Luật báo chí 2016: Hành lang pháp lý cần thiết để báo chí đổi mới, hội nhập

Lan Phương| 04/12/2019 16:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Luật báo chí năm 2016 có hiệu lực đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, tạo thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Ngày 4/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016. Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí, các sở TTTT các tỉnh, thành phố trung ương.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo đã chủ trì Hội nghị.

Hành lang pháp lý cần thiết để báo chí đáp ứng nhu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế

Luật Báo chí được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 đến nay đã được 03 năm triển khai thực tiễn.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí báo cáo về thi hành Luật báo chí 2016

Theo báo cáo của Cục Báo chí, sau khi Luật Báo chí 2016 được ban hành và có hiệu lực pháp luật, công tác ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thi hành Luật được các cơ quan có thẩm quyển chú trọng, ban hành đầy đủ với 02 Nghị định của Chính phủ, 04 Thông tư (3 Thông tư của Bộ TTTT và 01 Thông tư của Bộ Tài chính).

Ngay trong năm 2016, sau khi Quốc hội thông qua Luật báo chí, Bộ TTTT đã tổ chức 02 hội nghị tại khu vực phía Bắc và phía Nam nhằm quán triệt, phổ biến Luật báo chí cho lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về báo chí địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí trên toàn quốc.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ TTTT và các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức cũng như tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí. Đến nay, đã có hàng ngàn đối tượng được phổ biến, quán triệt về các nội dung của Luật báo chí 2016.

Công tác phổ biến, quán triệt Luật báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn Luật đã được Bộ TTTT thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và hiệu quả.

Về triển khai thi hành Luật, các cơ quan QLNN về báo chí Trung ương và địa phương, các bộ, ngành, cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật.

Bộ TTTT, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí đã tổ chức nhiều khoá tập huấn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ báo chí cho hàng ngàn lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo trong và ngoài nước, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương; tổ chức tập huấn tuyên truyền chuyên ngành cho các phóng viên, nhà báo; triển khai thực hiện nhiều dự án, đề án.

Các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí cho biết các cơ quan hành chính nhà nước đã bước đầu tích cực phản hồi thông tin của cơ quan báo chí.

Nhiều cơ quan báo chí đồng thuận cho rằng, Luật báo chí 2016 phù hợp với tình hình đất nước, thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, tạo hành lang pháp lý cần thiết để xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.

Luật báo chí 2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo; quan trọng hơn, các nhà báo được làm việc trong môi trường pháp luật có kỷ cương, các nhà báo và cơ quan báo chí phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định trong Luật báo chí 2016.

Ngoài ra, quy định tại Luật báo chí 2016 cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động báo chí phải tuân thủ theo quy định.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí đánh giá chung qua gần 3 năm thi hành, Luật Báo chí 2016 đã tạo điều kiện cho báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.

Đại diện Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho biết: Tại TTXVN, Luật Báo chí 2016 sau khi được Quốc hội thông qua đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo. Trong quá trình triển khai, Luật Báo chí ngày càng thể hiện sát với đời sống báo chí hơn, các quy định có ràng buộc cao hơn.

Đặc biệt, chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam được cụ thể hơn, kèm theo những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo do Hội nhà báo Việt Nam ban hành sau đó, cũng đã hỗ trợ các nhà báo chân chính và góp phần đẩy lùi tình trạng phóng viên lợi dụng quyền hạn hoặc các cá nhân giả mạo nhà báo. Các quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí, những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí… cũng rõ ràng hơn.

Nhìn chung, “Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho phóng viên tác nghiệp, đồng thời là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn”, đại diện TTXVN nhấn mạnh.

Hoạt động hợp tác quốc tế của TTXVN cũng như các đơn vị trực thuộc TTXVN không ngừng được mở rộng. Nhiều hãng thông tấn, cơ quan báo chí nước ngoài đã chủ động đề nghị hợp tác với TTXVN. Các hoạt động hợp tác này, trong đó chủ yếu là trao đổi thông tin với các hãng thông tấn nước ngoài, luôn đảm bảo đúng tôn chỉ của Luật Báo chí 2016.

Bộc lộ một số vấn đề cần điều chỉnh

Tuy nhiên, tại Hội nghị, một số đại biểu cho biết, thực tiễn áp dụng Luật Báo chí thời gian qua có bộc lộ một số vấn đề.

Theo Đại diện của TTXVN, một số quy định nêu trong Luật chưa có hướng dẫn cụ thể nên không thực hiện được hoặc gặp khó khăn trong triển khai, như đặt hàng báo chí phục vụ đối ngoại (Điều 5), việc hỗ trợ cước vận chuyện báo chí phục vụ nhiệm vụ (Điều 5), chuyên gia nước ngoài (Điều 55)… dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng và đề nghị phê duyệt dự toán kinh phí, công tác kiểm toán. Vì vậy, các nội dung trong Điều 5 cần được cụ thể hoá hơn và được triển khai bằng các chương trình đồng bộ, tránh chồng chéo để mang lại hiệu quả cao. Nội dung thuê chuyên gia nước ngoài (Điều 55) cũng cần được làm rõ vì có nhiều vấn đề liên quan (ví dụ mức lương chuyên gia, khái niệm chuyên gia…).

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí và từ thực tiễn công tác quản lý, Bộ TTTT nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật báo chí 2016 như quy định về báo chí in và báo điện tử

Khoản 15 Điều 3 quy định “Tạp chí điện tửlà sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”. Với định nghĩa này, chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, dẫn đến tình trạng “báo hóa”, gây khó khó khăn trong công tác quản lý.

Luật báo chí 2016 cũng chưa quy định về báo in và tạp chí in, gây lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện, nhất là khi triển khai quy hoạch báo chí.

Giải thích tại khoản 3 và khoản 6 Điều 3 về báo in và báo điện tử: “Báo in là…, gồm báo in và tạp chí in”; “Báo điện tử là…, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử”, dễ gây nhầm lẫn, nên quy định là báo chí in, báo chí điện tử cho rõ ràng.

Ông Phúc cũng nêu các khó khăn, vướng mắc khác như việc thỏa thuận bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí, về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, quy định về phóng viên, về thẻ nhà báo, thẻ cộng tác viên, quy định về việc thực hiện số đặc biệt ngày lễ, tết, kỷ niệm, đối tượng thành lập cơ quan báo chí,…

Trong khi đó, ông Thái Thành Chung, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian qua sự phát triển mạnh mẽ của Internet, cùng với thời kỳ của truyền thông đa phương tiện và những cơ hội, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển hoạt động thông tin và truyền thông nói chung và đời sống của báo chí, phát thanh, truyền hình nói riêng. Ông Chung cho rằng cần có quy định chặt chẽ về việc đầu tư mạng phân phối nội dung (CDN).

Theo phân tích của ông Chung, hạ tầng truyền dẫn, phát sóng đối với đài truyền hình là công cụ đặc biệt của cơ quan báo chí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật công nghệ, tốc độ mới của thời kỳ truyền thông đa phương tiện và sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình báo chí dẫn đến nhiều ảnh hưởng cho sự đổi mới của Đài.

Đổi mới, đầu tư, nâng cấp phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ truyền hình đáp ứng yêu cầu thực tiễn truyền thông hiện đại là gánh gặng tài chính cho Đài, tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp tư nhân lại không phải bỏ ra khoản kinh phí lớn, nhưng vẫn có thể chuyển tải những sản phẩm truyền thông lên các hạ tầng Internet. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tuyên truyền của các kênh truyền hình truyền thống và ảnh hưởng đến nguồn thu.

Cơ quan chức năng nên nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các chế tài đối với cá nhân, doanh nghiệp truyền thông tự sản xuất chương trình truyền hình cung cấp cho các hạ tầng truyền dẫn nội dung số, các phương thức truyền dẫn mới (YouTube, Facebook…) phải đăng ký liên kết sản xuất với cơ quan báo chí theo từng loại hình truyền hình. Hoạt động này cũng giống liên kết sản xuất chương trình được hợp tác với các Đài truyền hình hiện nay, ông Chung kiến nghị.

Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật báo chí 2016 là cấp thiết

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, Luật báo chí năm 2016 khi có hiệu lực đã nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, bất cập trong hoạt động báo chí, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, tạo thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ TTTT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu

Tuy nhiên, trải qua 3 năm triển khai, một số quy định của Luật báo chí năm 2016 đã dần bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn báo chí nhất là xu hướng phát triển của công nghệ hiện nay, đặc biệt với tình hình thực tiễn mới đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

“Việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật báo chí năm 2016 là cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho biết: Bộ TTTT sẽ tiếp thu các ý kiến và tiếp tục có văn bản gửi Bộ TTTT để khi đặt vấn đề sửa đổi Luật báo chí năm 2016 có thể khắc phục những hạn chế, bất cập, thiếu sót mà Luật báo chí năm 2016 chưa làm được.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, cần nhận thức rõ khách quan luật thường đi sau thực tiễn, làm sao sửa đổi, điều chỉnh các quy định của Luật phải mang tính dự báo được tình hình phát triển trong thời gian tới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Luật báo chí 2016: Hành lang pháp lý cần thiết để báo chí đổi mới, hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO