Máy tính lượng tử Nhật Bản nhắm tới 10 triệu người dùng vào năm 2030

AD| 19/04/2022 06:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhật Bản có kế hoạch đưa máy tính lượng tử nội địa đầu tiên vào sử dụng vào cuối tháng 3/2023 và dự kiến sẽ có 10 triệu người sử dụng công nghệ này vào năm 2030.

Đây là mục tiêu được đưa ra trong một chiến lược được công bố mới đây của Nhật Bản.

Tháng 1/2022, Nhật Bản đã quyết định cải tổ chiến lược công nghệ lượng tử quốc gia nhằm cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc làm chủ những công nghệ quan trọng. 

Quốc gia này thậm chí còn tăng hơn gấp đôi khoản đầu tư liên quan đến lượng tử cho ngân sách tài khóa 2022 lên 80 tỷ yên.

Theo chiến lược mới, chính phủ Nhật Bản coi việc áp dụng rộng rãi công nghệ khu vực tư nhân là chìa khóa để theo kịp cuộc đua khốc liệt trên toàn cầu về sự thống trị công nghệ, và xác định công nghệ lượng tử sẽ là cốt lõi của cuộc chiến công nghệ giữa các quốc gia trong tương lai.

Máy tính lượng tử đã trở thành một trong những lĩnh vực trọng tâm được quan tâm đầu tư trong những năm vừa qua, đặc biệt là tiềm năng của nó trong việc chuyển đổi một số ngành công nghiệp nhất định.

Máy tính lượng tử, có khả năng xử lý vượt xa siêu máy tính, được sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau như phát triển thuốc, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo và truyền thông thế hệ tiếp theo. Thông tin liên lạc mật mã lượng tử được cho là sẽ khiến việc nghe trộm gần như không thể xảy ra. Do đó, Nhật Bản cũng đang tìm cách khuyến khích các công ty khai thác công nghệ này cho các dịch vụ và sản phẩm mới.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh với nhau để giành vị trí thống trị trong lĩnh vực đang phát triển này, các quốc gia và tổ chức khác trên thế giới cũng đang dần bắt kịp. Và năm 2022 được dự đoán là năm mà các công ty có thể bắt đầu chứng kiến những đột phá về máy tính lượng tử mang lại những ứng dụng thực tế.

Tại Nhật Bản, Viện nghiên cứu Riken được chính phủ hậu thuẫn đang dẫn đầu các nỗ lực phát triển trong lĩnh vực này. Quốc gia này cũng bổ sung thêm hai cơ sở nghiên cứu mới để khám phá các ứng dụng công nghiệp, nâng tổng số cơ sở nghiên cứu lên 10 địa điểm.

Máy tính lượng tử Nhật Bản nhắm tới 10 triệu người dùng vào năm 2030 - Ảnh 1.

Máy tính lượng tử nội địa đầu tiên của Nhật Bản nhắm tới 10 triệu người dùng vào năm 2030.

Theo Nhật báo Nikkei, một trong hai cơ sở nghiên cứu sẽ được đặt tại Đại học Tohoku ở Sendai, tỉnh Miyagi, trên bờ biển đông bắc Nhật Bản. Cơ sở này sẽ đào tạo nhân sự và hỗ trợ nghiên cứu - phát triển. Trong khi đó, cơ sở còn lại được đặt tại Học viện Khoa học và Công nghệ Okinawa, sẽ đóng vai trò là trung tâm thúc đẩy nghiên cứu chung của các nhà khoa học toàn cầu.

Đào tạo nguồn nhân lực thành thạo trong việc sử dụng máy tính lượng tử cho các ứng dụng kinh doanh sẽ là yêu cầu cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi của các tập đoàn, các doanh nghiệp. Theo đó, chiến lược dự kiến sẽ hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ lượng tử thông qua một quỹ nhà nước.

Tuy nhiên, theo Nikkei những hỗ trợ của các quỹ nhà nước vẫn còn những hạn chế nhất định. Để thúc đẩy sự lan tỏa của công nghệ mới, sự đầu tư tích cực của cộng đồng doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết.

Chiến lược mới cũng xác định việc thành công sẽ phụ thuộc lớn vào sự tham gia của khu vực tư nhân.

Các tên tuổi lớn như Toyota Motor, Hitachi và NTT cũng đã tham gia vào Liên minh công nghiệp chiến lược lượng tử (Q-STAR), được ra mắt vào năm ngoái. 

"Q-STAR sẽ kêu gọi sự tham gia của các ngành công nghiệp đa dạng hỗ trợ các mục tiêu và sáng kiến, đồng thời sẽ hợp tác với các ngành công nghiệp, học viện và chính phủ trong việc thúc đẩy các sáng kiến áp dụng công nghệ mới và thiết lập các nền tảng công nghệ liên quan", theo thông báo của NTT năm 2021.

Liên minh đặt mục tiêu thiết lập một nền tảng được công nhận trên toàn cầu sẽ thúc đẩy sự hợp tác với các tổ chức khác trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực công nghệ lượng tử./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Máy tính lượng tử Nhật Bản nhắm tới 10 triệu người dùng vào năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO