yếu, người dân dễ bị tổn thương

"Campuchia và Lào đặc biệt dễ bị tổn thương vì hệ thống y tế yếu kém của họ", Tiến sĩ Tankred Stoebe, điều phối viên khẩn cấp của Médecins Sans Frontières đã viết. "Họ đã phải chật vật để cung cấp dịch vụ cho người dân ngay cả khi không có mối đe dọa từ sự bùng phát COVID-19. Nếu một dịch bệnh lớn xảy ra, các hệ thống y tế này có thể sụp đổ". 

Ông lưu ý rằng trong khu vực có những địa phương mà ngay cả cơ chế kiểm soát dịch bệnh đơn giản vẫn chưa được áp dụng. 

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia (MMA) cho biết các bệnh viện có thể rơi vào tình trạng quá tải nếu các ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng trong những ngày tới. 

Tại Philippines, số ca mắc COVID-19 vẫn đang tiếp tục tăng. Trong khi đó, lực lượng y tế của nước này cũng đang thiếu hụt trầm trọng các thiết bị bảo hộ cần thiết. Trước tình trạng đó, các bác sĩ ở Philippines phải mặc đồ phòng vệ tự chế từ túi ni lông, túi đựng rác. Những chiếc túi được cắt, dán lại để làm mũ trùm đầu, buộc giày.

Liệu hệ thống y tế các nước Đông Nam Á có bị đánh sập bởi COVID-19? - Ảnh 1.

Người di cư cũng sẽ dễ bị tổn thương. Họ có thể không có quyền tiếp cận các hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia vì rào cản ngôn ngữ, lo ngại về chi phí và nguy cơ bị trục xuất nếu họ không có giấy tờ. Những người này thường sống trong các khu ký túc xá đông đúc, điều này có thể thúc đẩy sự lây lan của dịch bệnh.

Một vấn đề khác cũng được đưa ra là sự thiếu minh bạch trong vấn đề công khai thông tin về bệnh nhân. Điều này dẫn đến tình trạng các nhân viên y tế không nắm được tình hình bệnh nhân. Họ không biết là họ có đang điều trị cho bệnh nhân dương tính COVID-19 hay không. Thực trạng này có thể gây nguy hiểm cũng như làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế.

Cải thiện hệ thống y tế, huy động cộng đồng

Các chuyên gia y tế nói rằng, các quốc gia cần xây dựng năng lực để giải quyết một đợt bùng phát lan rộng có nguy cơ xảy ra. Điều này bao gồm đào tạo nhân viên y tế, tăng khả năng chẩn đoán và xây dựng thêm các đơn vị cách ly có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc chuyên sâu.

"Chẳng hạn, các cơ sở y tế nên có một trạm kiểm soát, kiểm tra xem bệnh nhân có triệu chứng hay không, và nếu có, họ nên được đưa đến một khu vực riêng để xét nghiệm", MSF Stoebe viết. 

Các chuyên gia đã chỉ ra Thái Lan đã đầu tư đáng kể vào hệ thống giám sát và phản ứng y tế công cộng. Điều đó khiến họ đã kiểm soát được các ca dương tính tương đối tốt.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đang hỗ trợ lẫn nhau bằng nhiều cách như cung cấp viện trợ và thiết bị y tế; thậm chí gửi các bác sĩ của họ đến những vùng dịch để cùng nhau chống lại đại dịch COVID-19.

Biện pháp các nước đưa ra để chống lại COVID-19

Hầu hết các nước có số ca nhiễm cao đều sử dụng biện pháp đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu người dân đeo khẩu trang và đưa ra khung hình phạt đối với những người không thực hiện theo các quy định

Ngay từ khi dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh tại Trung Quốc, các quốc gia Đông – Nam Á đã tăng cường các biện pháp phối hợp, trao đổi thông tin và thể hiện quyết tâm ngăn chặn và dập dịch. 

Chủ tịch ASEAN - Việt Nam đã đưa ra Tuyên bố về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh. Tuyên bố nhấn mạnh ASEAN sẽ tăng cường phối hợp ở cả cấp quốc gia và khu vực; điều phối các hoạt động hợp tác chung giữa các kênh chuyên ngành liên quan để thống nhất cách tiếp cận đồng bộ, hiệu quả của Cộng đồng ASEAN cũng như tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các đối tác, các tổ chức quốc tế trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Song song với việc thực hiện các biện pháp quyết liệt ngăn chặn COVID-19 lây lan, chính phủ nhiều nước Đông-Nam Á đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế để giảm thiểu tác động do COVID-19 gây ra. 

Đa số các quốc gia, thông qua các gói tài chính, đang hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 như hàng không, du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp. Ngoài hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng, chính phủ các nước còn đưa ra các chính sách nhằm giúp đỡ người bị thất nghiệp cũng như người có hoàn cảnh khó khăn. Các Ngân hàng trung ương tại Đông Nam Á cũng áp dụng các biện pháp kích thích nền kinh tế như tiếp tục thực hiện giảm lãi suất.

Liệu hệ thống y tế các nước Đông Nam Á có bị đánh sập bởi COVID-19? - Ảnh 3.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Liệu hệ thống y tế các nước Đông Nam Á có bị "đánh sập" bởi COVID-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO