Mỹ siết bảo hộ pháp lý đối với các công ty công nghệ trực tuyến

Hải Vân| 18/06/2020 16:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Động thái này được cho là nhằm buộc các công ty công nghệ trực tuyến lớn phải có trách nhiệm nhều hơn trong việc kiểm duyệt nội dung thông tin đăng tải.

Mỹ siết bảo hộ pháp lý đối với các công ty công nghệ trực tuyến - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: multichannel.com)

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 17/6 đã đưa ra đề xuất hạn chế bớt những bảo hộ pháp lý dành cho các nền tảng trực tuyến suốt hơn 2 thập kỷ qua. Động thái này nhằm buộc các công ty công nghệ trực tuyến phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc kiểm duyệt nội dung thông tin đăng tải.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn thông tin trên tờ Wall Street Journal nói rõ đề xuất mới này nhằm mục đích buộc các công ty phát triển nền tảng trực tuyến phải có giải pháp triệt để hơn đối với các nội dung có hại hoặc bất hợp pháp trên các trang của họ, đồng thời buộc các công ty phải cương quyết gỡ bỏ những nội dung sai trái. Tuy nhiên, để có hiệu lực, đề xuất cần được nghị viện Mỹ thông qua.

Đây là bước đi mới nhất thể hiện rõ bức tranh căng thẳng ngày càng tăng giữa chính quyền của Tổng thống Donald Trump với các “gã khổng lồ” công nghệ như Twitter Inc, Facebook Inc, hay Alphabet Inc sở hữu Google.

Hồi tháng trước, Tổng thống Trump cũng đã ký sắc lệnh thu hẹp quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các công ty truyền thông xã hội với lý do lạm dụng quyền xóa bài hoặc tạm khóa tài khoản của người dùng.

Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng những đề xuất mới mà cơ quan này đưa ra không chỉ giúp giải quyết vấn đề trên mà còn nhắm tới việc tước bỏ quyền miễn trừ trách nhiệm dân sự mà các công ty công nghệ hiện đang được hưởng, nhất là trong tình huống các công ty này đồng tình với nội dung bất hợp pháp đăng trên nền tảng trực tuyến của họ.

Theo đề xuất trên, các công ty công nghệ sẽ không được miễn trừ trách nhiệm pháp lý nếu nền tảng trực tuyến của họ có nội dung ủng hộ, cổ súy cho hành động của bên thứ ba, mà hành động đó vi phạm luật hình sự liên bang như lừa đảo trên mạng, buôn ma túy giả hoặc trái phép.

Ngoài ra, khi không còn quyền miễn trừ trách nhiệm pháp lý, các công ty công nghệ có thể bị người dùng kiện nếu như họ bị lừa đảo trên các nền tảng trực tuyến. Bộ Tư pháp Mỹ dự định cũng sẽ áp dụng quy định này trong các trường hợp liên quan tới lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến hay khủng bố trực tuyến

Trong phản ứng mới nhất, đại diện hai hãng công nghệ lớn là Twitter và Facebook tái khẳng định quan điểm cho rằng họ cần được bảo hộ pháp lý lâu dài.

Twitter cho rằng việc các công ty công nghệ không được hưởng miễn trừ trách nhiệm pháp lý sẽ gây tổn hại đến quyền tự do trên không gian mạng. Facebook cho rằng việc siết chặt các quy định pháp lý sẽ “buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì mà hàng tỷ người trên thế giới phát ngôn.”

Năm 1996, Mỹ ban hành Communications Decency Act (tạm dịch Đạo luật khuôn khổ truyền thông). Mục 230 của đạo luật này cho phép các công ty công nghệ của Mỹ được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với những hành động, nội dung do người dùng thực hiện, đồng thời các công ty cũng được trao quyền tự kiểm soát các nền tảng trực tuyến sao cho phù hợp với luật pháp nước Mỹ.

Trong vài năm gần đây, điều mục này đã gây ra khá nhiều chỉ trích, kể cả trong giới nghị sĩ Mỹ, vì cho rằng các chính sách bảo hộ pháp lý đã lỗi thời và không còn cần thiết trong kỷ nguyên có quá nhiều các hãng công nghệ khổng lồ như hiện nay./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Đấu giá thành công 2 khối băng tần, thu về cho ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng
    Theo Bộ TT&TT, việc tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz) đã thu về cho ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng.
  • Amazon rót thêm 2,75 tỷ USD vào startup AI Anthropic
    Ngày 27/3, Amazon cho biết đang rót thêm 2,75 tỷ USD vào Anthropic, nâng tổng vốn đầu tư vào công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) này lên 4 tỷ USD.
  • Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường quốc tế
    Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị trường, khai thác cơ hội kinh doanh sản phẩm, giải pháp ra nước ngoài, sáng 26/3/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị lần hai về hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường quốc tế”.
  • “Kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21” từ góc nhìn của năng lực hiểu biết về truyền thông
    Mạng xã hội đã và đang chứa đầy thông tin sai lệch. Để tồn tại và phát triển tích cực trong một thế giới đầy ắp thông tin và luôn luôn biến động không ngừng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có những hiểu biết cơ bản về các kỹ năng thẩm định, phân tích thông tin, phân biệt giữa các hình thức truyền thông với những mục đích khác nhau.
  • Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số
    Logistics là một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dịch vụ này bao gồm các hoạt động về nhận hàng, đóng gói, vận chuyển, thủ tục giấy tờ hải quan, kho bãi, giao hàng và quản lý thông tin và ngày càng phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Đừng bỏ lỡ
Mỹ siết bảo hộ pháp lý đối với các công ty công nghệ trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO