Nguồn nhân lực ATTT: Việt Nam đã có những chuẩn bị từ rất sớm

TH| 08/12/2020 14:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), hướng tới xây dựng xã hội số thì vai trò của an toàn thông tin (ATTT) ngày càng trở nên quan trọng, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho nền kinh tế số vận hành tốt. Trong đó, nguồn nhân lực ATTT đóng vai trò thiết yếu. Vậy, Việt Nam đã chuẩn bị thế nào cho vấn đề này?

Thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực ATTT

Nguồn nhân lực ATTT chất lượng cao là điều kiện hàng đầu trong việc đảm bảo ATTT mạng. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của tổ chức Chứng chỉ bảo mật hệ thống thông tin quốc tế (ISC2), dù lực lượng nhân sự an ninh mạng thế giới tăng 25% trong năm nay để đạt 3,5 triệu người, thì tính trên phạm vi toàn cầu vẫn còn thiếu hơn 3 triệu chuyên gia bảo mật. Một con số khá lớn trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Điều đáng lưu ý là khu vực châu Á – Thái Bình Dương thiếu hụt trầm trọng nhất khi cần tới khoảng 2 triệu chuyên gia. Trong đó, riêng Nhật Bản thiếu 92.000 nhân lực.

Tại Việt Nam, vấn đề này cũng không phải ngoại lệ khi nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực ATTT vẫn đang thiếu hụt. Tuy nhiên, nhìn trong trung hạn, với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhân lực trong lĩnh vực này tại Việt Nam có thể không thiếu hụt nghiêm trọng như thực trạng tại nhiều nước trên thế giới.

Những bước chuẩn bị của Việt Nam

Xác định thiếu hụt nguồn nhân lực ATTT là vấn đề có tầm quan trọng quốc gia, do đó, ngay từ rất sớm Chính phủ đã có những chuẩn bị sẵn sàng.

Từ đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 99/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020. Trong đó, có 08 cơ sở đào tạo được lựa chọn làm cơ sở đào tạo trọng điểm để thực hiện đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành an toàn thông tin phục vụ mục tiêu phát triển trung hạn đến năm 2020.

Tính đến hết năm 2019, 08 cơ sở đào tạo đã thực hiện tuyển sinh đào tạo hệ chính quy thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ATTT, gồm: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, ĐH CNTT thuộc ĐH Quốc gia TP. HCM, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng. Riêng Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng tuyển sinh từ sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành CNTT sang học chuyên ngành an toàn mạng.

Nguồn nhân lực ATTT: Việt Nam đã có những chuẩn bị từ rất sớm - Ảnh 1.

Sinh viên ngành CNTT tại một cuộc hội thảo (Nguồn: Internet)

Ngoài các cơ sở đào tạo trọng điểm nêu trên, một số cơ sở đào tạo khác như: ĐH FPT; ĐH CNTT-TT, ĐH Thái Nguyên; ĐH Duy Tân; ĐH Công nghệ TP. HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm và Trường ĐH Việt Pháp.

Nhờ đó, trong giai đoạn 2014 - 2019, trong nước đã có khoảng 1500 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ về ATTT tốt nghiệp. Đây là nguồn lực vô cùng quý giúp chúng ta không bị quá khan hiếm về nguồn nhân lực ATTT như nhiều nước trên thế giới đã gặp phải.

Có được kết quả trên là do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đào tạo trong suốt thời gian qua. Hai Bộ đã phối hợp triển khai một cách có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn ATTT theo Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn nhân lực ATTT: Việt Nam đã có những chuẩn bị từ rất sớm - Ảnh 2.

Không ngừng đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ATTT

Theo đó, không chỉ tuyển sinh và đào tạo cho sinh viên mới, mà còn triển khai đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn, cả trong nước và ngoài nước cho cả đội ngũ giảng viên, cán bộ chuyên trách ATTT không chỉ của cơ quan nhà nước. Bộ GD&ĐT đã áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ Đại học, bao gồm cả ngành ATTT. Theo đó, huy động nguồn lực của doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực CNTT - ATTT, thí điểm gỡ bỏ quy định truyền thống tạo điều kiện phát triển nhân lực CNTT – ATTT.

Với những bước chuẩn bị từ khá sớm và sự vào cuộc của cả hai Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT, đến nay, những lứa nhân lực đầu tiên về ATTT theo Đề án 99 đã "ra lò" được 2 năm và kịp thời cung cấp cho xã hội, đáp ứng phần nào cơn khát của thị trường nhân lực ATTT. Đồng thời, nhân lực làm về công tác ATTT tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cũng được nâng cao rất nhiều về trình độ chuyên môn và nhận thức. Tất cả những điều đó đang giúp Việt Nam không bị hẫng về nhân lực trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, bên cạnh số lượng, thì chất lượng nguồn nhân lực ATTT cũng là vấn đề cần được chú trọng. Trên thực tế các cuộc tấn công mạng trên thế giới cũng như ở Việt Nam thời gian vừa qua có quy mô, tính chất phức tạp, tính vi, mức độ phá hoại ngày càng cao. Điều này đặt ra yêu cầu đối phải không ngừng nâng cao chất lượng đối với đội ngũ nhân lực làm công tác ATTT trong thời gian tới.

Bài liên quan
  • Phát triển nguồn nhân lực Logistics trong nền kinh tế số
    Logistics là một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung cấp chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dịch vụ này bao gồm các hoạt động về nhận hàng, đóng gói, vận chuyển, thủ tục giấy tờ hải quan, kho bãi, giao hàng và quản lý thông tin và ngày càng phát triển mạnh trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nhân lực ATTT: Việt Nam đã có những chuẩn bị từ rất sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO