Năm 2025, Hải Phòng phấn đấu nằm trong top 15 địa phương dẫn đầu về chính quyền số

Trường Thanh| 09/11/2020 19:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong các mục tiêu của kế hoạch chuyển đổi số thành phố Hải Phòng là đến năm 2025, Hải Phòng nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển chính quyền số.

Kế hoạch chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND TP. Hải Phòng ban hành. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc triển khai hiệu quả, đúng mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749 ngày 3/6/2020. Đây cũng là căn cứ để các sở, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp (DN) tại Hải Phòng triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.

Theo đó, UBND TP. Hải Phòng xác định rõ các mục tiêu cơ bản cần đạt được của thành phố về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 và 2030.

Cụ thể, về phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 của kế hoạch là: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Đồng thời, 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố được thực hiện qua Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin báo cáo thành phố với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Cũng đến năm 2025, các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn thành phố; từng bước chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và tổ chức để phát triển kinh tế - xã hội; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Hải Phòng cũng phấn đấu nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số phát triểt chính quyền số.

Năm 2025, Hải Phòng phấn đấu nằm trong Top 15 địa phương dẫn đầu về chính quyền số - Ảnh 1.

Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển chính quyền số. Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn

Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; và năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.

Đối với phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 của Hải Phòng là phổ cập dịch vụ mạng di động 5G khu vực trung tâm và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số của thành phố có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%.

Ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số

Kế hoạch chuyển đổi số TP. Hải Phòng cũng đã vạch ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới để tạo nền móng chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Nhận thức được xác định đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Để chuyển đổi nhận thức, Hải Phòng sẽ tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và DN về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số gắn với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

Đồng thời, kế hoạch yêu cầu xây dựng chuyên mục "Chuyển đổi số" trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử của sở, ban, ngành, quận, huyện để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về chuyển đổi số.

Đặc biệt, kế hoạch nêu rõ, người đứng đầu tại các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, DN cũng cam kết đổi mới, cho phép thử nghiệm cái mới, ứng dụng công nghệ mới; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách.

Cùng với đó, UBND các quận, huyện trên địa bàn Hải Phòng chủ động lựa chọn một xã/phường/thị trấn để triển khai thử nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Trong kế hoạch chuyển đổi số của Hải Phòng, các lĩnh vực sẽ được ưu tiên chuyển đổi số gồm có: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp, du lịch, ngoại vụ.

Việc đôn đốc, điều phối chung các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn Hải Phòng sẽ do Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của thành phố đảm trách. UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao, ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2025, Hải Phòng phấn đấu nằm trong top 15 địa phương dẫn đầu về chính quyền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO