Nâng cao giá trị thương hiệu của DN Việt Nam trên Internet thông qua tên miền quốc gia .vn

Hữu Lý, Thu Trang, Tuệ Minh| 28/05/2022 06:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) cấp tỉnh gắn liền với xây dựng thương hiệu doanh nghiệp (DN) địa phương trên môi trường Internet một trong những kết quả mà chiến dịch “Chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn” đạt được sau hơn một năm triển khai.

Chương trình do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) các tỉnh thành phố và Nhà đăng ký (NĐK) tên miền ".vn" phối hợp triển khai.

Chỉ số về sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” - trụ cột quan trọng trong đánh giá CĐS cấp tỉnh

Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng số, tạo nền móng cho CĐS là “Dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước (CQNN), báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia .vn”.

Thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, vào tháng 10/2020, Bộ TT&TT đã ra Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 phê duyệt Đề án xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương và của quốc gia. Trong đó, chỉ số CĐS cấp tỉnh - trụ cột Kinh tế số có 2 chỉ số về sử dụng tên miền quốc gia “.vn” gồm: số tên miền “.vn”/1.000 dân (thuộc chỉ số hạ tầng Internet), tỷ lệ DN có website/ cổng thông tin điện tử sử dụng tên miền “.vn” (thuộc chỉ số website, cổng thông tin điện tử doanh nghiệp).

Hiện nay, số lượng tên miền quốc gia “.vn” đạt hơn 553.000 tên miền, đứng thứ 11 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thứ 43 toàn cầu. Tuy nhiên, lượng đăng ký tên miền “.vn” vẫn chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, chưa phát triển mạnh ở các tỉnh thành khác trên cả nước.

Nguyên nhân xuất phát từ việc nhận thức của DN, người dân ở các tỉnh, thành phố về hiện diện online, xây dựng thương hiệu trên Internet, chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến đang còn thấp. Họ chưa có cơ hội tiếp cận về các dịch vụ CNTT, ứng dụng  CNTT vào kinh doanh sản xuất. Chị Hoàng Thị Hà, đại diện một đơn vị kinh doanh tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Công ty TNHH Alita Tech) cho biết ngoài kinh doanh truyền thống, công ty có dự định chuyển sang mô hình kinh doanh trực tuyến, đồng thời xây dựng thương hiệu trên Internet. 

Tuy nhiên, do công ty mới thành lập, chưa có đủ thời gian và nguồn lực để xây dựng phương tiện kinh doanh trực tuyến, nên bước đầu cũng khá lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu. Câu chuyện của chị Hà cũng là vướng mắc chung của rất nhiều các DN, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, đang tìm cho mình hướng đi bền vững, hiện diện trực tuyến trên Internet.

Xây dựng thương hiệu trên Internet cho DN địa phương với tên miền “.vn” và các dịch vụ số

Với khẩu hiệu hành động “Internet for all”, trong giai đoạn 2021-2025 VNNIC quyết tâm mở rộng thúc đẩy phát triển Internet mạnh mẽ ở các tỉnh thành phố trên cả nước, đưa tên miền quốc gia “.vn” cùng với các dịch vụ số đến với người dân, học sinh, sinh viên các hộ kinh doanh, DN, trường đại học, các cơ quan tổ chức để phát triển thương hiệu, nội dung số, thương mại điện tử,... một cách thiết thực và hiệu quả nhất. Năm 2021, VNNIC, Sở TT&TT các tỉnh và các NĐK tên miền “.vn” đã phối hợp triển khai chương trình “Chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả, hiện diện tin cậy trên Internet với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn”.

Đưa tên miền “.vn” và dịch vụ số (website, email, đặt hàng trực tuyến, thanh toán điện tử, kết nối vận chuyển,...) đến gần DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã địa phương là chìa khóa để nâng cao các chỉ số về sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, cũng như tạo sự hiện diện và nâng cao giá trị thương hiệu của DN Việt trên Internet.

Chương trình nhắm đến các mục tiêu cụ thể:

- Phát triển hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), ứng dụng CNTT tại địa phương nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Quốc gia về CĐS tại các tỉnh thành trên cả nước. 

- Hỗ trợ các cá nhân, DN địa phương có nhu cầu đăng ký tên miền “.vn” một cách dễ dàng và thuận tiện nhất.

- Tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với các gói dịch vụ, sản phẩm đa dạng cho tên miền “.vn”.

- Tăng chỉ số CĐS của tỉnh liên quan đến chỉ tiêu tên miền “.vn”/1000 dân và tỷ lệ DN có website/ cổng thông tin điện tử sử dụng tên miền “.vn”; góp phần tăng chỉ số TMĐT (EBI) của tỉnh liên quan đến nhóm chỉ số đánh giá Hạ tầng và Nguồn nhân lực cho TMĐT.

Trong năm 2021,VNNIC đã phối hợp với các Sở TTTT và các NĐK tên miền “.vn” triền khai nhiều hoạt động cụ thể tại từng địa phương, bắt đầu với chương trình khai trương điểm đăng ký và cổng đăng ký online tên miền quốc gia “.vn”. Tính đến tháng 5/2022, chương trình đã được triển khai tại 06 địa phương: Đồng Tháp (https://dtict.vn/), Vĩnh Long (https://vlict.vn/),Hậu Giang (https://haugiangict.vn), Thái Nguyên (https://tnict.vn), Bà Rịa - Vũng Tàu (brvtict.vn/), Lâm Đồng (https://lamdongict.vn). 

Nâng cao giá trị thương hiệu của DN Việt Nam trên Internet thông qua tên miền quốc gia .vn - Ảnh 1.

Hình 2: Điểm đăng ký tên miền “.vn” tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được khai trương tại địa chỉ brvtict.vn

Các DN, hộ kinh doanh tham gia chương trình đều được tư vấn để xây dựng mô hình kinh doanh trực tuyến phù hợp, với tên miền “.vn ”, website tích hợp các tiện ích thanh toán bán hàng, hộp thư DN, thể hiện tính chuyên nghiệp và tin cậy, giúp DN mở rộng kinh doanh. Một số kết quả tích cực có thể nhìn thấy từ chương trình: tại tỉnh Đồng Tháp, số lượng tên miền “. vn” đăng ký mới từ tháng 4/2021 tới hết năm 2021 tăng trưởng 71% so với cùng kỳ năm 2020; con số tương tự tại Vĩnh Long từ tháng 5/2021 tới hết năm 2021 tăng trưởng 75% so với cùng kỳ năm 2020. 

Nếu tính cả năm 2021, cả hai tỉnh đều có mức tăng trưởng đăng ký mới tên miền lớn hơn 30% (mức tăng trưởng trung bình của cả hệ thống trong năm 2021 đạt 5,2%). Nhiều hợp tác xã nông lâm nghiệp thủy sản đã giới thiệu sản phẩm của mình quảng bá trên website chính thức sử dụng tên miền “.vn”, tiếp cận được với cộng đồng người tiêu dùng trên cả nước và mở rộng thị trường ra nước ngoài, khẳng định thương hiệu Việt.

Các hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch đã thu hút sự quan tâm của nhiều người làm kinh tế tại các địa phương. Điển hình là tại Đồng Tháp và Vĩnh Long, ông Trần Văn Thâu, chủ Cơ sở sản xuất chế biến nông sản Lộc Thịnh Phát, cho biết từ trước đến nay xoài sấy dẻo luôn đặc sản của xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, việc kinh doanh truyền thống tại cơ sở sản xuất chỉ có thể phục vụ bà con, du khách địa phương. 

Khi biết điểm đăng ký tên miền quốc gia “.vn” tại tỉnh Đồng Tháp đi vào hoạt động, ông quyết định tham gia để có thể đưa thông tin, xuất xứ sản phẩm lên Internet, giúp người dân cả nước biết tới và tin cậy thương hiệu của địa phương mình. Đúng như kỳ vọng trên, chỉ sau thời gian ngắn chương trình triển khai hàng chục DN với nhiều mặt hàng nông sản địa phương được hỗ trợ hiện diện trực tuyến qua website giới thiệu sản phẩm kết hợp bán hàng. Có thể kể đến một số thương hiệu như rượu Sâm Bảo Thanh (ruousambaothanh. vn), nước mắm và dưa kiệu Thành Công 2 (https:// thanhcong2.vn),bì mắm Đông Nguyên (bimamdongnguyen. vn), khô cá tra Ngọc Diệp (khocangocdiep.vn/), Hội quán Kinh doanh Hoa Kiểng (hoiquanhoathanh.vn), cam sành Khánh Nhân (camsanhkhanhnhan.vn), rau an toàn Phước Hậu (rauantoanphuochau.vn), Bánh phồng khoai lang thuần chay Nhật Ngọc (banhkhoailang.vn), và các thương hiệu khác....

Bên cạnh các tỉnh thành trên, VNNIC đang xúc tiến để đưa chiến dịch đến gần người dân các địa phương khác như: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre...

Nhân rộng mô hình sử dụng tên miền quốc gia “.vn” trên nhiều ngành nghề trong địa bàn các tỉnh

Chiến dịch nhận được phản hồi tích cực từ các DN, hộ kinh doanh tham gia. Đặc biệt, trong bối cảnh như hiện nay, kênh tiêu thụ trực tiếp gặp nhiều hạn chế. Việc nhận được hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh doanh, xây dựng kênh giao dịch trực tuyến giúp các DN, hộ kinh doanh tại địa phương vượt qua giai đoạn trước mắt, và phát triển kinh doanh bền vững, rộng rãi, đúng xu thế trên cả nước trong tương lai. 

Nâng cao giá trị thương hiệu của DN Việt Nam trên Internet thông qua tên miền quốc gia .vn - Ảnh 2.

Hình 3: Các DN, hộ kinh doanh đã được chương trình hỗ trợ tại Đồng Tháp

Tới nay, các địa phương có đánh giá lạc quan về kết quả CĐS đạt được sau chiến dịch. Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu hỗ trợ 50% DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, có website với tên miền .vn và tiến tới lọt top 10 tỉnh, thành dẫn đầu về CĐs.

Bên cạnh đó, chiến dịch giúp người dân nâng cao nhận thức về giá trị của tên miền quốc gia “.vn”. Chủ thương hiệu Mật ong Hương tràm Hậu Giang cho biết: “Ban đầu, tôi cũng phân vân về tên miền, nhưng khi được giải thích về .vn, tôi nghĩ rằng đây là lựa chọn duy nhất. “.vn” chính là Việt Nam. Chúng tôi là người Việt Nam, sản phẩm của Việt Nam, hướng đến thị trường Việt Nam và “.vn” chính là đại diện tin cậy cho thương hiệu của chúng tôi.”

Anh Trần Trọng Khải - Đại diện Cơ sở sản xuất chocolate La Ria tại Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết trong thời buổi hiện nay, không có trang web thì không cung cấp thông tin về sản phẩm nguồn, cũng không quảng bá được sản phẩm đến người tiêu dùng. Trước đây, cơ sở sản xuất của anh đã từng lập website nhưng còn bỡ ngỡ, chưa được bài bản. Sở hữu website có tên miền “.vn”, cơ sở sản xuất của anh Khải gắn liền với thương hiệu có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam, gia tăng uy tín đối với khách hàng. 

Nâng cao giá trị thương hiệu của DN Việt Nam trên Internet thông qua tên miền quốc gia .vn - Ảnh 3.

Hình 4: Lợi thế tên miền quốc gia “.vn”

Kết quả trên thể hiện nỗ lực của VNNIC, Trung tâm CNTT (trực thuộc Sở TT&TT), các NĐK tên miền “.vn” trong việc mang đến những giải pháp thiết thực phục vụ các DN, hộ kinh doanh trên địa bàn các tỉnh thành CĐS thông qua việc chủ động áp dụng các dịch vụ số sử dụng tên miền “.vn” trong kinh doanh trực tuyến giúp người dân địa phương có thêm cơ hội làm giàu trên chính quê hương mình.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

[2]. Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 của Bộ TT&TT phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia.

[3]. Website của Trung tâm Internet Việt Nam (https://vnnic.vn)

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị thương hiệu của DN Việt Nam trên Internet thông qua tên miền quốc gia .vn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO