Logistics trong nền kinh tế số

02/08/2021 10:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong nền kinh tế, ngành logistics có chức năng cung cấp các dịch vụ giao vận có chi phí thấp và khả năng đáp ứng cao yêu cầu của khách hàng nhằm thúc đẩy thương mại trong và ngoài nước và kinh tế quốc gia phát triển.

Trong nền kinh tế số, logistics lại càng trở một cấu thành hết sức quan trọng để hỗ trợ các hoạt động dựa trên nền tảng số có thể thực hiện một cách hoàn hảo, khép kín chu trình vận động của hàng hóa, dịch vụ như thế nào?

Nền kinh tế thế giới hiện nay đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoạt động kinh tế không chỉ là việc trao đổi hàng hóa một cách đơn thuần mà được dựa trên nền tảng kỹ thuật số, đó chính là nền kinh tế số. Theo một số nghiên cứu, có thể hiểu kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng,... và đặc biệt là logistics mà công nghệ số được áp dụng.

Trong thời gian qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019” do Google, Temasek và Bain công bố ngày 03 tháng 10 năm 2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD, đóng góp 5% GDP trong năm 2019, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.

Phát triển kinh tế số sẽ nâng quy mô và tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế. Đồng thời, kinh tế số còn làm cho nền kinh tế thay đổi phương thức sản xuất và thay đổi cấu trúc kinh tế. Do vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhất trí thông qua Nghị quyết, trong đó yêu cầu: “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số”, nhất là với các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, logistics, vận tải, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, kế toán, kiểm toán, y tế, giáo dục đào tạo..." 

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam có khoảng 64 triệu người sử dụng Internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội. Cùng với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của Internet, các thiết bị di động và mạng xã hội, nên ngày càng nhiều cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử. Có tới 25% tổng số người dân tham gia mua hàng trực tuyến qua Facebook hoặc Zalo. Việt Nam xếp thứ 13 trong 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Năm 2018, thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD. Dự kiến, năm 2020 con số này sẽ đạt từ 13 tỷ - 15 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), dịch COVID-19 đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Hành vi người dùng thay đổi cũng đã tác động đến hoạt động các doanh nghiệp. Doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh của mình. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng. Xu hướng các doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng tăng.

Do tác động của đại dịch COVID-19, đến đầu năm 2021, các doanh nghiệp thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến. Mặt khác, cộng đồng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng nhanh. Các yếu tố này dẫn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt ở các lĩnh vực như bán lẻ hàng hoá trực tuyến, gọi xe và đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến...

Ở lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến, theo khảo sát của VECOM, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%.

Đáng chú ý nhất là lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh. VECOM dẫn số liệu từ Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đã phát hành mới tới 10,3 triệu thẻ các loại trong 6 tháng đầu năm 2020, nâng tổng số thẻ ở Việt Nam lên 103,4 triệu. Doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa theo kênh thương mại điện tử tăng tới 81%. Còn theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ thẻ này trong quý I/2021 tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. 

Chính vì vậy, để đáp ứng được với sự vận hành của nền kinh tế số trong giai đoạn mới thì dịch vụ logistics vẫn được coi là “xương sống của thương mại quốc tế, logistics thương mại bao gồm việc vận chuyển hàng hóa, lưu kho hàng hóa, thủ tục biên giới, hệ thống thanh toán và nhiều chức năng khác. Các chức năng này được thực hiện bởi các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho các thương nhân tư nhân và chủ hàng, nhưng logistics cũng quan trọng đối với các chính sách công của các chính phủ quốc gia cũng như các tổ chức khu vực và quốc tế” (World Bank Report 2010). 

Còn theo Tổ chức Hỗ trợ Thương mại và Vận tải Toàn cầu, logistics được quan niệm là “sự quản lý dòng hàng hóa quốc tế, các chứng từ và thủ tục thanh toán liên quan với mục đích cắt giảm chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến logistics thông qua đơn giản hóa/hài hóa các thủ tục chứng từ”. Trong đó, chức năng của logistics là cung cấp các dịch vụ logistics có chi phí thấp và khả năng đáp ứng cao yêu cầu của khách hàng nhằm thúc đẩy thương mại trong và ngoài nước và kinh tế quốc gia phát triển. 

Tổ chức tốt các hoạt động logistics sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho thương mại thông qua việc thực hiện việc chuyên chở và giao nhận hàng hóa đúng lịch trình (just in time) và đúng nơi nhận hàng (right place), theo đó sẽ giảm chi phí tồn kho chủ động (inventory). Dịch vụ logistics thông qua việc kiểm soát thông tin làm giảm sự chậm trễ và chi phí của lưu thông hàng hóa trong các khâu mua hàng hóa - gửi hàng - thanh toán tiền hàng nằm trong quản lý chuỗi cung ứng là một mục tiêu của thuận lợi hóa thương mại của quốc gia và của từng doanh nghiệp.

Logistics trong nền kinh tế số - Ảnh 1.

Hoạt động logistics gắn trực tiếp với các kết quả kinh tế quan trọng như mở rộng thương mại, đa dạng hóa hàng xuất khẩu và tăng trưởng. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP. 

Cứ hai năm một lần, từ 2007, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động logistics (LPI) của các quốc gia. Kết quả đánh giá LPI từ 2007 đến năm 2018 cho thấy đối với các nước có cùng thu nhập đầu người thì nước nào có được hoạt động logistics tốt nhất sẽ có được sự gia tăng của tăng trưởng khoảng 1% về GDP và 2% về thương mại. LPI của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Ngân hàng Thế giới thực hiện việc xếp hạng LPI kể từ năm 2007 đến nay.

Tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng tới trên 30.000 doanh nghiệp. Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt (59,02%), tiếp đó là doanh nghiệp kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%), còn lại là doanh nghiệp vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và doanh nghiệp bưu chính chuyển phát (2,34%).

Từ đây có thể thấy rõ vai trò rất quan trọng của logistics trong việc tạo thuận lợi cho thương mại, phát triển kinh tế của một quốc gia nói riêng và của nền kinh tế khu vực cũng như toàn cầu nói chung. Điều này được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN quyết định đưa thêm dịch vụ logistics vào danh mục ưu tiên hội nhập bởi dịch vụ logistics có vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ cho phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất hàng hóa ở các nước ASEAN. Dịch vụ logistics hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng nâng cao lợi ích kinh tế - xã hội cho toàn bộ nền kinh tế khu vực, giúp thúc đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Logistics đóng vai trò quan trọng trong liên kết các hoạt động của chuỗi giá trị toàn cầu GVC (Global Value Chain) như cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế

Dịch vụ logistics là một chuỗi các hoạt động liên tục, có liên hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Dịch vụ logistics xuất hiện trong hầu như toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa. Vì vậy, dịch vụ logistics có vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế nói chung và trong hoạt động sản xuất hàng hóa nói riêng. Khi kinh tế số toàn cầu phát triển cùng với việc mở cửa thị trường ở các nước đang và chậm phát triển, thì logistics được các nhà quản lý coi như là công cụ, phương tiện liên kết các lĩnh vực khác nhau trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Logistics tạo ra sự tiện ích về thời gian và địa điểm cho các hoạt động của doanh nghiệp bởi vì logistics chính là “có được thứ mình cần thiết tại thời điểm và thời gian đúng nhất”. Trên cơ sở tận dụng các ưu điểm của công nghệ thông tin để điều phối hàng hóa từ khâu tiền sản xuất tới tận tay người tiêu dùng.

Logistics có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chu trình lưu chuyển của sản xuất kinh doanh từ khâu đầu vào nguyên vật liệu, phụ kiện... tới sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng sử dụng

Khi đề cập đến vai trò của lĩnh vực logistics, các nhà Lãnh đạo Chính phủ ASEAN thừa nhận rằng, giao thông vận tải là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tính cạnh tranh quốc tế của ASEAN trong khu vực và trên thị trường thế giới. Đặc biệt, trong buôn bán quốc tế, chi phí vận chuyển chiếm tỉ trọng khá lớn, theo số liệu thống kê của UNCTAD thì chi phí vận chuyển đường biển chiếm trung bình 10-15% giá FOB (Free on Board là giá giao lên tàu tại cảng xếp hàng), và khoảng 8-9% giá CIF (Cost, Insurance, Freight là giá thành, phí bảo hiểm, cước phí vận chuyển). 

Giao thông vận tải có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống logistics, cho nên dịch vụ vận tải ngày càng hoàn thiện và hiện đại sẽ tiết kiệm cho phí vận tải và các chi phí khác phát sinh trong quá trình vận chuyển dẫn đến tiết kiệm và giảm chi phí lưu thông. Rõ ràng, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics sẽ thúc đẩy năng lực xuất khẩu của mỗi quốc gia và do đó xuất khẩu của toàn khu vực cũng tăng lên. Lãi suất ngân hàng cao trong nhiều giai đoạn cũng khiến các doanh nghiệp có nhận thức sâu sắc hơn về vốn, vì vốn sẽ bị đọng lại do việc duy trì quá nhiều hàng tồn kho. Chính trong giai đoạn này, cách thức tối ưu hóa quá trình sản xuất, lưu kho, vận chuyển hàng hóa đuợc đặt lên hàng đầu. Với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, logistics chính là công cụ đắc lực để thực hiện điều này.

Logistics hỗ trợ cho các nhà quản lý ra quyết định chính xác trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các nhà quản lý gặp phải nhiều bài toán nan giải về nguồn nguyên liệu cung ứng, số lượng và thời điểm hiệu quả để bổ sung nguồn nguyên liệu, phương tiện và hành trình vận tải, địa điểm, bãi chứa thành phẩm, bán thành phẩm. Để giải quyết những vấn đề này một cách có hiệu quả không thể thiếu vai trò logistics vì logistics cho phép nhà quản lý kiểm soát và ra quyết định chính xác về các vấn đề nêu trên để giảm tối đa chi phí phát sinh đảm bảo hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Logistics đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo yếu tố đúng thời gian, địa điểm (just in time)

Quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã làm cho hàng hóa và sự vận động của chúng phong phú và phức tạp hơn, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, đặt ra yêu cầu mới đối với dịch vụ vận tải giao nhận. Đồng thời, để tránh hàng tồn kho, doanh nghiệp phải làm sao để lượng hàng tồn kho luôn là nhỏ nhất. Kết quả là hoạt động logistics phải đảm bảo yêu cầu giao hàng đúng lúc, kịp thời, mặt khác phải đảm bảo mục tiêu khống chế lượng hàng tồn kho ở mức tối thiểu. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cho phép kết hợp chặt chẽ quá trình cung ứng, sản xuất, lưu kho hàng hóa, tiêu thụ và vận tải giao nhận, làm cho cả quá trình này trở nên hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn, nhưng đồng thời cũng phức tạp hơn.

Tóm lại, trong nền kinh tế số, logistics là một cấu thành hết sức quan trọng để hỗ trợ các hoạt động dựa trên nền tảng số có thể thực hiện một cách hoàn hảo, khép kín chu trình vận động của hàng hóa, dịch vụ. Logistics trong nền kinh tế số sẽ tiếp tục phát triển cùng với sự  phát triển của công nghệ số và sự đa dạng của các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế số./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Logistics trong nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO