Malaysia chuyển đổi số cấp bang để trở thành trung tâm công nghệ 4.0 của châu Á

QA| 31/05/2021 12:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Malaysia đã công bố chiến lược chuyển đổi số (CĐS) MyDigital. Theo đó, các bang của Malaysia cũng đang có những bước đi thực hiện CĐS. Bang Penang là một “công xưởng” sản xuất dựa vào công nghệ 4.0 của châu Á cũng vừa thông qua kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số (CĐS) 2021 - 2023 với 4 trụ cột chiến lược: Kinh tế, Cơ sở hạ tầng, Quản trị, Cộng đồng.

Đầu tư 12 triệu USD để CĐS

Penang là một bang lớn của Malaysia. Nền kinh tế của Penang chiếm 6,7% GDP quốc gia và 90% trong số đó được thúc đẩy bởi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Kể từ năm 2010, lĩnh vực sản xuất của Penang nói riêng đã chiếm khoảng 13% GDP quốc gia của khu vực - chỉ đứng sau Selangor (ở mức 29,9%). Đồng thời, ngành dịch vụ luôn chiếm khoảng 6% tổng sản lượng quốc gia của ngành. Hai lĩnh vực này không chỉ là thế mạnh mà chúng còn tương đối ổn định, được hỗ trợ bởi môi trường du lịch và công nghiệp lâu đời của Penang.

Để vượt qua đại dịch COVID-19 và phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bang Penang sẽ thực hiện CĐS với Kế hoạch tổng thể về CĐS Penang 2021 – 2023 vừa được công bố. Kế hoạch cũng nhằm thúc đẩy bước tiến nhảy vọt về kỹ thuật số của bang trong 3 năm tới. Bang dự định chi 12,15 triệu USD (50 triệu RM) để thực hiện Kế hoạch này.

Malaysia chuyển đổi số cấp bang để trở thành trung tâm công nghệ 4.0 của châu Á - Ảnh 1.

Thống đốc bang Penang Chow Kon Yeow (Ảnh: buletinmutiara.com)

Thống đốc bang Chow Kon Yeow, người đóng vai trò thúc đẩy chính kế hoạch này cho biết “Kế hoạch tổng thể về CĐS và việc hình thành Digital Penang được xác định là một dự án nền tảng trong Tầm nhìn Penang 2030. Chương trình nghị sự của Kế hoạch sẽ vận hành song song với sự phát triển cơ sở vật chất, cũng như các khía cạnh phát triển được đặt ra trong tầm nhìn Penang 2030, nhằm chuyển đổi bang Penang thành một bang thông minh, xanh và lấy gia đình làm trọng tâm".

Thống đốc Chow Kon Yeow cũng cho biết việc công bố Kế hoạch tổng thể là kịp thời khi các nước phải đối mặt với đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp. “Kế hoạch này được xây dựng bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản, làm thế nào Penang có thể tận dụng công nghệ để đạt được tầm nhìn Penang 2030?”.

Theo đó, Kế hoạch tổng thể được xây dựng dựa trên 4 trụ cột chiến lược gồm: Kinh tế, Cơ sở hạ tầng, Quản trị và Cộng đồng. Kế hoạch sẽ do cơ quan Digital Penang của bang, được thành lập cách đây 11 tháng, trực thuộc Chief Minister Incorporated, cơ quan đầu tư của bang, chủ trì thực hiện.

Thống đốc Chow cho biết: “Digital Penang được thành lập để khởi động và điều phối chiến lược của Penang nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế mới và được nâng cấp khả năng hoạt động”.

Không phải tất cả các công việc lớn của Kế hoạch tổng thể sẽ do Digital Penang thực hiện và Thống đốc Yeoh chia sẻ rằng một số công việc trụ cột sẽ do các cơ quan khác thực hiện. “Ví dụ, cơ sở hạ tầng viễn thông là do PDCTELCO và các cơ quan chính quyền địa phương thực hiện; số hóa du lịch do Penang Global Tourism thực hiện, trong khi thu hút FDI là việc của InvestPenang”.

Digital Penang hiện có khoảng 10 người. CEO của Digital Penang là Tony Yeoh cho biết Kế hoạch đã được chuẩn bị mà không có bất kỳ sự tư vấn bên ngoài nào. Cơ quan này sẽ được mở rộng và tuyển dụng thêm những người mới.

CEO Tony Yeoh cũng cho biết ưu tiên hiện nay là tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng. “Chúng tôi đã xác định các khu kinh tế trọng điểm để triển khai cơ sở hạ tầng cho việc số hóa thuận lợi”. Trong số các dự án, Digital Penang sẽ thực hiện bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương số hóa và củng cố hệ thống khởi nghiệp của các doanh nhân địa phương.

Digital Penang cũng đang tiếp cận với chính quyền các địa phương khác đã khởi động hành trình số của họ. Thống đốc Yeoh lưu ý rằng quá trình chuyển đổi Quản trị kỹ thuật số có thể mất nhiều thời gian hơn, “do đó, trọng tâm là thiết lập các nền tảng cho việc thu thập và chia sẻ dữ liệu, hướng dẫn về kiến trúc và tích hợp quy trình”.

Theo đó, Penang đã hợp tác với GDS (Bộ phận dịch vụ số của Chính phủ) của Vương quốc Anh, đơn vị đang chia sẻ kinh nghiệm của họ ở Vương quốc Anh. GDS của Vương quốc Anh được giao nhiệm vụ chuyển đổi việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.

Thúc đẩy CĐS các lĩnh vực của nền kinh tế và các cấp chính quyền

Trong Kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số (DTMP) đã công bố, Thống đốc Chow nói thêm rằng kế hoạch này được “thiết kế mang tính chiến lược để áp dụng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và tất cả các cơ cấu trong chính quyền bang”. Ví dụ, 4 trụ cột chiến lược của Kế hoạch phản ánh các chủ đề của Penang2030.

“Penang 2030 có hai khía cạnh tương hỗ nhau của các sáng kiến vừa số và vừa mang tính vật lý. Kỹ thuật số là một yếu tố thúc đẩy phải song hành với sự phát triển của môi trường vật chất và ngược lại”, Thống đốc Chow nói.

Kế hoạch tổng thể cũng phù hợp với các chiến lược CĐS của Liên bang là MyDigital, kế hoạch JENDELA và Kinh tế số Malaysia (MDEC). Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số sẽ điều chỉnh các tiểu kế hoạch bao gồm Kế hoạch tổng thể về kết nối Penang (Penang Connectivity Masterplan), Kế hoạch tổng thể về bang thông minh (SmartState MasterPland), Chương trình nghị sự xanh Penang và Quy hoạch tổng thể về du lịch Penang, để đảm bảo tính nhất quán về kinh nghiệm và các kết quả.

Malaysia chuyển đổi số cấp bang để trở thành trung tâm công nghệ 4.0 của châu Á - Ảnh 2.

Chuyển đổi số bám sát thực tiễn

Về cách thức giám sát tiến độ và những tiêu chuẩn sẽ được sử dụng để đánh giá việc thực hiện thành công và khoản chi 50 triệu RM, CEO Yeoh nhấn mạnh thiết lập cơ sở hạ tầng phù hợp là công việc trước tiên.

Về phát triển “Cơ sở hạ tầng”, Kế hoạch tổng thể về CĐS đã đề ra là phải điều chỉnh việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối Penang (Penang Connectivity Masterplan) (một trong những bước trong cải thiện cơ sở hạ tầng) với kế hoạch JENDELA của Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC), bao gồm tối đa hóa cơ sở hạ tầng 4G, mở rộng cáp quang mạng và triển khai 5G.

Kế hoạch CĐS tổng thể của bang cũng chỉ ra những khoảng cách số mà bang Penang đang phải đối mặt và cách thức mà bang Penang phải thu hẹp khoảng cách đó.

“Cách tiếp cận của chúng tôi đối với các biện pháp thúc đẩy CĐS và bất kỳ chương trình liên quan nào đều dựa trên kết quả và chúng tôi mong đợi tất cả các bên tham gia vào kế hoạch CĐS này”, CEP Yeoh nói.

Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp

Cũng theo Kế hoạch tổng thể về CĐS, việc phát triển nền kinh tế số của Penang cũng là một trọng tâm. Bang Penang dự định xây dựng nền kinh tế dựa trên những thế mạnh cốt lõi của bang trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, với việc thu hút và đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là chiến lược chính.

Ngoài ra, bang sẽ tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp địa phương để tiến lên số hóa và quốc tế. Kế hoạch cho biết: “Thông qua tự động hóa và kỹ thuật số hóa, các công ty địa phương của chúng tôi có khả năng cạnh tranh hơn để vươn ra bên ngoài, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Dựa trên các thế mạnh của bảng trong sản xuất điện và điện tử (E&E), cũng như mở rộng sang lĩnh vực công nghệ y tế, điện tử ô tô và thiết bị điện tử hàng không, Penang sẽ lập chiến lược và phát triển “lĩnh vực liền kề tiếp theo” để xây dựng năng lực kỹ thuật này.

Khi lập chiến lược, CEO Yeoh nói rằng bang dựa vào các doanh nhân thành đạt của bang. “Chúng tôi đang tập hợp các doanh nhân địa phương đã thành công, ví dụ như Vitrox, Pentamaster, Greatech. Chúng tôi muốn tất cả chúng trở thành một phần của hệ sinh thái”.

Các doanh nhân cũng có ý định thúc đẩy lĩnh vực công nghệ phần mềm và công nghệ thông tin, cùng với sự chú trọng vào giáo dục STEM để xây dựng nhân tài.

Kế hoạch tổng thể CĐS Penang cũng nhấn mạnh rằng trụ cột kinh tế của Penang là du lịch và nền kinh tế sáng tạo đã bị đại dịch Covid-19 tàn phá. Tuy nhiên, bang dự định sẽ sẵn sàng khi lĩnh vực này hồi sinh và đầu tư vào số hóa “để tạo ra trải nghiệm mới” trong lĩnh vực này.

Kế hoạch phía trước

Một trong những kế hoạch thú vị hơn trong Kế hoạch tổng thể là việc tạo ra một “Bản sao số” (Digital Twin) của bang Penang, với mục tiêu chính phủ là số hóa dữ liệu không gian địa lý của tất cả các lớp tiện ích và mạng lưới cơ sở hạ tầng phủ lên môi trường được xây dựng. Sau đó, điều này sẽ cho phép họ cải thiện việc ra quyết định và hợp lý hóa bất kỳ quy trình triển khai nào.

Theo trụ cột “Quản trị”, bang Penang dự định dịch chuyển sang cách tiếp cận “lấy người dân làm trung tâm” (rakyat-centric) trong các dịch vụ công. Kế hoạch CĐS sẽ thúc đẩy số hóa các quy trình cốt lõi hướng đến công dân toàn diện với dữ liệu và kiến trúc dựa trên API để cho phép tích hợp giữa nhiều cơ quan, nhằm thúc đẩy phổ cập các dịch vụ số.

Để chuẩn bị cho các thành phố mới sẽ “mọc” lên trong tương lai, bang Penang cũng sẽ phát triển “Mô hình tham chiếu thành phố thông minh” gồm các công cụ và thực tiễn nhất để chuẩn bị cho sự phát triển của các thành phố tương lai trong bang.

Theo trụ cột “Cộng đồng”, Kế hoạch tổng thể đặt mục tiêu chiến lược là nâng cao hiểu biết kỹ thuật số và khả năng áp dụng công nghệ thông qua hướng dẫn và đào tạo. Bộ phận Digital Penang đã rất bận rộn trong lĩnh vực này

khi tung ra các chương trình #DahDigital cung cấp việc làm trong thời kỳ đại dịch bằng cách thuê những người khơi nguồn cảm hứng để khuyến khích việc sử dụng các ví điện tử.

Sáng kiến này đã vươn đến 15.000 người. Đồng thời, các “huấn luyện viên” kỹ thuật số tổ chức các lớp học trên toàn bang để dạy cách sử dụng các ứng dụng như đỗ xe thông minh, gọi xe, ngân hàng điện tử, email,... cho các phân khúc cộng đồng gặp nhiều thách thức nhiều hơn về công nghệ bằng nhiều ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau.

“Chúng tôi cũng sẽ đào tạo nghiệp vụ bán hàng cho một số huấn luyện viên kỹ thuật số và trang bị cho họ các kỹ năng tiếp thị và bán hàng kỹ thuật số để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp bán các sản phẩm kỹ thuật số của họ,” ông Yeoh cho biết thêm.

Bang Penang cũng có ý định sử dụng công nghệ như một kênh khác để thu hút công chúng tham gia nguồn ý tưởng, phản hồi và ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách, với các nền tảng kỹ thuật số được sử dụng để thu hút cộng đồng, thúc đẩy đối thoại và huy động phong trào tình nguyện kỹ thuật số.

Khi được hỏi liệu bang có nhắm mục tiêu nào để đạt được thành quả vào cuối năm nay hay không, ông Yeoh cho biết văn phòng Digital Penang nằm trong khu vực di sản, “và chúng tôi sẽ tập hợp các sáng kiến vào khu vực này như một nơi trình diễn các chủ đề của Penang 2030”.

Cần lưu ý rằng khu vực di sản thuộc Sáng kiến Vịnh Penang (Penang Bay Initiative), là một nỗ lực lớn của chính quyền bang nhằm phục hồi và làm mới các cơ sở sử dụng không gian nước của George Town và Butterworth thành một không gian năng động phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG).

Với một sáng kiến lớn và bao trùm là Kế hoạch tổng thể về CĐS Penang, việc giành được sự ủng hộ của công chúng và các bên liên quan khác thông qua cập nhật tiến độ thường xuyên là chìa khóa quan trọng nhưng ở đây, Yeoh cho biết văn phòng chủ trì Penang 2030 sẽ quyết định điều này.

Tuy nhiên, ông Yeoh nói thêm, “Số hoá là một cảm giác. Chúng tôi sẽ biết liệu chúng tôi có đang đi đúng không khi chúng tôi nhìn thấy và cảm nhận được sự thay đổi rõ ràng, đặc biệt là trong ứng dụng và đầu tư”.

Tài liệu tham khảo: Bernama, digitalpenang, digitalnewsasia

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Malaysia chuyển đổi số cấp bang để trở thành trung tâm công nghệ 4.0 của châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO