Mở rộng đối tượng kê khai, nộp thuế điện tử

13/06/2016 10:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và hiện đang tiếp tục mở rộng triển khai đối với nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ khi tổ chức, cá nhân đăng ký ô-tô, xe máy, hộ cá nhân kê khai nộp thuế qua mạng in-tơ-nét đối với hoạt động cho thuê nhà, thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng bất động sản...

Doanh nghiệp tìm hiểu dịch vụ nộp thuế điện tử tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Đồng Nai. Ảnh: NHẬT MINH

Nhiều tiện ích

Sau gần một năm nộp thuế điện tử, Phó Giám đốc Công ty CP phát triển đầu tư và xây dựng Nam Việt (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Sơn Hải cho biết, việc kê khai thuế, nộp thuế điện tử đều mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN). Nhân viên kế toán thuế không còn phải trực tiếp đến cơ quan thuế, thậm chí không nhất thiết phải nộp thuế vào giờ hành chính, mà chỉ cần ngồi ở nhà, với vài cú “nhấp chuột” là ngân hàng sẽ chuyển tiền thuế vào kho bạc được Chi cục huế chỉ định. Không chỉ vậy, nộp thuế điện tử là hình thức rất minh bạch, vì không cần phải gặp cán bộ thuế, cũng chẳng bị cơ quan nào bắt lỗi, vì mọi thông tin đã được mạng in-tơ-nét lưu trữ. Trước kia, DN phải làm ủy nhiệm chi, nay chỉ làm lệnh chuyển tiền là xong. Mã số DN và mã số thuế bây giờ là một, do đó muốn kiểm tra sức khỏe DN có nợ thuế không, làm ăn thế nào, có bị treo hóa đơn không, kể cả hóa đơn còn hạn sử dụng không,… chỉ cần gõ mã số là ra hết thông tin.

Những năm trước đây, nhân viên kế toán của các DN trên địa bàn TP Biên Hòa (Đồng Nai) rất e ngại mỗi khi đi kê khai, nộp thuế. Bởi, Chi cục Thuế Biên Hòa quản lý đến gần tám nghìn DN, do vậy tình trạng quá tải lượng người đến kê khai thuế vào những ngày cuối tháng ở chi cục này là điều không thể tránh khỏi, cho dù cán bộ thuế được huy động lực lượng cao nhất để giải quyết việc này. Thế nhưng, kể từ khi áp dụng kê khai, nộp thuế điện tử từ năm 2011, những rắc rối nêu trên đã giảm rất nhiều. Trưởng phòng Tài chính, Công ty TNHH Aqua Việt Nam Lê Đức Lợi cho biết: “Nộp thuế điện tử, DN không cần in ra những giấy ủy nhiệm chi gửi cho ngân hàng. Chúng tôi chỉ cần lên mạng, kê khai thuế trên mạng trong vòng vài phút là chuyển tiền xong”.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) thương mại - dịch vụ Bến Gỗ, xã An Hòa, TP Biên Hòa Huỳnh Ngọc Hiếu, chia sẻ: “Trước đây, khi chưa thực hiện kê khai thuế điện tử, HTX phải kê khai trên giấy. Đối với đơn vị phân phối hàng hóa với số lượng lớn phải làm rất nhiều bản khai, giấy tờ, nếu có sai sót phải chỉnh sửa lại rất vất vả. Đó là chưa kể mất thời gian, công sức đến cơ quan thuế xếp hàng chờ nộp. Nộp thuế điện tử với việc sử dụng chữ ký số đã khắc phục được những khó khăn này. Người của HTX không phải đến cơ quan thuế mà có thể chủ động kê khai thuế 24/24 giờ nên rất tiện lợi”.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Có thể thấy, rất nhiều lợi ích đem đến cho DN khi kê khai, nộp thuế điện tử, như: ngồi tại văn phòng có thể hoàn tất thủ tục một cách nhanh chóng, kể cả vào ngày nghỉ hay ngày cuối tuần, không sợ bị trễ hạn và việc sửa chữa sai sót trong khi kê khai cũng nhanh gọn, dễ dàng... Chính những thuận tiện này, tại Hà Nội, đến nay đã có hơn 99% số DN nộp hồ sơ khai thuế qua mạng. Số DN đăng ký nộp thuế điện tử thành công qua cổng thông tin của cơ quan thuế cũng đạt hơn 96,1%. Cục Thuế Hà Nội cho biết, DN đã quen dần với hình thức kê khai thuế, nộp thuế điện tử cho nên giảm dần những vướng mắc trong quá trình triển khai.

Tại Đồng Nai, tính đến đầu năm 2016, số DN đã đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế lên đến hơn 14.700 DN, chiếm tỷ lệ 95% tổng số DN đang hoạt động tại Đồng Nai. Trong đó, các DN đăng ký nộp thuế qua ngân hàng hơn 13.800 DN. Mục tiêu Cục Thuế Đồng Nai đặt ra là trong năm 2016 có 100% số DN tham gia nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành thuế Đồng Nai phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để hai nhóm DN có vốn FDI và DN vừa và nhỏ tham gia nộp thuế điện tử. Đây là hai nhóm DN chiếm tỷ lệ lớn số DN chưa tham gia nộp thuế điện tử ở Đồng Nai. Nguyên nhân là phần lớn các DN FDI đăng ký tài khoản tại các ngân hàng đầu tư nước ngoài, ngân hàng nước ngoài trong khi ngành thuế Đồng Nai chưa liên kết được hết các ngân hàng này. Đối với các DN FDI có tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài muốn kê khai thuế điện tử lại phải mở thêm tài khoản ở ngân hàng trong nước. Vấn đề này lại gặp khó khăn khi các DN FDI phải làm việc với những cơ quan kiểm toán nước ngoài hoặc với công ty mẹ. Bên cạnh đó, một số DN vừa và nhỏ hiện nay đã đăng ký nộp thuế điện tử nhưng thực tế số thuế phát sinh chưa có. Để tháo gỡ khó khăn này, Cục Thuế Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế nhanh chóng nối mạng và liên kết tất cả các ngân hàng, kể cả ngân hàng nước ngoài.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này đã có hơn 161 nghìn DN đăng ký nộp thuế điện tử, đạt hơn 96% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn. Hiện nay, về cơ bản ngành thuế đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về DN nộp thuế một cách thống nhất và liên tục được cập nhật. Từ các dữ liệu này có thể cung cấp thông tin kịp thời đến cán bộ ngành thuế trong công tác quản lý, điều hành, dù không trực tiếp ở cơ quan. Tuy nhiên, do phần mềm quản lý thuế được lập trình chưa phù hợp thực tiễn hoạt động DN ở nước ta, cùng với một số chính sách về thuế còn thiếu tính ổn định, vì vậy hệ thống vẫn còn một số lỗi cần khắc phục, sửa chữa. Trong kê khai, nộp thuế điện tử, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, khâu vướng mắc nhất vẫn là đăng ký xe máy, ô-tô và thuế trước bạ nhà đất. Thực tế các cơ quan liên quan và ngành thuế còn “vênh” nhau một số vấn đề, như ngành công an chưa chấp nhận hóa đơn điện tử của ngành hải quan, thuế, mà đòi hỏi người đăng ký xe máy, ô-tô phải có hóa đơn đỏ. Đối với ngành tài nguyên và môi trường thì cơ sở dữ liệu về nhà đất chưa ổn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có hệ thống dữ liệu thống nhất về nhà đất trong dân, dẫn đến nhiều hộ dân vẫn khó khăn trong việc đóng tiền sử dụng đất. Một khó khăn nữa là các ngân hàng cũng chưa thật sự kết nối, liên thông với nhau, đó là chưa kể nhiều DN đầu tư nước ngoài chỉ sử dụng hệ thống ngân hàng nước ngoài để giao dịch…

Để việc kê khai, nộp thuế điện tử trở thành phổ biến, tiện dụng cho mọi đối tượng, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho rằng, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với ngành thuế, có chính sách khai thông thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông trong một số lĩnh vực nhất định…

Đến ngày 20-5-2016, hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố với hơn 535 nghìn DN thực hiện khai thuế qua mạng (đạt 99,59% tổng số DN); số lượng hồ sơ khai thuế điện tử tiếp nhận hơn 31,6 triệu hồ sơ; số DN đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử hơn 492 nghìn DN (đạt tỷ lệ 91,58% tổng số DN đang hoạt động) với số thuế nộp năm 2016 đạt hơn 174 nghìn tỷ đồng.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng đối tượng kê khai, nộp thuế điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO