Mạnh tay hơn nữa để dẹp video xấu độc trên mạng xã hội

Ánh Dương| 12/11/2020 08:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Internet đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng, tuy nhiên đây cũng chính là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đặc biệt đối với trẻ em và thanh thiếu niên với hàng loạt những thông tin giả, tin sai sự thật, video xấu độc xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Video xấu độc vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội

Câu chuyện "nấu cháo gà nguyên lông" hay "đập heo đất ăn trộm tiền" của Hưng Vlog bị xử phạt cách đây không lâu chỉ là một góc rất nhỏ nhưng cũng thể hiện thực trạng nhức nhối của các nền tảng mạng xã hội hiện nay.

Ngày nay, chúng ta không khó để bắt gặp những video với những nội dung độc hại, bạo lực, phản cảm, hàng loạt các phong trào nổi tiếng như: thử thách lửa (fire challenge) - tự đốt bản thân và dập lửa ngay sau đó; thử thách 24 giờ làm chó, một ngày nằm trong quan tài, hướng dẫn tự tử, ăn xà phòng, dao đâm vào người hoặc nhảy lầu không chết,…

Nhiều video với những câu nói thô thiển biến thành xu hướng, các bài hát chế văng tục, chửi bậy, thiếu tính giáo dục… vẫn xuất hiện tràn lan trên YouTube, Facebook, và Tik Tok…

Chưa bao giờ, trên khắp không gian mạng lại tràn ngập video nhảm nhí, video "rác" khiến những người xem có văn hóa phải lắc đầu ngao ngán như bây giờ.

Điều đáng lo ngại là những video này đều có lượt xem và lượt tương tác cao đến khó hiểu. Một số kênh YouTube nội dung nhảm nhí, bị chỉ trích nhưng vẫn có lượng đăng ký theo dõi lên đến hàng triệu lượt, thậm chí lọt top những kênh được đăng ký theo dõi nhiều nhất tại Việt Nam.

Cần mạnh tay hơn nữa để dẹp video xấu độc trên mạng xã hội - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Trên thực tế, một đoạn video có nội dung độc hại một khi trở nên phổ biến sẽ "bình thường hóa các hành động sai trái" làm cho tất cả chúng ta hiểu sai về bản chất của sự việc và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em và thanh thiếu niên - đối tượng dễ bị tổn thương nhất do chưa có đủ kiến thức, tư duy phản biện và các kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân. Khi những đứa trẻ bị tác động sẽ thực hiện những hoạt động bắt chước theo đoạn video ấy một cách tự nhiên mà không ý thức được hành vi của mình. Nếu để thả nổi, chúng ta sẽ có một thế hệ chỉ toàn xem những thứ nhảm nhí và để lại những hệ lụy khó lường.

Cần những biện pháp quyết liệt hơn nữa

Trước thực trạng này, ngày 05/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, xử lý các video có nội dung nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ðiều này cho thấy việc kiểm soát các nội dung xấu độc trên mạng xã hội cần những hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ phía cơ quan chức năng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ TT&TT đã tích cực làm việc, đấu tranh với các mạng xã hội hoạt động theo hình thức xuyên biên giới, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng cơ chế làm việc và có đầu mối hợp tác với Việt Nam để xử lý các tài khoản, video clip xấu độc.

Cụ thể, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã có văn bản yêu cầu Google xử lý video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên YouTube.

Theo đó, Google phải ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo đối với các kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, giật gân khi có yêu cầu của Cục, nhằm bảo vệ người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, và cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung có uy tín tại Việt Nam. Nếu kênh tiếp tục vi phạm, Cục sẽ đề nghị YouTube ngăn chặn, gỡ bỏ kênh.

Tăng cường bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung nhảm nhí, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ để tiến hành ngăn chặn, gỡ bỏ.

Cùng với đó là xem xét, yêu cầu các kênh YouTube được bật kiếm tiền tại Việt Nam đăng ký vào các MCN (Multi-channel Network) của YouTube tại Việt Nam, đồng thời tăng số lượng MCN nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của các kênh này.

Cần mạnh tay hơn nữa để dẹp video xấu độc trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Để ngăn chặn hiệu quả các video xấu độc trên không gian mạng cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng và cả người sử dụng mạng xã hội.

Để ngăn chặn hiệu quả các video có thông tin, nội dung xấu độc trên không gian mạng, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cũng đòi hỏi sự phối hợp tích cực của người sử dụng mạng xã hội. Mỗi người dân tham gia mạng xã hội cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình. Hãy trở thành người sử dụng thông minh, tỉnh táo, theo dõi có chọn lọc các nội dung lành mạnh, hữu ích, đồng thời kiên quyết phê phán, lên án, tẩy chay các thông tin độc hại. Một trong những cách làm đơn giản hiệu quả nhất của người xem trên mạng là khi thấy một nội dung xấu độc hãy bấm nút report (nút báo cáo vi phạm quy tắc cộng đồng theo luật của YouTube).

Hy vọng, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TT&TT, Bộ Công an, các clip xấu độc, nhảm nhí sẽ bị loại bỏ, trả lại không gian "sạch" cho những người tham gia mạng xã hội. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản vẫn là trách nhiệm của đơn vị chủ quản mạng xã hội và nhận thức của người dùng trong việc nhận diện thông tin thật - giả, xấu độc để tránh bị lôi kéo, dẫn dắt tới những biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu, độc. Tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95% và của YouTube là tăng từ 50% lên 90%.

Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017. Tương tự, số video xấu độc trên YouTube được gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ tăng 8 lần.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mạnh tay hơn nữa để dẹp video xấu độc trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO