Lời giải nào cho bài toán nguồn nhân lực blockchain tại Việt Nam?

AD| 21/05/2022 08:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ số lượng người dùng Internet, độ sẵn sàng cho đến sự tiên phong của giới công nghệ trẻ, Việt Nam được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực blockchain.

Trong vài năm vừa qua, Việt Nam được nhìn nhận như một điểm nóng của ngành blockchain với sự xuất hiện của hàng loạt dự án tên tuổi đã ghi dấu ấn trên trường quốc tế.

Tính trên thế giới, trong số Top 200 công ty, DN hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có 5 - 7 DN do người Việt Nam sáng lập. Hiện có khoảng 10 startup của người Việt trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD. Những kỳ lân công nghệ Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường blockchain toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nguồn nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề thách thức đối với các DN làm về blockchain.

Nhu cầu về nhân sự ngành blockchain

Theo hãng nghiên cứu thị trường MarketsAndMarket, thị trường công nghệ blockchain Việt Nam sẽ đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tức gấp 5 lần so với hiện tại. Với việc ngày càng phổ biến và có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khiến ngành blockchain rơi vào trạng thái tăng trưởng nóng và đi kèm với đó là cơn "khát" nhân sự.

Trong đó, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính là những lĩnh vực đang rầm rộ tuyển dụng trong thời gian qua.

Chia sẻ tại buổi thảo luận với chủ đề "Nhân sự tương lai cho ngành blockchain Việt Nam", ông Kevin Tùng Nguyễn, CEO Jobhopin cho biết, Việt Nam có nhiều bạn trẻ tham gia vào ngành blockchain rất sớm, và để phát triển nguồn nhân lực này, thứ cần tập trung xây dựng hiện tại không phải là thị trường, hay sản phẩm mà chính là con người.

"Chúng tôi hợp tác nhiều với nhiều đơn vị như Kyber Network, Axie Infinity, Coin98,… và nhận thấy có nhiều công ty rất chất lượng, đầu tư nghiêm túc, có định hướng lâu dài, nhưng bên cạnh đó cũng có những công ty hời hợt, chỉ đi theo xu hướng (trend)", ông Kevin chia sẻ.

Lời giải nào cho bài toán nguồn nhân lực blockchain tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Ông Kevin Tùng Nguyễn: Nhiều bạn trẻ tham gia vào ngành blockchain rất sớm, để phát triển nguồn nhân lực này, điều cần tập trung xây dựng hiện tại không phải là thị trường, hay sản phẩm mà chính là con người.

Thị trường DeFi, GameFi tại Việt Nam hiện đã phát triển mạnh thuộc top đầu thế giới, nhiều "ông lớn" từ các nước trên thế giới đang đổ vốn đầu tư và tuyển dụng tại Việt Nam như Solana Foundation, vì vậy, cần rất chỉn chu trong việc chọn lựa nguồn nhân lực, đặc biệt với những công ty đang xây dựng lớp (layer) 1, layer 2, layer 3.

Trong năm qua đã có hơn 4.000 cơ hội việc làm tại Việt Nam cho ngành công nghiệp blockchain. Các cơ hội này không chỉ đến từ những "ông lớn" trong các ngành truyền thống đang chuyển mình để tiếp cận công nghệ blockchain như Tiki, Ahamove,… mà còn đến từ các công ty nước ngoài khác đang đầu tư tại Việt Nam.

"Jobhopin tin tưởng trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn cho các bạn trẻ trong ngành blockchain, tuy nhiên, các bạn cũng cần tìm hiểu và lựa chọn những cơ sở đào tạo uy tín và chất lượng", ông Kevin lưu ý.

Gần đây, Solana cũng đã phối hợp với Coin98 và một số đối tác tại Việt Nam tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân tài blockchain. Câu chuyện đầu tư này cho thấy chiến lược của họ không chỉ dừng lại ở việc tập trung vào sản phẩm, mà còn là những định hướng dài hơi cho nguồn nhân lực ngành blockchain.

Vấn đề của ngành công nghiệp blockchain là vấn đề chung của các công nghệ đang tăng trưởng nóng khi nhu cầu vượt xa nguồn nhân sự hiện có. Do đó, để giải quyết vấn đề sẽ cần những giải pháp, chiến lược phổ cập công nghệ và tạo ra một nguồn cung đủ dồi dào.

Đẩy mạnh đào tạo công nghệ blockchain trong các trường đại học (ĐH)

Blockchain là một công nghệ mới, đòi hỏi nhân sự làm việc phải luôn học hỏi và thay đổi nhanh chóng, ngoài ra các đơn vị tuyển dụng cũng sẽ có những tiêu chuẩn khác biệt so với các ngành còn lại.

Lời giải nào cho bài toán nguồn nhân lực blockchain tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giáo dục IMG nhận định, trong 5 năm tới, blockchain sẽ phát triển mạnh và nhu cầu về nguồn nhân lực là vô cùng lớn.

Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giáo dục IMG cho biết, cộng đồng thường nghĩ blockchain chỉ liên quan đến tài chính, do đó thường nhắc đến blockchain với những rủi ro đi kèm. Tuy nhiên trên thực tế, blockchain có thể được ứng dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau như giáo dục, giải trí, logistic,...

Trong 5 năm tới, blockchain sẽ phát triển mạnh và nhu cầu về nguồn nhân lực là vô cùng lớn. Do đó, sinh viên theo học ngành blockchain cần nỗ lực trau dồi kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ, các kiến thức cơ bản về máy móc, Internet,…

Hiện nay, các tổ chức như Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đang hướng đến việc hợp tác với các trường như ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Bách khoa,… để xây dựng những chương trình đào tạo bài bản, chính quy cho sinh viên.

Chia sẻ tại buổi thảo luận "Nhân sự tương lai cho ngành blockchain Việt Nam", ông Trần Mạnh Huy, Trưởng khoa CNTT ĐH Kiến trúc Đà Nẵng nhận định, blockchain là một công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, việc đào tạo, giảng dạy về công nghệ blockchain trong các trường ĐH vẫn còn khá khiêm tốn.

Từ thực tế đó, ông Huy đã viết một đề án nhằm thuyết phục Ban giám hiệu, cũng như các cổ đông của trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng để đưa blockchain vào chương trình giảng dạy cho sinh viên từ năm thứ nhất. Trong đề án, ông Huy cũng đã chứng minh blockchain có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, đồ họa, logistic,…

"Nếu xây dựng được khung chương trình phù hợp, blockchain sẽ không khó, ngành blockchain sẽ khai thác được nguồn nhân lực vô cùng to lớn trong tương lai", ông Huy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để xây dựng một DN blockchain cần có các nhóm (team) về truyền thông, SEO, tuyển dụng… Vì vậy, ngoài các chương trình đào tạo chuyên môn thuần tuý, cần có thêm các chương trình đào tạo về các vị trí khác nhằm tạo ra sự đồng bộ cũng như cho ra đời được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, Hiệp hội Blockchain Việt Nam ra đời mới đây được cho sẽ là nơi tập trung và kết nối mọi nguồn lực với nhau, thúc đẩy tiến trình hợp pháp hóa ngành blockchain, song song với đó là đẩy mạnh các chương trình giảng dạy chuyên môn vào các cơ sở giáo dục, nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong thời gian tới, Hiệp hội và các thành viên sẽ tập trung huy động nguồn lực, hợp tác hiệu quả với các viện nghiên cứu, trường ĐH tại Việt Nam để cùng hình thành các dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực blockchain để cùng phát triển, làm chủ, tạo ra các sản phẩm công nghệ của Việt Nam tham gia được thị trường blockchain toàn cầu, cũng như phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực blockchain. Qua đó, góp phần vào thực hiện chuyển đổi số (CĐS) quốc gia thành công, phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Tận dụng và phát huy làn sóng nhân sự quay về Việt Nam

Hiện nay, có nhiều cá nhân, hiệp hội từ nước ngoài quay trở về Việt Nam làm việc và phát triển DN, đặc biệt trong ngành blockchain. Điều này cho thấy thị trường trong nước đang rất tiềm năng và hấp dẫn.

Chia sẻ về làn sóng này, ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox đánh giá đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường lao động Việt Nam nói chung và ngành blockchain trong nước nói riêng.

Với thời gian làm việc tại các quốc gia hàng đầu về công nghệ như Mỹ, họ học hỏi được quy trình làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Khi về Việt Nam áp dụng sẽ tạo ra được một văn hóa DN mới cũng như đào tạo được nguồn nhân lực kế cận có tư duy mới, tiệm cận với các nước phát triển.

Với hơn 100 triệu dân và phần lớn đang trong độ tuổi tiêu dùng, ông Liêm cho rằng Việt Nam hiện là thiên đường của startup. Thế hệ trẻ tại Việt Nam nắm bắt công nghệ nhanh, chịu khó học hỏi, nhiều điểm sáng hơn các nước, đây là một lợi thế cho sự bứt phá trong tương lai.

"Đặc biệt, Việt Nam đang bước vào giai đoạn CĐS mạnh mẽ, các bạn trẻ đang tích cực mang các mô hình thành công ở nước ngoài về áp dụng tại Việt Nam. Khi hành lang pháp lý được ban hành, chúng ta có thể nhìn thấy làn sóng trở về nhiều hơn, cũng như các dự án startup sẽ bùng nổ hơn", ông Liêm chia sẻ./.

Bài liên quan
  • Đào tạo, phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người
    Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, trực thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), đặt mục tiêu đào tạo, phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030, trong đó bao gồm 100.000 sinh viên tại 30 trường Đại học (ĐH) trên cả nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lời giải nào cho bài toán nguồn nhân lực blockchain tại Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO