Nam Định phổ cập rộng rãi 2 ứng dụng thông minh cho cán bộ, người dân

Lan Phương| 13/11/2020 15:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Nam Định đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính quyền số, xã hội số và đô thị thông minh (ĐTTM).

Chia sẻ tại Hội thảo công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, ngành và địa phương năm 2019, Giám đốc Sở TT&TT Nam Định Vũ Trọng Quế cho biết năm 2019 - 2020 là năm hội tụ của những kết quả hết sức tốt đẹp trong lĩnh vực ứng dụng CNTT của tỉnh Nam Định.

Nam Định phổ cập rộng rãi 2 ứng dụng thông minh cho cán bộ, người dân - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo Giám đốc Vũ Trọng Quế, chỉ số hiện đại hóa nền hành chính trong Bộ chỉ số Par Index của tỉnh được Bộ Nội vụ đánh giá đứng thứ 18/63 tỉnh/thành, đạt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tỉnh Nam Định đề ra. Bộ TT&TT đã công bố Nam Định là tỉnh xếp thứ 18 trong bảng xếp hạng đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2019. Đặc biệt, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 tỉnh Nam Định đạt 50,42% (vượt chỉ tiêu cung cấp 30% DVCTT mức độ 4 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2020).

Cụ thể, trục liên thông văn bản điện tử của tỉnh đã được xây dựng, kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia, phục vụ hiệu quả việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước, và hầu hết các cơ quan Đảng, đoàn thể,các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Nam Định với các bộ, ban, ngành trung ương.

Tỉnh Nam Định phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp trên 2.100 chữ ký số. Bình quân mỗi tháng có gần 50.000 văn bản đến và 7.000 văn bản đi được xử lý liên thông. Giờ đây, việc tiếp nhận các văn bản chỉ đạo, điều hành và ký trực tiếp bằng chữ ký số được thực hiện liên thông trên hệ thống mạng đến tận cấp xã (Hầu hết các lãnh đạo sở, ngành, huyện, thành phố đã ký số liên thông trên IPad và điện thoại thông minh - hướng tới sẽ mở rộng đến cán bộ cấp xã.

Sở TT&TT đã xây dựng và vận hành ổn định Cổng DVCTT của tỉnh tích hợp hệ thống thông tin một cửa điện tử và triển khai đến tất cả các cơ quan nhà nước 3 cấp. Cổng cung cấp trên 1.671 thủ tục hành chính, trong đó có 1.100 thủ tục mức độ 3, 4 (66%); Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn năm 2019 đạt 99,5%.

Cổng cung cấp DVCTT của tỉnh đã kết nối với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia, kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến của Chính phủ, Bộ TT&TT và kết nối đến hệ thống thông tin của một số bộ, ngành như: phần mềm cấp Lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp, phần mềm đăng ký doanh nghiệp của Bộ kế hoạch và Đầu tư.

Nam Định cũng đã hoàn thành dữ liệu hệ thống báo cáo số liệu theo phương pháp cầm tay chỉ việc hướng dẫn đến cán bộ từng xã cập nhật hệ thống chỉ tiêu kinh tế xã hộilên cổng dữ liệu quốc gia. Nam Định cũng là một trong số ít tỉnh hoàn đã thành nhiệm vụ này trong cả nước.

Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được triển khai hiệu quả đến cấp xã, các cuộc họp từ UBND tỉnh đến UBND cấp xã được kết nối thông xuất và thướng xuyên diễn ra. Trên 5.400 tài khoản thư điện tử đã được cấp cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh phục vụ trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

Tháng 6/2020, tỉnh Nam Định đã hoàn thành việc xây dựng và kết nối trục LGSP và trung tâm SOC, Trung tâm chính phủ điện tử tỉnh, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chính phủ, Bộ TT&TT.

Đến nay, theo Giám đốc Vũ Trọng Quế, tỉnh Nam Định có thể nói là đã hoàn thành các nhiệm vụ của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 và luôn là tỉnh sẵn sàng thực hiện các yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu và các yêu cầu khác từ Chính phủ, Bộ TT&TT.

Thí điểm vận hành dịch vụ đô thị thông minh

Giám đốc Vũ Trọng Quế cũng cho biết tỉnh Nam Định đã và đang thí điểm vận hành dịch vụ ĐTTM trên địa bàn thành phố Nam Định.

Nam Định phổ cập rộng rãi 2 ứng dụng thông minh cho cán bộ, người dân - Ảnh 2.

Nam Định đã xây dựng hoàn thành 2 ứng dụng đó là "IOC Nam Định" cho cán bộ và "Smart Nam Định" cho người dân. Sở đã phối hợp với Tỉnh Đoàn hướng dẫn trên 3000 lượt người cài đặt, trong thời gian tới phối hợp với các trường đại học, trường phổ thông tiếp tục cài đặt.

"Đây là công việc cốt lõi, là điểm khởi nguồn cho hệ thống rất nhiều các công việc xây dựng Chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số, ĐTTM tỉnh Nam Định trong thời gian tới", ông Quế nhấn mạnh.

Để tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, theo Giám đốc Vũ Trọng Quế, Sở TT&TT phải thực hiện tốt một số giải pháp như tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết của tỉnh ủy về "Cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, ĐTTM, tỉnh Nam Định" sẽ được ban hành vào quý 2 năm 2021.

Sở TT&TT sẽ chuyển đổi số hướng tới xây dựng Chính quyền số, xã hội số và ĐTTM tỉnh Nam Định.

Sở cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vừa được Bộ TT&TT công bố để áp dụng từ 2021, Giám đốc Vũ Trọng Quế cho biết Sở TT&TT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền bởi bộ chỉ số là cơ Sở quan trọng cho các tỉnh thành phố định hình công việc trong thời gian tới.

Cùng với đó, Sở sẽ tuyên truyền về công việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới xây dựng Chính quyền số, xã hội số, nền kinh tế số và đô thị thông minh, tỉnh Nam Định.

"Chúng tôi cũng xác định có tuyên truyền đúng, đủ thì mới có nhận thức đúng, đủ và khi có nhận thức đúng, đủ thì mới hành động tự giác, quyết liệt và có hiệu quả. Tuyên truyền cho cán bộ, công chức, người dân đều phải thấy rằng ứng dụng CNTT trong cuộc sống là việc tất yếu phải làm, đương nhiên phải áp dụng".

Theo Giám đốc Vũ Trọng Quế, Sở TT&TT phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, các cơ quan hữu quan triển khai có hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM tỉnh Nam Định.

Giám đốc Quế trao đổi, Sở cũng sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao công nghệ để mỗi xã có ít nhất một cán bộ có thể sửa chữa những lỗi nhỏ khi sử dụng các phần mềm đã được trang bị, mỗi huyện có 2 cán bộ chuyên trách và có thể giúp đỡ cán bộ xã xử lý các lỗi khi cán bộ xã đề nghị.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nam Định phổ cập rộng rãi 2 ứng dụng thông minh cho cán bộ, người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO