Nghiên cứu phương án liên thông chữ ký số trong ASEAN

Hoàng Linh| 10/12/2021 15:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Để thúc đẩy giao dịch điện tử, thương mại điện tử (TMĐT) trong khu vực ASEAN, ngày 10/12/2021, Bộ TT&TT đã chủ trì hội thảo nghiên cứu khung pháp lý để liên thông chữ ký số (CKS) trong ASEAN.

Liên thông CKS trong ASEAN để thúc đẩy kinh tế số, TMĐT

Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT nhấn mạnh thương mại số được xem là một ưu tiên và là một lĩnh vực được thúc đẩy trong ASEAN, theo đó, các nước ASEAN hướng tới xây dựng khung pháp lý, kỹ thuật để công nhận CKS giữa các nước trong ASEAN. Hội thảo được Nhật Bản tư vấn, hỗ trợ. Các đề xuất thực tiễn, khuyến nghị từ hội thảo sẽ được trình lên Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN và sau đó là Hội nghị Bộ trưởng ICT để tiến tới một khung chính sách chung hướng tới khả thi việc liên thông CKS trong ASEAN.

Nghiên cứu phương án liên thông chữ ký số trong ASEAN - Ảnh 1.

Ông Lã Hoàng Trung: việc thúc đẩy CKS dùng chung giữa các nước ASEAN có ý nghĩa lớn để thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, thương mại xuyên biên giới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí TT&TT, ông Lã Hoàng Trung, phụ trách dự án và chủ trì hội thảo cho biết Việt Nam có hai hệ thống CKS gồm CKS công cộng và chuyên dùng chính phủ. Trước năm 2019, hai hệ thống CKS này chưa liên thông lẫn nhau hoặc liên thông mà không đọc được. Theo đó, năm 2019, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 04/2019/TT-BTTTT ngày 05/7/2019 quy định về việc liên thông giữa tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS quốc gia và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng cho chính phủ để giải quyết vấn đề liên thông CKS của hai hệ thống này. Theo đó, một người sử dụng chứng thư số của một hệ thống CKS gửi sang hệ thống CKS thứ hai có thể đọc, hiểu và công nhận được.

Tương tự, ông Trung cho biết trong quy mô ASEAN, các nước cũng đang có các nhà cung cấp dịch vụ CKS (CA) khác nhau. Có nước có một CA, có nước có nhiều CA như Việt Nam, Malaysia, Lào… theo đó, gặp phải vấn đề là khi một tài liệu điện tử của Việt Nam ký số gửi sang nước khác trong ASEAN thì có công nhận hay không và làm thế nào để công nhận và đây là mục tiêu của dự án. Dự án dự kiến đề xuất về pháp lý, kỹ thuật, tiêu chuẩn để các nước áp dụng, quy trình để công nhận CKS của các nước.

Hội thảo lần này mới là bước đầu tiên dự án. Các nội dung về pháp lý và kỹ thuật sẽ được các nước ASEAN tiếp tục bàn thảo nhiều và sâu hơn nữa bởi nhưng thực tiễn Việt Nam khi giải bài toán giữa CKS công cộng và CKS chuyên dùng chính phủ cũng đã phải mất nhiều thời gian. Bài toán CKS chung cho ASEAN là bài toán rộng và phức tạp hơn nhiều, ông Trung trao đổi.

Ông Trung cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy CKS dùng chung giữa các nước ASEAN có ý nghĩa lớn để thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, thương mại xuyên biên giới, TMĐT bởi CKS được công nhận trong khu vực ASEAN thì một người dân Việt Nam có thể nộp hồ sơ dịch vụ công ở một nước khác trong khu vực ASEAN hay việc ký hợp đồng điện tử giữa các cá nhân, doanh nghiệp trong ASEAN sẽ khả thi… Khi các nước công nhận CKS thì sẽ mở rộng giao dịch điện tử trong khu vực giống như bài toán đã được châu Âu giải quyết tốt.

Thông tin về tình hình ứng dụng CKS tại Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT cho biết hiện nay tại Việt Nam, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành của Việt Nam đã ứng dụng CKS trong quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử và dịch vụ công trực tuyến. 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh thành đã hoàn thành việc kết nối liên thông trên Trục liên thông văn bản quốc gia và ứng dụng hiệu quả CKS để trao đổi văn bản điện tử.

Ông Nghĩa cũng cho biết Chính phủ Việt Nam xác định phát triển chính phủ số và thương mại số phải bảo mật, nâng cao tính minh bạch, cải thiện dịch vụ chất lượng và mang đến sự hài lòng cho người dân.

Việt Nam đang thúc đẩy phát triển tính năng ký từ xa và PKI di động, ưu tiên phát triển CKS cá nhân; mở rộng phạm vi ứng dụng CKS cho thanh toán điện tử, ngân hàng điện tử và ứng dụng vào căn cước công dân điện tử.

Nghiên cứu phương án liên thông chữ ký số trong ASEAN - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến

Đề xuất cho ASEAN

Tại hội thảo, ông Eugene Lam, Phó Giám đốc công ty Netrust, Singapore đã chia sẻ những khảo sát chi tiết về tình hình CKS của các nước trong khu vực ASEAN.

Ông Eugene Lam khuyến nghị các nước ASEAN nên xây dựng một mô hình liên thông CKS để thúc đẩy tương tác trong khu vực, có thể hướng tới công nhận một CA chung cho khu vực thay vì tạo ra một giải pháp kỹ thuật.

Theo mô hình liên thông CKS lẫn nhau, những người dùng khác nhau từ các CA khác nhau trong khu vực sẽ có thể xác thực hoặc ký vào các tài liệu. Điều này cũng có nghĩa là các chứng thư được công nhận chéo theo hình thức tin cậy, có khả năng xác định danh tính cá nhân duy nhất.

Các nước ASEAN có thể nghiên cứu các công nghệ lai ghép như ký số điện tử với thông tin xác thực, chuỗi khối, các công nghệ hỗ trợ khác và thử nghiệm khả năng triển khai.

Theo Nestrust, trước tiên các nước ASEAN cần xác định các hồ sơ, tài liệu khác nhau có thể ký số như các thông báo, báo cáo hàng năm, chứng nhận học thuật, chứng chỉ nghề nghiệp, thỏa thuận hợp đồng, học bổng, khoản vay tài chính ứng dụng, bảo hiểm, đơn đặt hàng hoặc hóa đơn.

Sau khi xác định các loại tài liệu có thể thực hiện công nhận chữ ký số lẫn nhau, các loại trừ theo quy định đối với việc sử dụng chữ ký điện tử cũng phải được được xem xét đối với từng quốc gia thành viên và từ đó có thể khuyến nghị sửa các quy định liên quan cần thiết.

Theo chia sẻ của bà Rika Tsunoda, Phó Giám đốc, Cơ quan Kỹ thuật số (DA), Chính phủ Nhật Bản, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các diễn giải mới về chữ ký điện tử trong đạo luật CKS cũng như đánh giá lại việc định nghĩa CKS để cải tiến việc ứng dụng CKS ở Nhật Bản.

Cơ quan kỹ thuật số Nhật Bản tổ chức một nhóm công tác, trong đó các chuyên gia để thảo luận các biện pháp xây dựng khuôn khổ cơ sở tin cậy để các dịch vụ tin cậy, bao gồm cả CKS có thể ứng dụng rộng rãi.

Khi xây dựng cơ sở tin cậy ở Nhật Bản, điều bắt buộc là phải xem xét khả năng công nhận quốc tế về CKS để đảm bảo tính tương tác quốc tế cho các dịch vụ xác nhận người dùng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu phương án liên thông chữ ký số trong ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO