Một số kết quả triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tại Quảng Nam

Thái Sơn| 13/11/2019 12:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ vẻ Chính phủ điện tử, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 30/3/2016 phê duyệt Dự án “Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam” nhằm thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử, công khai, minh bạch, hiệu quả, phục vụ chuyên nghiệp, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và cải thiện quan hệ giữa công dân với cơ quan chính quyền.

Mục tiêu chung của dự án là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, gắn với quá trình cải cách hành chính, để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng CNTT một cách đồng bộ, đồng thời đưa vào sử dụng những phần mềm dùng chung để nâng cao năng lực quản lý, điều hành trên môi trường mạng, tạo nền tảng để phát triển Chính quyền điện tử. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã thu được một số kết quả nhất định như sau.

Kết quả đạt được

Đánh giá kết quả đạt được của Dự án “Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam” dựa trên các tiêu chí nêu tại Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển CNTT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, thì cơ bản các chỉ tiêu đã đạt và vượt so với yêu cầu Nghị quyết đề ra, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy sự phát triển CNTT giai đoạn 2020-2030. Cụ thể như sau: 100% các sở, ngành,  huyện, thị xã, thành phố đã có trang/cổng thông tin điện tử, sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, phần mềm một cửa điện tử; số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được cung cấp hộp thư điện tử công vụ @ quangnam.gov.vn đạt gần 1.500 hộp thư, đạt gần 50% số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện; 100% sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố; 62% xã, phường, thị trấn đã được cấp chứng thư số chuyên dùng. 79/244 xã, phường, thị trấn đã triển khai sử dụng phần mềm hành chính công điện tử cấp xã.

Việc gửi nhận văn bản điện tử có chữ ký số giữa các cơ quan nhà nước được sử dụng rộng rãi giúp giảm thời gian và chi phí, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật cho các giao dịch, thúc đẩy cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ liên thông qua phần mềm Qoffice toàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2019 đạt trung bình 60%, trong đó, tỷ lệ nhận liên thông văn bản đạt 22,3% (106.535/477.316), tỷ lệ gửi liên thông văn bản đạt 99,1% (87.648/88.455).

Đối với địa bàn cấp huyện, thành phố Tam Kỳ, Hội An và thị xã Điện Bàn là ba địa phương đầu tiên triển khai mô hình Trung tâm Hành chính công và ứng dụng hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp huyện từ năm 2018. Hệ thống phần mềm được triển khai thông suốt đến 100% cấp xã, phục vụ cho việc tiếp nhận, gửi hồ sơ liên thông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp: đến nay 100% Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố có Cổng thông tin điện tử; tỷ lệ thông tin chỉ đạo điều hành được cung cấp trên mạng đạt khoảng 80%, 106 cổng cho các xã, phường, thị trấn (đạt 47%) có cổng thông tin điện tử; thêm 1 chuyên trang tiếng Anh phục vụ việc tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế; 100% các thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp trực tuyến qua mạng ở mức độ 1,2, trong đó, số lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 là 72 DVC TT, mức độ 3 là 426 DVCTT.

Tỉnh đã triển khai hệ thống nhắn tin SMS, thanh toán trực tuyến, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tra cứu, giao dịch xử lý hồ sơ trực tuyến. Hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp tỉnh đã kết nối liên thông dữ liệu với các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành do các Bộ, ngành Trung ương triển khai như CSDL đăng ký kinh doanh, CSDL cấp, đổi Giấy phép lái xe, CSDL lý lịch tư pháp, … cho phép liên kết dữ liệu với các Bộ, ngành trung ương phục vụ công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính có liên quan.

Ngoài ra, hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh đã triển khai thử nghiệm kết nối, thiết lập kênh kênh “Chính quyền điện tử Quảng Nam” trên ứng dụng Zalo phục vụ người dân, doanh nghiệp, cho phép gửi các thông báo, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính đến người dân qua Zalo, đồng thời, cho phép người dân làm thủ tục trực tiếp trên Zalo, bằng cách điền thông tin vào tờ khai điện tử và đính kèm hình ảnh giấy tờ cần thiết qua Zalo đến Trung tâm hành chính công của tỉnh, tra cứu kết quả hồ sơ. Với sự phổ biến rộng rãi của mạng xã hội Zalo, hy vọng mô hình này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của Chính quyền điện tử một cách thuận tiện, dễ dàng hơn.

Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những điểm mạnh, những chỉ tiêu đã hoàn thành, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, cụ thể là: Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra: Quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn chưa thân thiện, chưa lấy người dân làm trung tâm. Mặc dù số lượng dich vụ công mức 3, mức 4 đang triển khai ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 3,4 chiếm khoảng 23% tổng số TTHC của tỉnh.

Tuy nhiên, tỷ lệ DVT TT mức độ 3,4 có phát sinh hồ sơ lần lượt là 34% và 36%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 trên tổng số hồ sơ toàn tỉnh là 21%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 4 là 32%. Đối với cấp huyện, tổng số hồ sơ trực tuyến tiếp nhận là 70 hồ sơ trên tổng số gần 40.000 hồ sơ cấp huyện. Cấp xã, phường chưa cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3,4. Hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu, thiếu đồng bộ, thiếu tập trung: Tỉnh chưa có Trung tâm tâm dữ liệu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định dẫn đến khó khăn trong triển khai các dư án ứng dụng CNTT quy mô lớn, tập trung toàn tỉnh. Tại các cơ quan, đơn vị, hạ tầng CNTT được đầu tư đã lâu, chưa được nâng cấp tổng thể ảnh hưởng đến việc triển khai các hệ thống thông tin của các đơn vị. Chưa triển khai các giải pháp bảo mật, phòng chống virus tại các đơn vị cũng như các giải pháp sao lưu, phục hồi dữ liệu, gây nguy cơ về mất an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu của cơ quan nhà nước. Đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu:

Tính đến hết 31 tháng 12 năm 2018, tỉnh Quảng Nam có tổng số 3.197 biên chế công chức cấp tỉnh, huyện, 5.201 cán bộ, công chức chuyên trách cấp xã. Trong khi đó, số CBCCVC chuyên trách CNTT của tỉnh mới chỉ có 90 người, tỷ lạ CBCCVC chuyện trách CNTT trung bình trong một cơ quan ( từ cấp huyện trở lên) chỉ đạt 1,32 người/ 1 đơn vị. Đội ngũ cán bộ CNTT chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ quốc tế về An toàn bảo mật thông tin, quản trị mạng cũng như chứng chỉ về quản trị cơ sở dữ liệu. Từ số liệu trên có thể thấy, đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi về CNTT của tỉnh còn thiếu và yếu. Việc xây dựng Chính quyền điện tử cần có một đội ngũ cán bộ tin học rất lớn. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ chuyên trách CNTT cảu tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, có nơi còn xem nhẹ vị trí, vai trò của cán bộ CNTT, ảnh hưởng đến việc tham mưu, triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước tại các đơn vị. Nguồn lực cho công nghệ thông tin còn hạn hẹp Nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án lớn về phát triển và ứng dụng CNTT còn khá hạn hẹp. Hiện tại, tỉnh chưa có một kế hoạch huy dộng nguồn lực mang tính tổng thể va đủ lớn dể đảm bảo thực hiện vấn đề tin học hóa hệ thống và cao hơn là xây dựng Chính quyền điện tử.

Giải pháp để xây dựng chính quyền điện tử

Xây dựng Chính quyền điện tử là quá trình phức tạp, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp các, ngành. Do đó, để đảm bảo xây dựng Chính quyền điện tử thành công, hiệu quả, cần hướng tới các giải pháp tổng thể như: - Ứng dụng CNTT gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời, triển khai thực hiện ứng dụng CNTT kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO. - Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng CNTT, viễn thông, bảo đảm chất lượng đường truyền, bảo đảm an toàn thông tin, đặc biệt là phát triển hạ tầng CNTT ở cấp xã, khu vực miền núi của tỉnh. - Tập trung xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), tạo nền tảng kết nối thông suốt, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm, và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ cấp tỉnh đến xã/phường. - Thành lập cơ sở dữ liệu dùng chung cho 3 cấp chính quyền bao gồm tỉnh, huyện, xã. Xây dựng hạ tầng kết nối 3 cấp chính quyền thông suốt và đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Xây dựng các CSDL nền, dùng chung toàn tỉnh như CSDL đất đai, CSDL dân cư, CSDL doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc xây dựng các hệ thống thông tin quản lý, đồng thời thực hiện việc kế thừa, chia sẻ dữ liệu nhằm mục đích đơn giản hóa các thủ tục hành chính. - Thiết lập Cổng Dịch vụ công của tỉnh kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Thiết lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoat động của chính quyền các cấp. - Đánh giá nhu cầu nhân lực CNTT phục vụ cho việc thực hiện Chính quyền điện tử ở cả 3 cấp để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử. - Xây dựng mạng lưới Wifi công cộng tại các địa điểm công cộng, cơ quan công quyền nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng các ứng dụng Chính quyền điện tử của người dân va doanh nghiệp; - Tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp về lợi ích của việc thực hiện các thủ tục hành chính qua hệ thống Chính quyền điện tử. Xây dựng và có chương trình đào tạo cung cấp các hiểu biết và kỹ năng cho mỗi người dân trỏ thành một công dân điện tử. Hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp đăng ký, tạo lập tài khoản điện tử duy nhất nhằm thực hiện các thủ tục hành chính cụ thể.

Ngày 03 tháng 5 năm 2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1285/QĐ-UBND  về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyến điện tử tỉnh Quảng Nam (Ban Chỉ đạo) với thành viên là các cán bộ lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, với Quy chế hoạt động rõ ràng, cụ thể về mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn. Hy vọng rằng, trong quá trình hoạt động của mình, Ban Chỉ đạo sẽ có các hoạt động tích cực, hiệu quả, đúng trọng tâm, tháo gỡ được các vấn đề khó khăn để đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Nam theo đúng chương trình, mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Một số kết quả triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tại Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO