Nghệ thuật gắn kết người tài: kinh nghiệm của NashTech, FTI và Base.vn

NK| 26/04/2022 10:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao, nhưng tỷ lệ nhân viên nghỉ việc vẫn không ngừng tăng, chỉ 46% mong muốn gắn bó với tổ chức. Từ góc nhìn và kinh nghiệm thực tiễn, NashTech, FPT Telecom International (FTI) và Base.vn đã chia sẻ nghệ thuật “kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc” để thu hút và giữ chân nhân tài.

Thông tin trên được đưa ra trong tọa đàm "Kiến tạo môi trường làm việc hạnh phúc" được đồng tổ chức bởi Base.vn và FTI. Theo diễn giả - PGS. TS Hannah-Hanh D. Nguyen, Quản lý tại trường Kinh doanh Shidler - Đại học Hawaii, COVID-19 không chỉ gây ra nhiều biến động về kinh tế - xã hội, mà còn mang lại những tổn thương về tâm lý và sức khỏe tinh thần của con người. 

Sau đại dịch, tại nhiều doanh nghiệp (DN), một bộ phận nhân sự có xu hướng đặt ra những câu hỏi như: "Tôi có thực sự thích công việc này?", "Vai trò của tiền lương trong cuộc sống?", hay "Đâu là mục đích sống thực sự của tôi?".

Theo đó, PGS.TS Hannah-Hanh D. Nguyen đã chỉ ra một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự rời đi của đội ngũ nhân sự: Mối quan hệ với đồng nghiệp và quản lý trực tiếp, ban lãnh đạo công ty không thực sự tích cực; Chế độ đãi ngộ, lương thưởng chưa phù hợp hoặc không công bằng; Lộ trình thăng tiến không rõ ràng, vị trí công việc không đáp ứng được định hướng phát triển bản thân của nhân viên…

3 bí quyết "giữ chân" nhân tài của NashTech

NashTech thuộc Tập đoàn Harvey Nash, có trụ sở chính tại Anh quốc. Được xem là một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, NashTech đã được vinh danh là Nơi làm việc tốt nhất châu Á do tạp chí nhân sự HR Asia bình chọn vào năm 2021.

Giải thưởng này là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên NashTech trên hành trình kiến tạo "môi trường làm việc hạnh phúc" - mục tiêu giúp công ty "giữ chân" nhân tài trong một lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt về mặt nhân sự như công nghệ.

Trên hành trình ấy, có một "văn hóa NashTech" đã được xây dựng và trở thành "kim chỉ nam" giúp công ty "ghi điểm" với nhân viên. "NashTech luôn chú trọng vào sức khỏe tinh thần của nhân viên và tâm niệm phải làm sao để công ty thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của họ. Đây không chỉ là vấn đề được ưu tiên hàng đầu khi kết quả kinh doanh tốt, mà những khi công ty gặp khó khăn, chúng tôi cũng quyết không để ai bị bỏ lại phía sau", ông Nguyễn Thuận Thành, Giám đốc Nhân sự APAC của NashTech, cho biết.

Theo đó, ông Thành chia sẻ 3 yếu tố then chốt làm nên "văn hóa NashTech", giúp rút ngắn khoảng cách giữa nhân viên và tổ chức.

Yếu tố đầu tiên là tập trung đào tạo nhằm nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên. Là một công ty toàn cầu, đội ngũ nhân sự luôn được đào tạo bài bản để trở thành nhân viên toàn cầu thực thụ. Tùy theo năng lực chuyên môn, ban lãnh đạo có sự ghi nhận, tưởng thưởng và trao quyền xứng đáng.

Văn hóa học tập và chia sẻ là "bí quyết" tiếp theo. Công tác đào tạo nội bộ được tổ chức theo chuẩn mực quốc tế, đề cao sự chủ động và tôn trọng thế mạnh cá nhân. "Chúng tôi không đào tạo điều A để bạn học điều A, chính bạn là người cần đề xuất những kiến thức và kỹ năng mà bạn muốn trau dồi, và những gì bạn có để chia sẻ với đồng nghiệp, cấp dưới", ông Thành nói.

Cuối cùng, luôn lấy lợi ích nhân viên là giá trị cốt lõi trong mọi giai đoạn phát triển là yếu tố còn lại. "Nhu cầu về nhân lực trong ngành CNTT ngày càng cao, làm sao để giữ chân nhân viên là một bài toán khó. Tôi vẫn tự nhắc mình phải làm sao để trong mọi trường hợp, nhân viên luôn cảm thấy được quan tâm, bảo vệ và không đơn độc", ông Thành chia sẻ.

Chiến lược "con người là tài sản lớn nhất" của FTI

Trải qua gần 14 năm phát triển, quan điểm xây dựng đội ngũ với chiến lược "con người là tài sản lớn nhất" của FTI vẫn được duy trì từ ngày đầu. Để rồi từ 40 người, hiện công ty này đã có hơn 1.000 nhân sự.

Ông Phạm Duy Phúc, Chủ tịch FTI, khẳng định rằng sự tương tác và mối quan hệ giữa người với người là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của một tổ chức. Trong đó, sự phù hợp về khía cạnh con người và cách làm việc giữa nhân viên và quản lý trực tiếp là cực kỳ quan trọng. 

"Khi công ty gặp khó khăn, nhiều nhân viên có thể ở lại chỉ vì cảm thấy gắn kết với người lãnh đạo trực tiếp của mình", ông Phúc nhận định.

Nghệ thuật gắn kết người tài: Nhìn từ kinh nghiệm của NashTech, FTI và Base.vn - Ảnh 1.

"Con người là tài sản lớn nhất" là phương châm xây dựng đội ngũ của FTI

Tại FTI, sự luân chuyển về vị trí công việc tùy theo đề xuất của nhân viên được diễn ra thường xuyên. Theo đó, ban lãnh đạo luôn tạo điều kiện để nhân viên được trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau, với những đồng nghiệp và quản lý khác nhau, để phát triển hết khả năng và phát hiện được thế mạnh tiềm ẩn của mình.

"Mối quan hệ giữa những người trong công ty rất quan trọng, bởi nếu chỉ đơn giản là tôi giao việc và bạn hoàn thành KPI, thì chúng ta không thể đồng cam cộng khổ và cũng không thể xây dựng một tổ chức thực sự bền vững", ông Phúc khẳng định.

Ứng dụng công nghệ gia tăng trải nghiệm nhân viên

Theo bà Nguyễn Kim Cúc, Trưởng Bộ phận Phát triển Kinh doanh khu vực miền Nam của Base.vn, bên cạnh tối ưu trải nghiệm khách hàng và quy trình vận hành, quá trình chuyển đổi số trong DN còn giúp gia tăng trải nghiệm nhân viên.

Bà Cúc chỉ ra 3 yếu tố làm nên một trải nghiệm nhân viên tốt bao gồm: được trả đúng; được kết nối và được công nhận.

Sự trả đúng dành cho nhân viên, theo đại diện Base.vn, tồn tại trong những trải nghiệm nhỏ nhặt hàng ngày như chấm công, tính lương, khả năng xử lý nhanh chóng khi quên check-in hoặc check-out, dễ dàng tạo đề xuất xin nghỉ phép, đi công tác…

"Công nghệ giúp nhân viên được trả đúng nhờ khả năng chuẩn hóa những hoạt động và quy trình căn bản trên. Khi ấy, nhân viên sẽ thực sự hưởng thụ ngày nhận bảng lương và bộ phận C&B (bộ phận làm lương thưởng và chế độ chính sách trong DN) không còn cảm thấy ức chế vì những sai sót, nhầm lẫn do phải tính toán một cách thủ công trên Excel. 

Trong trường hợp DN có quy mô lớn với hàng nghìn nhân sự, phía sau một bảng lương được tính toán chính xác trên Excel là cả một sự nỗ lực, đầu tư thời gian và nhiều ngày phải ‘căng mắt’ của bộ phận C&B ", bà Cúc chia sẻ.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ trong DN còn giúp kết nối nhân viên trên môi trường làm việc số, thay đổi cách tương tác và chia sẻ nội bộ, giúp đảm bảo 3 tiêu chí: Kết nối liên tục, Kết nối hai chiều và Xây dựng môi trường số thân thiện.

Cuối cùng, sự ghi nhận là yếu tố còn lại giúp gia tăng trải nghiệm nhân viên và sự gắn kết. Theo bà Cúc, ứng dụng công nghệ giúp nhà quản lý có cái nhìn toàn diện và đưa ra quyết định khen thưởng, đánh giá chính xác thông qua những báo cáo trực quan và dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực. 

"Sự ghi nhận dành cho nhân viên đôi khi còn quan trọng và có ý nghĩa hơn cả lương tháng. Một môi trường làm việc hạnh phúc là nơi nhân viên có thể tự do là chính mình mà vẫn được tưởng thưởng, ghi nhận đúng lúc", bà Cúc kết luận./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật gắn kết người tài: kinh nghiệm của NashTech, FTI và Base.vn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO