MoMo và kế hoạch mở rộng “vùng phủ” đến khu vực nông thôn từ năm 2022

Thế Phương| 18/04/2022 13:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện MoMo, chiến lược của ví điện tử này từ năm 2022 là gia tăng hiện diện tại các thành phố cấp 2, 3 và các vùng nông thôn để có thể cung cấp các dịch vụ thiếu yếu cho người dân một cách dễ dàng, đơn giản với chi phí thấp, đặc biệt là trong bối cảnh một số người sử dụng vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Hơn 31 triệu người dùng, tăng 11 triệu so với thời điểm tháng 9/2020

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch MoMo, tính đến đầu năm 2022, ví điện tử này đã có hơn 31 triệu người dùng, tăng 11 triệu tài khoản (khoảng 55%) so với thời điểm tháng 9/2020. Cùng với đó, hệ sinh thái MoMo không ngừng mở rộng với hơn 50.000 đối tác kinh doanh, hơn 50 đối tác tài chính bao gồm các ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm cùng mạng lưới hơn 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước trải rộng nhiều lĩnh vực.

Lý giải về sự tăng trưởng này, ông Diệp cho rằng, bên cạnh việc ủng hộ của người dùng và không ngừng cải tiến sản phẩm, dịch vụ, còn là do sự đồng hành, tạo điều kiện của Chính phủ với những chính sách thuận lợi và cởi mở. Có thể kể đến như "thanh toán không tiền mặt" đang được Chính phủ thúc đẩy; các ngân hàng, các tổ chức tài chính, các bộ, ban ngành cùng nhau hợp tác tiến tới một xã hội không tiền mặt trong tương lai gần. Ví dụ mục tiêu 80% dân số trên 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác vào năm 2025 là một mục tiêu đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bên, không phải là việc của riêng ngân hàng và các tổ chức tài chính.

Nguyên nhân thứ 2 là do dịch bệnh đã giúp người dân ý thức được tầm quan trọng của thanh toán không tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. Từ một lựa chọn vì "hoàn cảnh" trong giai đoạn giãn cách, thanh toán không tiền mặt đã dần trở thành nhu cầu thiết yếu.

Cuối cùng, sự gia tăng này còn do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), theo thông tin từ Bộ Công thương, trong năm qua, lĩnh vực này vẫn đang tăng trưởng tới 18%. "TMĐT và thanh toán không tiền mặt có mối quan hệ tương hỗ. TMĐT tăng trưởng, nhu cầu thanh toán không tiền mặt và ví điện tử nói chung cũng tăng trưởng tích cực", ông Diệp nhấn mạnh.

Khi được hỏi về việc MoMo đang chuyển sang giai đoạn "khai thác người dùng" thay vì chạy theo khuyến mại để hút người sử dụng mới, ông Diệp khẳng định, với lợi thế nền tảng công nghệ mở, đội ngũ công nghệ trẻ, MoMo liên tục tiên phong và áp dụng công nghệ mới như AI, Big Data, Machine Learning… theo đuổi chiến lược AI-first với mục đích cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, mang đến niềm vui, sự thú vị cho người dùng. Bởi vì, mục tiêu ưu tiên và lâu dài của MoMo là có được "người dùng hạnh phúc" (happy user).

Kể từ khi thành lập, MoMo luôn mong dùng công nghệ giúp người dân Việt Nam tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách đơn giản, dễ dàng với chi phí thấp. "Đó cũng là lý do trong những năm gần đây chúng tôi liên tục hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty bảo hiểm để cho ra đời hàng loạt sản phẩm tài chính tiên phong như ví trả sau (hợp tác với TPBank), vay nhanh (hợp tác với EVN Finance), các sản phẩm bảo hiểm hợp tác các hãng bảo hiểm lớn... để giúp hàng triệu khách hàng tiếp cận nhanh với dịch vụ tài chính bảo hiểm", ông Diệp khẳng định.

Trong các hợp tác này, MoMo đóng vai trò nền tảng kết nối khách hàng với các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc đánh giá khách hàng.

MoMo và kế hoạch mở rộng “vùng phủ” đến khu vực nông thôn từ năm 2022 - Ảnh 1.

Ồng Nguyễn Bá Diệp: Việc gia tăng hiện diện MoMo tại các thành phố cấp 2, 3 và vùng nông thôn nằm trong chiến lược của ví điện tử từ năm 2022.

Tăng sự hiện diện của MoMo tại các thành phố cấp 2, cấp 3, vùng nông thôn

Về kế hoạch trong thời gian tới, việc gia tăng hiện diện MoMo tại các thành phố cấp 2, 3 và vùng nông thôn nằm trong chiến lược của ví điện tử từ năm 2022. MoMo mong muốn cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống, đặc biệt là dịch vụ tài chính, bảo hiểm đến với mọi người dân Việt Nam không phân biệt vùng miền, trình độ, nghề nghiệp,... một cách dễ dàng, đơn giản với chi phí thấp.

"Đi cùng với sự phổ biến của smartphone, một bộ phận các hộ gia đình ở nông thôn đã bắt đầu làm quen với việc nạp tiền/thanh toán điện thoại di động trên ứng dụng của chúng tôi mà không cần phải chạy đi tìm nơi bán thẻ nạp, hay chuyển tiền, thanh toán hàng hóa online hay thanh toán tiền điện, nước, Internet… hàng tháng bằng các hình thức không tiền mặt", ông Diệp lý giải.

Để tăng sự tiện dụng cho người dùng, MoMo liên tục phát triển các tính năng như nhắc hóa đơn đến hạn, so sánh chi tiêu từng tháng vào sản phẩm thanh toán hóa đơn (Bill Payment) giúp người dùng chỉ cần vài lần chạm là có thể thanh toán chính xác số tiền, đồng thời không lo hóa đơn quá hạn, bị cắt điện, cắt nước…

Để tạo niềm tin cho người dùng, bên cạnh sự quan tâm đến từng nhu cầu hàng ngày, MoMo liên tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, giúp người dùng hiểu rõ sự thuận lợi, an toàn của các hình thức thanh toán không tiền mặt. Bởi vì, do là một nền tảng thanh toán, MoMo luôn đặt an toàn của người dùng lên hàng đầu.

Khi được hỏi việc cạnh tranh khi ví điện tử này gia tăng "vùng phủ" xuống khu vực nông thôn, thành phố cấp 2, cấp 3, nơi mà dịch vụ mobile money đang hướng tới, ông Diệp khẳng định, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt đang rộng mở và đủ "đất" cho những đơn vị cung cấp dịch vụ với trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Càng nhiều thành viên tham gia, thị trường sẽ sôi động hơn, mỗi thành viên có thêm động lực để cải tiến sản phẩm, dịch vụ, chinh phục người dùng.

Ông Diệp cũng hy vọng dịch vụ mobile money sẽ là động lực để người dân ở nông thôn làm quen với thanh toán không dùng tiền mặt, tiến tới sử dụng các dịch vụ ngân hàng và ví điện tử. "Để triển khai mobile money, nhà nước đã áp dụng rất nhiều chính sách mới và cởi mở, chúng tôi cũng mong rằng các chính sách tương tự sẽ được áp dụng với trung gian thanh toán trong thời gian tới", ông Diệp cho biết.

MoMo và kế hoạch mở rộng “vùng phủ” đến khu vực nông thôn từ năm 2022 - Ảnh 2.

Để gia tăng tiện ích cho người dùng, MoMo trở thành ví điện tử đầu tiên được tích hợp trên ứng dụng Gojek tại Việt Nam.

Rào cản đến từ tâm lý e ngại khi thanh toán không dùng tiền mặt

Đánh giá về xu hướng "thanh toán không dùng tiền mặt" trong giai đoạn bình thường mới, ông Diệp cho rằng, với sự ủng hộ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, thanh toán không tiền đang là mục tiêu ưu tiên và đang được thúc đẩy mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực của cuộc sống. Song song đó, dịch bệnh đã khiến người dân và các doanh nghiệp có thêm động lực sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt.

Ông Diệp đã dẫn chứng thời điểm năm 2003, khi dịch cúm SARS hoành hành, Trung Quốc là một điển hình của quốc gia thành công trong việc thanh toán không tiền mặt. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho rằng dịch bệnh SARS năm 2003 đã giúp Trung Quốc khởi động một nền kinh tế không tiền mặt, thúc đẩy TMĐT. SARS đã thực sự làm thay đổi lâu dài trong hành vi tiêu dùng, đặc biệt là lựa chọn thanh toán của người dân.

Qua đó, theo ông Diệp, Việt Nam đang có những diễn biến tương tự, khi mà nhận thức từ cả người dùng lẫn doanh nghiệp về thanh toán không tiền mặt cùng chuyển biến, sự thay đổi sẽ diễn ra rất nhanh. Ví dụ đơn giản, trong những tháng giãn cách và phong tỏa, rõ ràng việc đến ngân hàng hoặc các cây ATM đều vô cùng khó khăn, tiêu dùng tiền mặt vì vậy cũng chẳng dễ dàng gì. Chưa kể, việc gặp nhau cũng không thực hiện được và giao dịch, tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt cũng khiến mọi người ngần ngại vì lo sợ lây bệnh.

Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không tiền mặt trong thương mại điện tử đạt tỷ lệ 50%... Tất cả những động thái này cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và nền kinh tế số trong tương lai gần.

"Do đó, có thể có thể nói thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi bao gồm sự ủng hộ từ Chính phủ, các doanh nghiệp và người dùng", ông Diệp bày tỏ.

Cụ thể, đầu tiên là việc chính phủ đã tạo một môi trường hết sức cởi mở để phát triển cùng với những mục tiêu cụ thể. Điều này đã giúp tạo động lực tích cực để các ngân hàng, fintech, tổ chức tài chính nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp thanh toán không tiền mặt.

Thuận lợi tiếp theo đến từ sự sẵn sàng cho các hình thức thanh toán không tiền mặt từ người dân cũng là một động lực mạnh mẽ cho sự phổ cập của thanh toán không tiền mặt.

Ngoài ra, với công nghệ, mọi người dùng chỉ cần có smartphone đều có thể tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ trong nền kinh tế không tiền mặt. Chỉ riêng với ứng dụng MoMo, người dùng đã có thể thực hiện các hoạt động thanh toán thường nhật như đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đổ xăng, ăn uống, mua sắm, du lịch - giải trí, tiếp cận các dịch vụ tài chính bảo hiểm, đến quyên góp từ thiện,...

Mặc dù vậy, rào cản lớn nhất cho việc phổ cập thanh toán không tiền mặt đến từ tâm lý e ngại của một bộ phận người dùng về niềm tin, sự an toàn khi sử dụng các hình thức thanh toán điện tử. Đây là câu chuyện chung của thanh toán điện tử nói riêng và ngành tài chính nói chung.

Để tháo gỡ những khó khăn này, ông Diệp cho rằng cần một giải pháp đồng bộ trong việc tuyên truyền các hình thức thanh toán không tiền mặt, giúp người dân tin tưởng hơn với các hình thức thanh toán mới mẻ nhưng tiện lợi, hiện đại. Điều này cần sự chung tay của Nhà nước, các cơ quan chức năng - là những đơn vị uy tín và nhận được sự tin tưởng từ người dân..

"Về người dùng, tôi cho rằng cần có những giải pháp kết hợp giữa các đơn vị hữu quan trong hệ thống tài chính nhằm tăng cường hơn nữa nhận thức về an toàn bảo mật trên không gian mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán. MoMo vẫn liên tục khuyến cáo và cảnh báo người dùng tuyệt đối không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) cho bất kỳ ai nhằm đảm bảo an toàn và bảo vệ tài sản", ông Diệp cho biết thêm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
MoMo và kế hoạch mở rộng “vùng phủ” đến khu vực nông thôn từ năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO