Mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử

Thanh Quý| 22/02/2017 09:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí chiều ngày 21-2, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến tháng 2-2017, cả nước có 76,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ 82% số dân tham gia BHYT.

Hình ảnh có liên quan
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đi đôi với việc tăng tỷ lệ bao phủ BHYT là duy trì sự bền vững tham gia BHYT của các đối tượng. Một trong những giải pháp thời gian tới là triển khai lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, tăng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân tại y tế cơ sở, qua đó, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT và kích thích sự tham gia BHYT của các đối tượng chưa tham gia.

Thông tin thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân thời gian qua đã đạt được một số thành tựu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: mô hình bệnh tật kép, bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao… Bên cạnh đó, chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp, chưa động viên được toàn dân tham gia BHYT; nhân lực y tế cơ sở thiếu và yếu, trang thiết bị chưa đồng bộ; tình trạng quá tải diễn ra ở nhiều bệnh viện tuyến trên…

Thời gian tới cần tập trung hơn cho y tế cơ sở để quản lý sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm bệnh tật và điều trị kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí khám, chữa bệnh. Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân sẽ bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Người bệnh sẽ có mã số riêng, thay cho sổ khám, chữa bệnh hiện nay. Với hồ sơ sức khỏe điện tử, các thông tin về sức khỏe người bệnh được cung cấp chính xác, tạo thuận lợi cho chẩn đoán và điều trị, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, phát hiện sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, giảm bớt chi phí điều trị. Đối với quỹ BHYT, việc chẩn đoán, điều trị bệnh sớm sẽ hạn chế bớt việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, do đó, giảm bớt chi phí bảo hiểm y tế.

Hiện nay, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được thí điểm tại một số trạm y tế của huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) và các xã Chi Lăng, Phú Lương (tỉnh Bắc Ninh). Sau thời gian thí điểm sẽ rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch triển khai cả nước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO