Mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng

Đỗ Minh| 02/06/2021 16:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Giờ đây, việc bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng, an toàn, an ninh mạng (ATANM) đang trở nên quan trọng, nhất là khi CNTT phát triển và thay đổi nhanh chóng, kéo theo nguy cơ về các cuộc tấn công mạng.

Đây cũng chính là nhiệm vụ được ưu tiên, điều kiện tiên quyết để bảo vệ thành quả, thành tựu việc xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính phủ số, kinh tế số, phục vụ hoạt động của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp (DN). Chính vì ý nghĩa quan trọng trên, mới đây, nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố, địa phương (đơn vị) đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước (CQNN), phát triển chính quyền số, CQĐT và đảm bảo ATTT mạng năm 2021 và giai đoạn 05 năm tiếp theo (2021-2025).

Trong số các đơn vị trên, Bộ Tư Pháp và tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch cụ thể về nội dung này và qua đây thêm sự khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, nghiêm túc của các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ: Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 09/3/2019; Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018; Quyêt định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020; Công văn số 2606/BTTTT-CATTT ngày 15/7/2020… Tất cả vì mục tiêu phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số kiến tạo, bền vững.

Phấn đấu đạt nhóm 10 địa phương có chỉ số ICT Index cao nhất cả nước

Theo Quyết định số 161/QĐ-UBND của tỉnh Bắc Ninh, đến cuối năm 2021, tỉnh tích cực tập trung: Hoàn thiện nền tảng CQĐT nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, DN; phát triển CQĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới chính quyền số, kinh tế số; đảm bảo ATTT, an ninh mạng…

Nhân nói về việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, cung cấp dữ liệu mở, đến nay tỉnh đạt được những kết quả tích cực như: Vận hành hiệu quả trung tâm dữ liệu dùng chung, phần mềm quản lý văn bản điều hành thống nhất, tập trung và liên thông; ứng dụng phần mềm "Một cửa điện tử", số hóa các cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý chuyên ngành trên nền tảng bản đồ số GIS; đầu tư hệ thống camera giám sát…

Bên cạnh đó, kế hoạch còn xác định, thời gian tới tỉnh xây dựng hạ tầng ICT làm nền tảng cho việc phát triển, triển khai ứng dụng CNTT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT phù hợp với kiến trúc CQĐT Bắc Ninh và triển khai xây dựng cơ bản mô hình thành phố thông minh (TPTM)…

Mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần an toàn an ninh mạng - Ảnh 1.

Trung tâm điều hành TPTM tại Bắc Ninh, được coi là "bộ não số" của tỉnh Bắc Ninh

Được biết, về hạ tầng ICT, mạng điện thoại di động của tỉnh đã phủ sóng đến tất cả các xã trong tỉnh với chất lượng tốt (hiện toàn tỉnh có: 1.679 vị trí cột BTS, 4.198 trạm BTS; hơn 2,1 triệu thuê bao di động, hơn 1 triệu thuê bao Internet…). Đây là một kết quả đáng mừng, thể hiện hướng đi đúng, trọng tâm, giúp Bắc Ninh thống nhất phát triển mạng lưới, tránh chồng chéo trong sử dụng chung hạ tầng thông tin giữa các DN viễn thông.

Bên cạnh đó, mục tiêu kế hoạch còn đề ra đến cuối năm quyết tâm thực hiện: Đảm bảo 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% TTHC đáp ứng yêu cầu được triển khai DVCTT mức 3, 4 trên Cổng DVC của tỉnh (80% DVCTT mức 4 được cung cấp, khai thác trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, 50% các DVCTT mức 3, 4 của tỉnh tích hợp với Cổng DVC quốc gia); phấn đấu chỉ số ICT Index cấp tỉnh duy trì trong nhóm 10 địa phương cao nhất cả nước…

Tuy nhiên, để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu này, tỉnh yêu cầu thời gian tới các đơn vị, cơ quan chức năng trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, DN; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; thu hút nguồn nhân lực CNTT; tăng cường hợp tác.

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (ĐH XX), theo báo cáo kết quả việc ứng dụng CNTT trong việc xây dựng CQĐT của tỉnh của nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ XIX), kết quả đạt được từ việc ứng dụng CNTT của tỉnh: 100% các cơ quan nhà nước sử dụng cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành, hòm thư công vụ, chứng thư số…

Để phát huy hơn nữa những thành quả này, Nghị quyết Đại hội XX nhiệm kỳ mới xác định "Tỉnh nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý điều hành để phù hợp với quá trình CĐS quốc gia; quản trị điện tử; đô thị thông minh…".

Như vậy, với những yêu cầu, giải pháp của kế hoạch, cùng với những quyết tâm nêu trong Nghị quyết, thiết nghĩ đây sẽ là cơ sở, động lực để Bắc Ninh bám sát thực hiện nhiệm vụ của mình, sớm vượt qua khó khăn (hiện tại đang là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19). Và điều tin chắc, khi làm tốt các yêu cầu trên, thành quả mới sẽ sớm được tạo ra, giúp địa phương phát triển vững mạnh, đảm bảo an toàn trên con đường số hóa, đáp ứng tốt yêu cầu của tiến trình CĐS quốc gia.

ATTT - Lá chắn giúp bảo vệ nguồn CSDL pháp luật trên môi trường điện tử

Cũng như Bắc Ninh, hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới chính phủ số, nhất là việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, DN; bảo đảm ATTT và an ninh mạng; hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT… ngành Tư pháp vừa ban hành Quyết định 682/QĐ-BTP kế hoạch cùng về nội dung này.

Theo đó, đến cuối năm 2021, đơn vị này sẽ đảm bảo thực hiện: 100% DVCTT mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, DN được cung cấp trên Cổng DVC Bộ Tư pháp, tích hợp lên Cổng DVC quốc gia; 100% giao dịch trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ được xác thực điện tử; 80% DVCTT mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan Bộ được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…

Đồng thời, giai đoạn 05 năm tới, bộ xác định cần tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh các ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ số và bảo đảm ATTT mạng, do đó tỉnh triển khai nhiệm vụ này trên cơ sở: Hoàn thiện môi trường pháp lý (xây dựng quy chế quản lý, khai thác các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành…); phát triển hạ tầng kỹ thuật; Phát triển các hệ thống nền tảng; phát triển dữ liệu (xây dựng CSDL: hộ tịch điện tử toàn quốc, lưu trữ điện tử, quốc gia về pháp luật, quốc gia về xử lý vi phạm hành chính…); phát triển các ứng dụng, dịch vụ CNTT (phần mềm, hệ thống thông tin về giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự…); đảm bảo ATTT (theo hướng dẫn mô hình 04 lớp của Bộ TT&TT; định kỳ, đột xuất thực hiện kiểm tra, đánh giá ATTT theo quy định của pháp luật…); phát triển nguồn nhân lực…

Mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần an toàn an ninh mạng - Ảnh 2.

Hệ thống Khai sinh điện tử mang lại nhiều lợi ich thiết thực cho người dân

Khi nói về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển CNTT những năm qua, Bộ Tư Pháp đã đồng bộ mọi giải pháp về hạ tầng, kỹ thuật để phục vụ, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành với Trục liên thông văn bản Quốc gia và hệ thống thông tin của Trung ương, địa phương, tạo sự phong phú, bảo vệ an toàn cho nguồn CSDL quốc gia về pháp luật trên môi trường điện tử.

Và cũng nhờ việc tận dụng các lợi thế, thế mạnh từ CNTT, đơn vị này đã tối ưu hóa các hoạt động chuyên môn, chuyên ngành pháp luật trên các công cụ, nền tảng, phần mềm điện tử như: Đăng ký khai sinh điện tử; đăng ký và quản lý hộ tịch; quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án; thống kê…

Bên cạnh đó, một kết quả cũng được coi là một điểm sáng trong việc đảm bảo ATTT, thời gian qua đơn vị này đã triển khai Hệ thống thư điện tử và được đánh giá chất lượng, đảm bảo ổn định, sẵn sàng về khả năng bảo mật tài khoản cho người dùng, độc lập, an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống.

Đặc biệt, trong việc thực hiện nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020, nhất việc thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Bộ Tư pháp đã thực hiện theo quy trình 04 bước (Lực lượng tại chỗ; tổ chức thuê DN giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức thuê DN giám sát quốc gia).

Nhằm phát huy hơn nữa những ưu điểm đó, kế hoạch cũng đề ra các giải pháp tập trung trong thời gian tới: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN; phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, DN; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; thu hút nguồn lực CNTT; tăng cường hợp tác quốc tế…

ATANM cần sự tham gia, ủng hộ của mọi thành phần xã hội

Trên đây là hai trong số nhiều đơn vị đang thực hiện triển khai nhiệm vụ quan trọng này, tuy nhiên, vì đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm giúp đảm bảo, bảo vệ thành quả của việc phát triển CPĐT và chuyển đổi số (CĐS), do đó toàn cấp ngành, bộ, địa phương phải tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, coi đây như trách nhiệm của mình, luôn sẵn sàng, chủ động, phải chủ động đi trước một bước trước, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu, sự cố tấn công mạng vì nó có thể bất kỳ xảy ra lúc nào.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh, khi Việt Nam đang từng bước, chủ động tham gia tích cực vào cuộc cách mạng số thì không gian mạng chính là tương lai thịnh vượng của đất nước. Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn.

Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Theo đó, mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần ATANM như một phần bắt buộc. Việt Nam cần phải có một mạng lưới chuyên gia và đơn vị chuyên trách về ATANM dưới sự điều phối của cơ quan chức năng [1].

Cách đây không lâu, tại buổi lễ ra mắt Hệ thống chia sẻ và giám sát thông tin phục vụ CPĐT, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đảm ATTT mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Việc đảm bảo an ninh, ATTT mạng trong quá trình xây dựng CPĐT không chỉ là nhận thức của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, DN, cần đặc biệt coi trọng sự tin tưởng và sử dụng của mọi người. CPĐT chỉ đem lại hiệu quả khi an toàn và phục vụ người dân và DN.

"Để đảm bảo ATANM trong quá trình xây dựng CPĐT, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài, đồng thời cần tận dụng sự tham gia, ủng hộ của mọi thành phần xã hội" , Phó Thủ tướng nhấn mạnh [2].

Là đơn vị chức năng giúp việc, tham mưu quản lý nhà nước về các vấn đề ATTT, đại diện Cục ATTT, Bộ TT&TT cho rằng, điều kiện cần để nâng cao hiệu quả của hoạt động, nhiệm vụ này chính là phải tập trung đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho ít người và đào tạo phổ cập cho nhiều người.

"Việt Nam cần tạo ra một số sản phẩm ATTT tốt, có khả năng đáp ứng được nhu cầu sử dụng, đáp ứng được kỳ vọng của người dùng", đại diện Cục ATTT nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1]. https://nhandan.vn/thong-tin-so/nang-luc-an-toan-an-ninh-mang-cua-quoc-gia-473117/

[2]. https://bnews.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-chu-trong-dam-bao-an-toan-an-ninh-mang/143892.html


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO