Ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong báo chí: Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ

Bài và ảnh Xuân Tuấn| 03/06/2020 08:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 diễn ra chiều ngày 02/6, đại diện các bộ, ngành đã trả lời nhiều nội dung được báo chí, dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua.

Ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong báo chí: sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020

Quy định gỡ bài khi đã đăng trên báo

Đối với quy định gỡ bài khi đã đăng tải trên báo, Phóng viên VOV đã đặt câu hỏi đối với lãnh đạo Bộ TT&TT về việc Bộ có quy định là không được gỡ bài mà phải đính chính hoặc nếu thông tin sai thì phải công khai đăng tải xin lỗi.

Cụ thể là cuối tháng 4, báo Pháp luật Việt Nam và một số báo đưa bài: "Nhà thầu cung ứng vật tư cho ngành điện thay đổi người đại diện pháp luật". Bài báo có đưa đích danh tên người đại diện là phu nhân của lãnh đạo một bộ, sau đó gỡ toàn bộ tên người trong bài và không hề xin lỗi hay đính chính. Vậy quan điểm của Bộ TT&TT thế nào về việc này?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam để rà soát lại việc gỡ bài, sửa bài. Hiện nay, Hội Nhà báo có phần mềm chuyên quản lý việc gỡ bài, sửa bài. Sau khi phân tích xem lý do gỡ bài như thế nào, chúng tôi sẽ có câu trả lời chính thức.

Ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong báo chí: sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo trả lời báo chí

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng cho biết thêm, về nguyên tắc có những chuyện gỡ bài là theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, ví dụ nếu tin bài đó gây ảnh hưởng không tốt đến lợi ích quốc gia, dân tộc, gây hoang mang trong cộng đồng, thì dù thông tin đúng nhưng theo yêu cầu vẫn phải gỡ. Bản thân cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm về nội dung của mình, cho nên trong quá trình xuất bản, sau khi thẩm tra thấy thông tin sai, không đúng thì tự gỡ đi. Chúng ta đã có chủ trương ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong báo chí là "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ".

Do đó việc này, chúng tôi phải nghe cụ thể mục đích gỡ bài mà báo Pháp luật Việt Nam đưa ra là gì, nếu vì vụ lợi, tiêu cực thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý.

Không cung cấp hoặc để lộ, lọt thông tin của cá nhân

Về một nội dung khác liên quan đến xác thực thông tin của ví điện tử, phóng viên Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam nêu câu hỏi: Ví điện tử yêu cầu người sử dụng phải xác thực thông tin. Vì vậy, rất nhiều người tiêu dùng lo lắng rằng thông tin của mình có được đảm bảo không vì đây là ví điện tử. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có thông tin chính thức về vấn đề này.

Trả lời nội dung này, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Ngày 7/7 sắp tới là hạn cuối cùng để các chủ ví điện tử hoàn tất việc kê khai xác minh danh tính của mình. Đây là việc sửa đổi lại Thông tư 39 ban hành từ năm 2014. Lý do phải sửa đổi lại là phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng ví điện tử.

Ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong báo chí: sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ - Ảnh 3.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú trả lời báo chí

Trong thời gian vừa qua đã có một số trường hợp người sử dụng ví điện tử bị lộ thông tin và ảnh hưởng đến an toàn. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, với những tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, cần phải làm rõ kê khai xác minh danh tính, đến 7/7 này sẽ hết hạn.

Chúng tôi khẳng định các tổ chức có chức năng trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin thanh toán cho khách hàng. Chúng tôi khuyến cáo người dân sử dụng dịch vụ này không nên cung cấp hoặc để lộ, lọt thông tin của mình cho những người không tin tưởng.

Nở rộ dịch vụ cho vay tiền qua ứng dụng trên điện thoại

Vừa qua nở rộ dịch vụ cho vay tiền qua app (ứng dụng trên điện thoại) nhưng phải trả lãi cao, điều này khiến nhiều người vay bị lâm vào cùng cực. PV báo Lao động đặt câu hỏi Bộ Công an có ý kiến và giải pháp gì về việc này?

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết: Tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, với các thủ đoạn đa dạng, ở hầu hết các địa phương, khu vực, chúng ta phải đấu tranh làm mạnh, đặc biệt lực lượng cảnh sát hình sự và cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao.

Ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong báo chí: sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ - Ảnh 4.

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô trả lời báo chí

Thực tế, nhu cầu vay tín dụng khá lớn nên tín dụng đen mới hoạt động mạnh thế. Đặc biệt, người đi vay tín dụng đen đều ở tình trạng cần tiền gấp, trong đó có cả đối tượng nghiện hút, cờ bạc… Còn những người làm ăn, kinh doanh đa số biết là khó làm được gì có lợi nhuận đủ để bù đắp lại số lãi vay cao như vậy… Do đó, tín dụng đen là loại tội phạm nguy hiểm, là mục tiêu đấu tranh của công an.

"Chúng tôi đã có cảnh báo các loại tội phạm này trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tránh rơi vào bẫy tín dụng đen", Chánh Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh.

Tới đây, Bộ Công an sẽ tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 12-CP của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có hoạt động vi phạm liên quan đến tín dụng đen, sẽ có hội nghị có các nội dung cụ thể hơn…

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong báo chí: Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO