Nam Định: Đột phá trong ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính

Mai Anh| 10/06/2020 10:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Để đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) hướng tới xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, góp phần thúc đẩy CCHC.

Nhiều đột phá trong ứng dụng CNTT phục vụ CCHC

Thực hiện Nghị định 61 của Chính phủ về công tác cải cách các thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Những năm gần đây, huyện Giao Thủy đã có những chuyển biến rõ rệt cả về thủ tục giấy tờ, thời gian trả kết quả trên các lĩnh vực, được người dân ghi nhận.

Năm 2019, cơ sở vật chất được nâng cấp khá đồng bộ, các cơ quan ban ngành có lĩnh vực liên quan đến nhân dân đã được thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện cơ chế một cửa. Từ kết quả đã đạt được, cũng như quá trình học tập các mô hình hành chính công tiên tiến ở một số tỉnh thành, huyện Giao Thủy đang hướng tới thực hiện các bước cải cách trong giải quyết TTHC hướng đến sự hài lòng của người dân.

Theo đó, mọi TTHC được niêm yết công khai, thuận tiện cho người dân đến giao dịch. Trung tâm hành chính một cửa đã được đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng việc tiếp nhận và giải quyết các loại giấy tờ của các tổ chức cá nhân trên địa bàn huyện với 9 lĩnh vực gồm: Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp, Tài chính kế hoạch, Tài nguyên môi trường, văn hóa, Tư pháp. Riêng lĩnh vực Y tế, công tác quản lý đã được chuyển đơn vị chuyên môn theo hướng dẫn của Sở Y tế.

Tất cả các giao dịch TTHC đều bấm số tự động và được tư vấn, tiếp nhận giải quyết công việc theo yêu cầu và có phiếu hẹn ngày trả kết quả.

Đặc biệt, điện thoại đường dây nóng được công khai, hệ thống camera an ninh được lắp đặt toàn bộ trong và ngoài Trung tâm, có sự giám sát của UBND huyện về mức độ hoàn thành, thái độ làm việc tiếp dân của cán bộ, công chức.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong CCHC, năm 2019, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT tử huyện và ban hành Kế hoạch số 531/KH-BCĐ ngày 11/7/2019 về triển khai đẩy mạnh xây dựng CQĐT… Trong đó, huyện tập trung thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, cấp thiết; khuyến khích các doanh nghiệp (DN) viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ CNTT.

Cùng với đó, huyện tiếp tục duy trì và vận hành khai thác có hiệu quả Cổng thông tin điện tử của huyện cung cấp thông tin kịp thời, chính xác tới cán bộ, công chức, DN, nhân dân trong và ngoài huyện về các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, thông tin đầu tư, các chủ trương, chính sách mới của Trung ương, của tỉnh và huyện.

Huyện Giao Thủy: Nhiều đột phá trong ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính - Ảnh 1.

Công dân đến giải quyết TTHC. (Ảnh: Namdinh.gov.vn)

Đến nay, ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT cơ bản, huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống "một cửa điện tử" tích hợp với Cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến cấp huyện theo mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh để giải quyết mọi nhu cầu về giải quyết TTHC của người dân và DN.

Hệ thống DVC trực tuyến đã cung cấp toàn bộ 226 TTHC cấp huyện, trong đó có 134 thủ tục mức độ 3, 4. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC, trả kết quả đúng hạn đạt trên 97%.

Năm 2019, huyện cũng đã xây dựng thành công hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cho các xã, thị trấn với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng đảm bảo kết nối từ huyện đến các xã, thị trấn. Các hệ thống phần mềm dùng chung tiếp tục được triển khai, nhân rộng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng mục tiêu đề ra.

Huyện Giao Thủy: Nhiều đột phá trong ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính - Ảnh 2.

Công dân đến giải quyết TTHC. (Ảnh: giaothuy.namdinh.gov.vn)

Tiếp tục đẩy mạnh CCHC hướng tới xây dựng CQĐT

Để đạt được những mục tiêu triển khai ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin, hướng tới xây dựng CQĐT, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện theo định hướng ứng dụng CNTT kết hợp với cải cách TTHC; tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tạo môi trường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Nhà nước trên cơ sở kiến trúc CQĐT của tỉnh; triển khai xây dựng một số thành phần cơ bản của đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng yêu cầu các ngành, các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo việc quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tập trung chỉ đạo, định hướng, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn huyện nhằm sớm hiện thực hóa CQĐT.

Nam Định là một trong 8 địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành việc kết nối với Cổng DVC quốc gia; đáp ứng chức năng, yêu cầu kỹ thuật và cung cấp đầy đủ DVC trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục đã được phê duyệt. Đến nay, 100% các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC trên Cổng DVC trực tuyến của tỉnh, với tổng số TTHC được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4 là 720/1.716 TTHC, đạt tỷ lệ 45%, cao hơn bình quân chung của cả nước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Đột phá trong ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO